Lo dịch cúm do virus corona, thủy sản tìm cơ hội trong khó khăn

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 05/02/2020 09:30 AM (GMT+7)
Nhiều mặt hàng nông sản đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi “bóng đen” của dịch viêm phổi cấp do virus Corona. Biên giới, các chợ đầu mối đóng cửa khiến hàng trăm xe thanh long, dưa hấu ùn ứ nơi cửa khẩu. Nhưng  trong gian khó đã có những doanh nghiệp coi đó là động lực để quyết tâm đổi mới.
Bình luận 0

Cơ hội cho ngành chế biến cá ngừ

Ngành thủy sản đang chịu tác động không nhỏ do dịch viêm phổi do virus Corona khi nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp XK thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2/2020 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.

Cùng với đó, việc tạm dừng đường bay, khó khăn trong giao thông giữa hai nước sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động giao dịch, làm việc trao đổi của doanh nghiệp hai nước. Đặc biệt, đối với các hoạt động vận chuyển hàng hóa nông sản bằng đường hàng không, đường thủy, đường bộ.

img

Xuất khẩu cá ngừ đang có cơ hội tăng thị phần. Ảnh: T.L

“Hiện nay, tác động hủy đơn hàng với mặt hàng thủy sản do dịch cúm do virus Corona chưa có, nhưng đơn hàng, điều chỉnh đơn hàng đều chậm lại. Các đối tác hứa ngày 16/2 mới bắt đầu nhận hàng” – ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết. Ông Nam cho biết thêm, một số hãng tàu biển lớn ngưng nhận các container hàng chở đi Trung Quốc. Các khách hàng lớn Nhật Bản đề nghị không đưa hàng qua Trung Quốc. Đối với EU, Mỹ, đầu năm họ sang đánh giá nhà máy, thăm nhà máy nhưng hiện nay ngừng hết. Một số khách hàng không sang, nhưng đánh giá từ xa.

Những doanh nghiệp có xuất sang Trung Quốc sản lượng lớn, hiện đang tồn kho, chi phí tồn kho lớn, khoảng 0,9-1,1 USD/pallet. Tại Trung Quốc, những khách hàng bán trực tiếp các nhà hàng, khi các hệ thống nhà hàng ngừng hoặc giảm thì các cửa hàng thực phẩm lớn giảm hoặc ngừng vì không muốn mất chi phí lưu hàng hóa.

Tuy nhiên, theo ông Nam, rủi ro có, nhưng cũng có một số cơ hội. “Chúng tôi thấy có 2 cơ hội thúc đẩy tranh thủ sản xuất không tác động nhiều: Trước hết, những nhà làm ăn chân chính, Việt Nam chuẩn bị hàng đồ hộp, đông lạnh. Những sự kiện như thế này sau 3-5 tháng, sự điều chỉnh văn hóa tiêu dùng rõ rệt, không ăn sống nhiều, hàng tươi sẽ ít đi, nhưng hàng đồ hộp, đông lạnh sẽ có nhu cầu lớn” - ông Nam nói.

Hiện nay, tác động hủy đơn hàng với mặt hàng thủy sản do dịch cúm do virus Corona chưa có, nhưng đơn hàng, điều chỉnh đơn hàng đều chậm lại. Các đối tác hứa ngày 16/2 mới bắt đầu nhận hàng”

– ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP)

Cơ hội thứ hai, một số ngành Trung Quốc đang cạnh tranh với chúng ta như cá ngừ. Hiện nay các nước không mua cá ngừ Trung Quốc nên giá giảm sâu. Các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đang coi đây là cơ hội đối với các nguồn tiêu thụ khác, gia tăng thị phần, giá cả.

Tổ chức lại ngành dăm gỗ

Việt Nam đang là nước xuất khẩu (XK) dăm gỗ lớn nhất thế giới với lượng dăm XK đạt kỷ lục gần 10,4 triệu tấn khô, trị giá tới 1,34 tỷ USD vào năm 2018. Nếu như năm 2009, Việt Nam có 47 nhà máy dăm với lượng dăm XK đạt khoảng 2,3 triệu tấn khô thì đến năm 2014, con số này tăng lên 130 nhà máy với lượng dăm XK đạt 7 triệu tấn khô.

Tuy nhiên, 60 - 70% sản lượng XK lại tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc, nói cách khác ngành dăm gỗ Việt đang phụ thuộc rất lớn với thị trường này, chỉ cần một chút biến động cũng khiến ngành chao đảo.

Theo TS Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends), mặc dù là nước đứng đầu thế giới về cung dăm gỗ ra thị trường nhưng ngành dăm gỗ Việt vẫn chưa đủ mạnh để định hình thị trường tiêu thụ dăm thế giới mà phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Cụ thể, tại Trung Quốc, dăm gỗ Việt Nam không cạnh tranh được với dăm gỗ của các nước khác về mức giá.

Nguyên nhân là do chất lượng dăm của Việt Nam kém hơn các nước. Hiện tượng lẫn tạp chất, độ ẩm cao, ẩm mốc, hàm lượng xenluloza thấp trong dăm gỗ Việt Nam tương đối phổ biến. Bên cạnh đó, ngành dăm phát triển nóng, mất kiểm soát dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, đẩy giá XK xuống.

Sự bùng phát của dịch viêm phổi cấp do virus Corona khiến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc bị tác động không nhỏ, nhiều mặt hàng nông sản giá chạm đáy. Với ngành dăm gỗ, theo ông Nguyễn Tôn Quyền - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ảnh hưởng của dịch cúm do virus Corona, những lô hàng XK dăm gỗ sang Trung Quốc ngay lập tức giảm mạnh.

Tuy nhiên, ông Quyền cho rằng, đây là cơ hội cho ngành chế biến, XK gỗ. Bởi XK dăm gỗ giá trị không cao, không phát triển bền vững vốn rừng, thay vì khai thác rừng sản xuất dăm, các hộ trồng rừng có thể phát triển rừng gỗ lớn, mang lại giá trị cao hơn.

“Tới đây, khi XK dăm gỗ giảm sẽ bổ sung nguồn nguyên liệu gỗ trong nước để sản xuất ván nhân tạo, MDF, tạo ra giá trị gia tăng cao.Trong 2 tuần qua, nhiều doanh nghiệp của ngành gỗ chuyển hướng, đã có 3 - 4 doanh nghiệp chuyên làm dăm XK mua thiết bị sản xuất gỗ ván ép, gỗ nhiên liệu” - ông Quyền nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem