Lộ diện hàng loạt yếu tố khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa "kẹt" vốn

H.Anh Thứ năm, ngày 16/03/2023 06:32 AM (GMT+7)
Ngày 15/3/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội nghị: "Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DNNVV phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh".
Bình luận 0

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: "Doanh nghiệp nhỏ và vừa là bộ phận trong thành phần kinh tế tư nhân, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, được Đảng và nhà nước quan tâm ưu tiên phát triển.

Thời gian qua, trên cơ sở bám sát các nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành, triển khai nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận vốn".

Lộ diện hàng loạt yếu tố khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa "kẹt" vốn - Ảnh 1.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: SBV)

Loạt yếu tố khiến DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng

Khẳng định, chính sách tín dụng đối với DNNVV đang được triển khai khá đầy đủ qua nhiều kênh: Tín dụng thương mại tại các ngân hàng thương mại (NHTM), tín dụng ưu đãi tại NHCSXH và tín dụng tại các ngân hàng có bảo lãnh của các quỹ bảo lãnh DNNVV.

Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, hiện nay hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tham gia cho vay đối với khu vực DNNVV, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế.

Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế .

Dư nợ tín dụng DNNVV phần lớn tập trung vào khu vực Thương mại và dịch vụ (56,29%), Công nghiệp và Xây dựng (40,85%).

Các NHTM Nhà nước đang cho vay DNNVV chiếm 48,05%, Khối NHTM cổ phần cho vay chiếm 47,43%, khối NH nước ngoài, NH Liên doanh, Công ty tài chính và Ngân hàng Hợp tác xã tham gia cho vay 4,52%.

Mặc dù tín dụng đối với DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng và được NHNN triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kết quả tín dụng đối với DNNVV vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó, vẫn còn có phản ánh DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay DNNVV vẫn còn khó khăn, vướng mắc.

Lộ diện hàng loạt yếu tố khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa "kẹt" vốn - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội nghị.

Chia sẻ về nguyên nhân, bà Bùi Thu Thủy – Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị của những doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế.

Đáng nói hơn cả, nhiều doanh nghiệp có số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, thiếu tài sản bảo đảm. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng.

Đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập, mới gia nhập các ngành, lĩnh vực kinh tế mới.

Do đó, tổ chức tín dụng không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc quản lý dòng tiền do nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn; mặc dù được các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định thông thường nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do bị chuyển nhóm nợ, nên khó tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh; hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong kho không xuất được; bị khách hàng chiếm dụng vốn, công nợ cao....

Cộng đồng này cũng hạn chế về kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nên các phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thường thiếu tính khả thi và chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường, đặc biệt trong vừa qua nền kinh tế chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19. Đa phần các doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác lập dự án kinh doanh, chỉ coi công tác lập dự án là thủ tục để huy động vốn.

Cuối cùng, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý đối với tài sản thế chấp, vướng mắc tài sản là hợp đồng thế chấp tại khu công nghiệp; tình trạng quy hoạch treo, công trình trên đất không có giấy phép xây dựng hoặc chưa hoàn công…dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn.

Mong muốn được hạ điều kiện vay, giảm lãi suất

Từ thực tế nêu trên, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng, nên chăng NHNN đề nghị Chính phủ cho phép ngành ngân hàng đưa ra các điều kiện cho vay thấp hơn đối với DNNVV.

"DNNVV rất mong muốn được tháo gỡ về điều kiện vay. Làm sao giảm điều kiện cho vay xuống", ông Thân nói.

Ngoài ra các doanh nghiệp cũng mong muốn lãi suất cho vay hạ hơn nữa để tạo điều kiện cho các DNNVV đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục giãn hoãn các khoản nợ vay giống như giai đoạn dịch Covid-19 trước đây.

Về phía người cho vay, các ngân hàng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng. Do đó, các ngân hàng cho biết không thể thực hiện các giải pháp về "hạ chuẩn" điều kiện cấp tín dụng.

Lộ diện hàng loạt yếu tố khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa "kẹt" vốn - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV.

Định hướng trong thời gian tới

Để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho DNNVV trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng tập trung vào một số các giải pháp.

Đó là, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DNNVV tiếp cận vốn; phối hợp với các Bộ, ngành trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV tại Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương.

Lộ diện hàng loạt yếu tố khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa "kẹt" vốn - Ảnh 5.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú.

NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.

Tiếp tục triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ, trong đó đẩy mạnh triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ.

Cũng theo Phó Thống đốc, ngành ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng cần phải đặt trong tổng thể các chính sách hỗ trợ DNNVV, do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan, Bộ ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp.

Riêng đối với các DNNVV, Phó Thống đốc cho rằng cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, minh bạch tài chính và thông tin hoạt động, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả phù hợp với thực tế làm cơ sở để các TCTD thẩm định cho vay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem