"Liều thuốc" đặc hiệu cho kinh tế hậu Covid-19: Đừng là người đến sau (Kỳ 4)

Thanh Phong – Lê Thúy – Quang Dân – Quốc Hải Thứ bảy, ngày 25/04/2020 13:41 PM (GMT+7)
Hiện tại, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường trên toàn cầu, tuy nhiên, đã được cơ bản kiểm soát tại Việt Nam. Theo nhận định của các chuyên gia đầu ngành, đây chính là thời điểm để chuẩn bị dần các hoạt động nhằm phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng do dịch bệnh thời gian qua.
Bình luận 0

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, "Đừng là “người đến sau” trong tái khởi động và phục hồi nền kinh tế"

img

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Việc nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại là cơ hội cho các DN phục hồi. Trước tiên DN phải tìm hiểu thông tin và tìm cách tiếp cận nhanh chóng với các gói hỗ trợ của Chính phủ, có thêm nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính để có thể tái khởi động kinh doanh.

Đồng thời, DN Việt Nam cũng phải thay đổi, phải định vị lại mình, tái cấu trúc chiến lược về quản trị và phát triển chăm sóc nguồn nhân lực, nguồn lao động sẽ chính là điểm mấu chốt để chúng ta có thể thành công.

Ngoài ra, tăng cường liên kết thông qua các chuỗi cung ứng và mạng lưới các hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng và địa phương, phát triển thị trường nội bộ và hợp tác với nhau vươn ra thị trường thế giới.

Tất cả các DN dù lớn hay nhỏ cũng phải bắt đầu quá trình chuyển đổi số. Cuộc “di dân vĩ đại” của chúng ta trong thời gian qua lên không gian số trong điều kiện đại dịch sẽ vẫn là không gian kinh tế của chúng ta trong giai đoạn tới. Những DN “chậm chân” trong chuyển đổi số sẽ thất bại. 

Việt Nam có cơ sở hạ tầng khá tốt trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngay cả so với các nước trong khu vực và thế giới. Đấy là nền tảng rất tốt để chúng ta đi nhanh trong nền kinh tế số và có thể vượt lên.

Bên cạnh những vấn đề trên, tôi cho rằng cần một cuộc vận động sâu rộng những tháng cao điểm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam” của gần 100 triệu dân sẽ là niềm tin và bệ đỡ vững chắc cho những nỗ lực “đứng lên” từ thị trường ngay trên sân nhà”.

Đừng để mất cơ hội khi chúng ta đã đi trước trong phòng chống dịch bệnh nhưng có thể lại là “người đến sau” trong tái khởi động và phục hồi nền kinh tế.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR): “Đầu tư công chính là vốn mồi”

img

PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Ngay cả khi bệnh dịch trong nước được kiểm soát hoàn toàn thì nhiều ngành dịch vụ và sản xuất hướng ra xuất khẩu có thể sẽ còn gặp khó khăn lâu dài một khi bệnh dịch còn chưa hoàn toàn biến mất ở các khu vực kinh tế – tài chính quan trọng trên thế giới. Do vậy, thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối năm là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. 

Tuy nhiên, thúc đẩy đầu tư công không phải là việc mở rộng đầu tư công một cách dàn trải, thiếu kiểm soát. Việt Nam chỉ nên đẩy nhanh những dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và có sẵn vốn thực hiện. Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để nhiều doanh nghiệp và nhiều địa phương có thể tiếp cận, tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc. Đồng thời, cắt giảm ngân sách thường xuyên (tiêu dùng) tối thiểu 10% nên được thực hiện nhằm dành nguồn lực cho việc khắc phục những hậu quả do bệnh dịch gây ra.

Song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn hiện tại trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid–19, Việt Nam nên tiếp tục và cải thiện những chính sách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Trong khó khăn, nhiều bất cập trong việc điều hành chính sách kinh tế cũng đã bộc lộ nên các nỗ lực cải thiện môi trường thể chế kinh doanh cần tiếp tục được duy trì. Đặc biệt, dù có chậm trễ, Việt Nam nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu Covid–19.

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế: “Ưu tiên những nhóm ngành mang tính phục hồi”

img

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế

Vừa qua, nền kinh tế Việt Nam ảnh hưởng rất nặng từ dịch Covid-19, có những ngành bị nặng nề, nhưng là dọc xương sống quan trọng của nền kinh tế cần phải được ưu tiên ví dụ như lĩnh vực giao thông.

Hệ thống giao thông của VN thời gian vừa qua từ hàng không, đường sắt, đường bộ, phương tiện vận tải đều bị ảnh hưởng. Đây là một trong những đối tượng mà Chính phủ cần phải tập trung hỗ trợ nhất vì giao thông chính là đầu mối luân chuyển con người, hàng hóa tạo ra kết nối giữa các vùng kinh tế, địa phương với nhau.

Tiếp đó là du lịch và những ngành có liên quan đến du lịch. Bởi du lịch hiện đang chịu tác động rất nặng nề bởi Covid-19, từ DN lớn đến hộ kinh doanh và cá thể sống dựa vào các dịch vụ phục vụ du lịch. 

Du lịch là ngành giúp cho về thu nhập ngoại tệ, du lịch trong nước, tạo điều kiện cho người dân trở lại sinh hoạt bình thường như đi lại, di chuyển giữa các nơi vừa làm việc, vừa thư giãn sau dịch và kích thích chi tiêu, tiền mặt từ người dân. Ngoài ra, ngành du lịch đồng thời tác động đến các cơ sở sản xuất ở trong nước để cung ứng ra vật dụng phục vụ cho ngành du lịch và xuất khẩu.

Tiếp đến là nhóm công nghiệp, nông nghiệp sản xuất các sản phẩm khác nhau. Nhóm mặt hàng tiêu dùng bình thường như nông sản phục vụ cho người dân hoặc vật dụng về y tế, khẩu trang. Đảm bảo đầy đủ hàng hóa cho người dân sử dụng, cần phát huy và duy trì nhóm ngành này. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, chúng ta có cơ hội rất lớn trong việc xuất khẩu các mặt hàng như thủy sản, nông nghiệp qua các nước khác khi nhu cầu về lương thực, hàng hóa tăng.

Nói cách khác, trước mắt vẫn nên tập trung vào những nhóm ngành mang tính phục hồi sản xuất, phục hồi thu nhập, phục hồi việc làm, để tạo bàn đạp cho sự trỗi dậy của nền kinh tế sau dịch. 

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, CEO King Coffee: “Thay đổi hay là chết?”

img

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, CEO King Coffee

Việc giãn cách xã hội sẽ vẫn tiếp diễn cho đến khi hết dịch trên toàn thế giới hay Vacine đã được tiêm phòng tốt cho người dân. Như vậy thời gian sẽ có thể dài hơn 2021 hoặc 2022. Cho nên ngay từ bây giờ mọi người và doanh nghiệp đều cần thiết thay đổi tư duy, thay đổi hầu như hoàn toàn với lối sống mới.

Theo tôi, có những phương án mà doanh nghiệp cần chuẩn bị để ứng phó: Thứ nhất, phương án hình chữ V, xuống thật sâu và bật lên mạnh. Việc này khó xảy ra vì cung cầu liên thông của thị trường thế giới đang rất ảm đạm. 

Một số ngành sẽ tăng trưởng tốt, trong khi một số ngành phải thay đổi phương thức kinh doanh để tồn tại rồi mới phát triển được. Hãy nắm bắt thời cơ tốt khi hồi phục lại kinh tế, thị trường nội địa vẫn là chính và mở rộng phát triển quốc tế vẫn là cơ hội rất lớn lúc này.

Thứ 2, phương án hình chữ U (2-3 năm), trường hợp này các doanh nghiệp hoạt động giải trí, du lịch, hoạt động tụ tập đông người phải thay đổi nhanh chóng để thích ứng. Việc ứng dụng công nghệ diễn ra nhanh hơn trước đây, nên tận dụng thời cơ này để nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ mạnh mẽ và nhanh chóng hơn.

Việc xem xét ứng dụng các mô hình kinh doanh mới để gia tăng lợi thế cạnh tranh tốt hơn. Sẽ rất khó khăn cho các công ty nhỏ, cơ sở nhỏ lẻ mà chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường, cho nên DN cần phải “liệu cơm gắp mắm” để phát triển cẩn trọng. 

Việc mở cửa sớm hơn cũng là lợi thế để doanh nghiệp tiếp cận nhu cầu thế giới đang nhiều đứt gãy, hãy tận dụng lợi thế tốt hơn để cân bằng cho doanh nghiệp và tiến lên mạnh mẽ. Giờ đây, thay đổi hay là chết, các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều cần chú ý điều này.

LTS: Việt Nam đã bước đầu có những kết quả khả quan trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 bằng những giải pháp đúng đắn và quyết liệt mà Chính phủ đã đề ra. Với kết quả này, hiện các ngành nghề kinh tế cũng đang  bước vào giai đoạn hồi phục kinh tế thời hậu Covid-19 sau khi bị dịch bệnh này giáng những đòn nặng nề.

Chính phủ cũng đã kịp thời đưa ra những gói hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, ngành nghề nhắm thúc đẩy phát triển kinh tế thời hậu Covid-19. Tuy nhiên, muốn nền kinh tế "bật như lò xo" sau dịch, muốn phát triển kinh tế bằng mọi giá thì phải hành động quyết liệt và khôn ngoan. Điều này sẽ là thách thức không nhỏ cho những tướng lĩnh đang cầm quân trên mặt trận kinh tế.

Ngoài ra, để "chữa trị" cho một nền kinh tế bị tổn thương, ngoài những liều thuốc đặc hiệu, Chính phủ cũng cần thêm sự quyết liệt trong việc phòng chống tham nhũng, đặc biệt là lợi dụng chính sách hỗ trợ để ăn chặn, làm xói mòn lòng tin của nhân dân...

Loạt bài "Liều thuốc đặc hiệu cho kinh tế thời hậu Covid-19?" sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn khá toàn diện về những hậu quả nặng nề doanh nghiệp Việt Nam gánh chịu do Covid-19 gây ra, họ đã chuẩn bị những gì sau thời gian "ngủ đông" vừa qua, hiệu quả từ những gói hỗ trợ của Chính phủ trong việc hồi phục lại nền kinh tế, đề xuất của các chuyên gia về những "liệu thuốc" đặc hiệu - giải pháp cấp bách, cần thiết ngay lúc này. Xin mời bạn đọc đón xem trên Dân Việt.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem