Bình Dương: Doanh nghiệp lo đình trệ sản xuất khi chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp

Trần Khánh Thứ sáu, ngày 16/09/2022 13:06 PM (GMT+7)
Lo ngại sẽ gặp khó khăn, thậm chí đình trệ sản xuất là nỗi lo chung của các doan nghiệp tại Hội nghị tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp chịu tác động bởi Đề án chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức ngày 16/9.
Bình luận 0

Nhiều doanh nghiệp chịu tác động khi di dời vào các khu công nghiệp

Đề án chuyển đổi công năng, di dời doanh nghiệp vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN/CCN) là chủ trương lớn nhằm thực hiện Chương trình số 34 năm 2016 của Tỉnh ủy Bình Dương về đổi mới thu hút đầu tư.

Bối cảnh ra đời của đề án khi số lượng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nằm ngoài KCN/CCN tỉnh Bình Dương là rất lớn; chiếm trên 71% tổng số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, phần lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Và đa phần các cơ sở này đều được xây dựng, đi vào hoạt động từ trước khi có các KCN/CCN tập trung.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP.Thuận An, TP.Dĩ An tham dự Hội nghị tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp chịu tác động bởi Đề án chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ảnh: Trần Khánh

Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP.Thuận An, TP.Dĩ An tham dự Hội nghị tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp chịu tác động bởi Đề án chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ảnh: Trần Khánh

Các cơ sở này được phân bố không phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và công nghiệp, nằm rải rác, xen lẫn trong các khu dân cư, khu đô thị. Nhiều doanh nghiệp thiếu hụt các nguồn lực cần thiết để xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng... Tất cả gây nên khó khăn trong việc quy hoạch phát triển các đô thị lớn của tỉnh Bình Dương.

Theo Sở Công Thương Bình Dương, có gần 3.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp với các quy mô khác nhau, phân bố nằm ngoài KCN/CCN ở địa bàn phía Nam tỉnh.

Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, năm 2019, Sở Công Thương thực hiện Đề án "Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài KCN/CCN ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các KCN/CCN tỉnh Bình Dương.

Sau 2 năm gián đoạn dịch Covid-19, Hội nghị tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh nhằm nắm bắt tâm tư, đề xuất của doanh nghiệp để tiếp tục triển khai đề án; đảm bảo khả thi và công bằng cho các doanh nghiệp.  

Nhiều khó khăn khi doanh nghiệp di dời vào các khu công nghiệp

Ông Lưu Tấn Tiến – Giám đốc Công ty TNHH Sơn Tison cho biết, ngay tại TP.Thuận An, công ty rất khó tuyển công nhân. 

Nếu phải di dời lên các KCN/CCN phía Bắc của tỉnh, vấn đề tuyển dụng lao động sẽ còn khó khăn hơn. Nhiều doanh nghiệp như Công ty Sơn Tison sẽ gặp khó khăn, thậm chí đình trệ sản xuất. 

Một doanh nghiệp chế biến gỗ ở TP.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Một doanh nghiệp chế biến gỗ ở TP.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Đại diện một doanh nghiệp chế biến gỗ thuộc Hiệp hội gỗ Bình Dương cho biết đã đã tư sản xuất ở TP.Thuận An từ 25 năm nay.

"Doanh nghiệp sẵn sàng di dời nhưng công nhân có đi theo hay không lại là chuyện khác. Vì các công nhân này còn phải tính toán nhu cầu ăn ở, học hành cho con cái họ", đại diện doanh nghiệp gỗ cho biết.

Bà Trương Thị Thúy Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Bình Dương cho biết, có gần 3.000 doanh nghiệp và khoảng 588.000 lao động chịu ảnh hưởng từ đề án này.

Theo bà Liên, các doanh nghiệp đã ổn định sản xuất ở vị trí cũ nên rất băn khoăn nếu phải di dời. Bà Liên đặt câu hỏi, liệu đến ví trí mới, các lao động cũ, các khách hàng cũ có đi theo doanh nghiệp. Đường sá đi lại sẽ xa hơn cũng khiến chi phí sản xuất tăng cao hơn.

Điều lo ngại nhất là đến chỗ mới sẽ khó tuyển lực lượng lao động, dẫn đến những xáo trộn rất lớn trong nhân sự. "Việc di dời ồ ạt, nếu không xử lý khéo các giải pháp sẽ kéo theo tranh giành lao động. Trong khi lao động là yếu tố sống còn với doanh nghiệp", bà Liên lo ngại.

Bà Trương Thị Thúy Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Bình Dương cho biết thiếu hụt lao động là vấn đề đáng ngại nhất khi doanh nghiệp phải thực hiện di dời. Ảnh: Trần Khánh

Bà Trương Thị Thúy Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Bình Dương cho biết thiếu hụt lao động là vấn đề đáng ngại nhất khi doanh nghiệp phải thực hiện di dời. Ảnh: Trần Khánh

Năm 2019, Sở Công Thương Bình Dương thực hiện Đề án "Điều tra, đánh giá thục trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài KCN/CCN ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các KCN/CCN tỉnh Bình Dương

Lộ trình thực hiện tại các địa phương: TP.Thuận An từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2028; TP.Dĩ An từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; TP.Thủ Dầu Một từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; TX.Tân Uyên từ tháng 1/2024 đến 12/2029; TX.Bến Cát từ tháng 1/2024 đến 12/2030.

Đề án chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xác định 4 nhóm tiêu chí để đánh giá gồm: Công tác bảo vệ môi trường; phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; danh mục ngành nghề sản xuất và ý thức chấp hành quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị các sở ngành tham mưu kế hoạch, chính sách cụ thể giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Trần Khánh

Ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị các sở ngành tham mưu kế hoạch, chính sách cụ thể giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Trần Khánh

Ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bình Dương chia sẻ với nỗi lo của các doanh nghiệp. Tuy nhiên quá trình phát triển công nghiệp ở Bình Dương thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại và chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có của tỉnh.

Chủ trương của tỉnh Bình Dương là không khuyến khích, tiến tới hạn chế việc xem xét đầu tư ngoài KCN/CCN; nhất là ở khu vực phía Nam tỉnh.

Theo ông Dành, việc di dời không nên hiểu đơn giản chỉ là chuyển từ điểm này sang điểm khác. Đó là việc sắp xếp lại không gian phát triển mới, khắc phục các hạn chế, và khác thác tốt tiềm năng đất đai ở các huyện phía Bắc.

"Tỉnh Bình Dương mong các doanh nghiệp ủng hộ chủ trương lớn của tỉnh. Đồng thời, các sở ngành phải tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, tham mưu kế hoạch, chính sách cụ thể đảm bảo mục đích cuối cùng sự phát triển tối đa của doanh nghiệp", ông Dành đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem