Lộ diện loạt "tân binh" ngân hàng lãi "khủng", làm ra trên 2 vạn tỷ năm 2022

Huyền Anh Thứ ba, ngày 31/01/2023 08:09 AM (GMT+7)
Mở đầu năm 2023, hàng loạt nhà băng công bố lợi nhuận "khủng", bất chấp những lo ngại về hoạt động cho vay cuối năm và lãi suất huy động tăng mạnh. Theo đó, các ngân hàng có lợi nhuận tỷ USD lộ diện.
Bình luận 0

Loạt ngân hàng lãi tỷ USD năm 2022

Xuất hiện trong danh sách ngân hàng có lợi nhuận xấp xỉ tỷ USD (trên 2 vạn tỷ đồng), BIDV là nhà băng ghi nhận sự bứt phá mạnh nhất khi lợi nhuận riêng lẻ đạt 22.560 tỷ đồng, tăng gần 80% so với năm 2021.

Sau hợp nhất, BIDV lãi trước thuế 23.057 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay, tăng 70,2% so với năm trước.

Với "cú nhảy" vọt về lợi nhuận, BIDV từ top cuối của nhóm ngân hàng Big 4 vươn lên đứng thứ hai trong năm 2022 về lợi nhuận, chỉ sau Vietcombank.

BIDV hiện đang là nhà băng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống với quy mô trên 2 triệu tỷ đồng. Trong năm 2022, cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng của BIDV tăng trưởng khiêm tốn lần lượt 12,4% và 6,8% đạt hơn 1,52 triệu tỷ đồng và 1,47 triệu tỷ đồng.

Lộ diện loạt "tân binh" ngân hàng lãi "khủng", làm ra trên 2 vạn tỷ năm 2022 - Ảnh 1.

Ghi nhận mức tăng thấp hơn, lợi nhuận riêng lẻ của VietinBank năm 2022 tăng 22%, đạt trên 20.500 tỷ đồng. Hợp nhất, VietinBank báo lãi trước thuế hơn 21.100 tỷ đồng, trong khi năm 2021 chỉ đạt 17.600 tỷ đồng.

Chưa công bố báo cáo tài chính, song theo chia sẻ của lãnh đạo ngân hàng, Agribank năm nay cũng đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 20.000 tỷ đồng được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước giao năm 2022.

Ngân hàng Vietcombank (VCB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ trong năm 2022 đạt hơn 36.693 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước và đạt 119% kế hoạch năm 2022. Vietcombank báo lãi hợp nhất 37.359 tỷ đồng – cao nhất hệ thống trong năm 2022. Trước đó, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng tối thiểu 12% so với kết quả năm 2021, tức khoảng hơn 30.675 tỷ đồng.

Như vậy, Vietcombank đang có sự cách biệt lớn về lợi nhuận đối với các nhà bằng phía sau.

Vietcombank là nhà băng có tăng trưởng tín dụng lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng (1,15 triệu tỷ đồng) trong năm 2022.

Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, Techcombank năm nay cũng là "tân binh" trong danh sách các ngân hàng có lợi nhuận tỷ USD (tính riêng ngân hàng mẹ).

Cụ thể, lợi nhuận riêng lẻ năm 2022 của Techcombank đạt hơn 22.300 tỷ đồng, sau khi tăng trưởng 13% so với năm 2021. Sau hợp nhất, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này tăng từ 23.238 tỷ đồng lên 25.568 tỷ đồng, chỉ xếp sau Vietcombank. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Techcombank ghi nhận con số lợi nhuận hợp nhất tỷ USD.

VPBank lại là trường hợp ngược lại, nếu như năm 2021 lợi nhuận ngân hàng mẹ đạt tới gần 38.000 tỷ đồng. Năm 2022, lợi nhuận riêng lẻ của nhà băng này giảm 37%, xuống chỉ còn 24.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lợi nhuận hợp nhất của VPBank năm nay lại tăng mạnh tới 48%, đạt 21.220 tỷ đồng lợi nhuận (xấp xỉ 1 tỷ USD).

Thu nhập lãi thuần tăng 19% lên 41.000 tỷ, lãi thuần từ dịch vụ cũng tăng gần 60% lên khoảng 6.500 tỷ. Bên cạnh đó, VPBank ghi nhận khoản thu nhập bất thường khoảng 7.000 tỷ đồng, từ doanh thu trả trước của hợp đồng bảo hiểm độc quyền vừa được tái ký với AIA.

Trong bối cảnh các nguồn thu tích cực, VPBank tăng chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2022 tương ứng 31% và 16% lên hơn 14.000 tỷ và 22.400 tỷ đồng.

Với kết quả này, lợi nhuận hợp nhất của VPBank đang đứng thứ 4 trong hệ thống ngân hàng.

Lộ diện loạt "tân binh" ngân hàng lãi "khủng", làm ra trên 2 vạn tỷ năm 2022 - Ảnh 3.

Lợi nhuận hợp nhất của VPBank đang đứng thứ 4 trong hệ thống ngân hàng.

Lợi nhuận ngân hàng phân hóa mạnh trong năm 2023?

Đa số các chuyên gia đều dự báo triển vọng tươi sáng về lợi nhuận cho ngành ngân hàng trong năm 2023, nhưng đi kèm với đó là sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.

Báo cáo triển vọng thị trường năm 2023 mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, năm 2023 chi phí vốn tăng, nhưng tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ trong 1-2 quý tới.

Nửa đầu năm 2023, NIM khả năng cao vẫn suy giảm do những yếu tố trên nhưng từ giữa năm, có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ với kỳ vọng sức ép vĩ mô thế giới sẽ giảm dần, làm giảm áp lực đối với lãi suất huy động.

Đáng chú ý, nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ chứng kiến mức độ suy giảm NIM nhiều hơn so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần bởi nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn.

Nhóm phân tích của SSI cho rằng lợi nhuận nhóm nhà băng được theo dõi của công ty này, có thể đạt 13,7% theo kịch bản cơ sở. Con số này bằng một nửa tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2017-2021 (28%) và cao hơn giai đoạn 2014-2015 (11,3%). Trong kịch bản tiêu cực, ngành này có thể chỉ tăng khoảng 10% trong năm nay, bằng một ba giai đoạn 2017-2021.

Chia theo phân khúc, SSI cho rằng tăng trưởng lợi nhuận tại các nhà băng quốc doanh (dự báo 18,4%) có thể cao hơn mức tăng trưởng của các ngân hàng thương mại tư nhân (10,8%) do triển vọng NIM tốt hơn, cũng như tỷ trọng dư nợ cho vay đối với thị trường trái phiếu và bất động sản ở mức thấp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem