Lỗ hổng bảo mật khiến hàng loạt gián điệp của Mỹ lộ danh tính

Thứ ba, ngày 04/10/2022 11:00 AM (GMT+7)
Lỗ hổng bảo mật trong một hệ thống liên lạc bí mật của CIA đã khiến lực lượng tình báo Iran phát hiện và bắt nhiều công dân của nước này cung cấp thông tin cho Mỹ.
Bình luận 0
Hệ thống liên lạc khiến hàng loạt gián điệp của Mỹ lộ danh tính - Ảnh 1.

Đường phố thủ đô Tehran, Iran (Ảnh minh họa: Reuters).

Kỹ sư Gholamreza Hosseini tới sân bay Imam Khomeini ở Tehran vào cuối năm 2010, chuẩn bị cho chuyến bay đến thành phố Bangkok. Ở đó, người kỹ sư Iran dự kiến gặp những người thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Nhưng trước khi Gholamreza có thể nộp thuế xuất cảnh để rời khỏi đất nước, máy ATM ở sân bay đã từ chối thẻ ngân hàng của anh vì thẻ không hợp lệ. Một lúc sau, một nhân viên an ninh yêu cầu xem hộ chiếu của Hosseini trước khi áp giải anh đi.

Nhân viên an ninh đưa Hosseini đến một phòng chờ VIP trống và yêu cầu anh ngồi trên một ghế dài quay mặt vào tường. Chỉ còn một mình trong phòng và không thấy bất kỳ camera an ninh nào, Hosseini thọc tay vào túi quần, lấy một thẻ nhớ chứa đầy bí mật quốc gia có thể khiến anh bị treo cổ. Anh nhét tấm thẻ vào miệng, nhai thành từng miếng và nuốt.

Một lát sau, các nhân viên của Bộ Tình báo Iran bước vào phòng và cuộc thẩm vấn bắt đầu, kết thúc bằng những trận đòn, Hosseini kể lại. Những bác bỏ của anh và việc phá hủy dữ liệu là vô giá trị. Dường như họ đã biết mọi tình tiết. Nhưng bằng cách nào?

"Đó là điều mà tôi chưa từng nói với ai. Trong lúc xâu chuỗi lại sự việc, thậm chí tôi còn nghi CIA đã bán đứng tôi", Hosseini kể với Reuters.

Nền tảng nhắn tin lỗi và những gián điệp sa lưới

CIA không phản bội Hosseini, nhưng anh vẫn là một nạn nhân vì sự sơ suất của họ, theo kết quả một cuộc điều tra về cách đối xử của CIA đối với những người cung cấp thông tin mà hãng tin Reuters thực hiện.

Lỗ hổng bảo mật trong một hệ thống liên lạc bí mật của CIA đã giúp lực lượng tình báo Iran dễ dàng xác định và bắt giữ Hosseini. Hosseini đã phải sống gần 10 năm trong tù sau khi giới chức Iran buộc tội anh làm gián điệp cho Mỹ vào năm 2010.

Chấp hành án tù tại Iran gần một thập niên và lần đầu tiên lên tiếng, Hosseini khẳng định anh chưa bao giờ nhận được phản hồi từ CIA, kể cả sau khi anh ra khỏi trại giam vào năm 2019.

CIA từ chối bình luận về câu chuyện trên.

Trường hợp của Hosseini không phải là ví dụ duy nhất về tình trạng xử lý cẩu thả và bỏ rơi người cung cấp thông tin của CIA. Reuters nhận thấy cơ quan này đã bất cẩn theo nhiều cách khác trong nỗ lực thu thập thông tin tình báo ở Iran, gây nguy hiểm cho những người liều mạng để giúp Mỹ.

Một gián điệp kể rằng CIA đã hướng dẫn anh bàn giao thông tin ở Thổ Nhĩ Kỳ tại một địa điểm mà họ biết Iran đang theo dõi. Trong khi đó, một người đàn ông Iran khác, một cựu nhân viên chính phủ, đã đến Abu Dhabi để xin thị thực Mỹ. Người này tuyên bố rằng một nhân viên CIA ở đó đã thuyết phục anh làm gián điệp cho Mỹ nhưng không thành công, dẫn đến việc anh bị bắt khi trở về Iran.

Những hành động như vậy của CIA khiến các cá nhân người Iran đối mặt nguy hiểm, trong khi triển vọng lấy được thông tin tình báo lại rất thấp. Sau khi giới chức Iran bắt họ, CIA không hỗ trợ họ cũng như người thân của họ, thậm chí trong nhiều năm sau đó.

James Olson, cựu giám đốc phản gián của CIA, khẳng định ông không hề biết những trường hợp cụ thể trên. Nhưng ông nhấn mạnh rằng mọi hành vi chối bỏ trách nhiệm của CIA, nếu có, đối với các nguồn tin thể hiện sự thất bại về mặt chuyên môn và đạo đức.

"Nếu chúng tôi bất cẩn, nếu chúng tôi thiếu thận trọng và đối phương xâm nhập vào tổ chức của chúng tôi để moi thông tin, thì chúng tôi thật đáng xấu hổ. Nếu mọi người phải trả giá vì chia sẻ thông tin cho chúng tôi thì chúng tôi đã thất bại về mặt đạo đức", Olson phát biểu.

Những người cung cấp thông tin cho Mỹ đã nhận án tù trong nỗ lực phản gián ráo riết của Iran từ năm 2009. Giới tình báo Iran gặt hái thành quả một phần nhờ loạt sai lầm của CIA, theo các báo cáo và lời kể của 3 cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ. Tehran đã tuyên bố trên các phương tiện truyền thông nhà nước rằng chiến dịch săn gián điệp của họ đã khiến hàng chục người cung cấp thông tin cho CIA sa lưới.

Để điều tra, hãng tin Reuters đã phỏng vấn trong hàng chục giờ 6 người Iran bị chính phủ của họ kết tội làm gián điệp từ năm 2009 đến 2015.

Để kiểm chứng câu chuyện của họ, Reuters đã phỏng vấn 10 cựu quan chức tình báo Mỹ có sự am hiểu về các hoạt động của Iran; xem xét hồ sơ chính phủ Iran và báo cáo tình báo; và phỏng vấn những người biết các điệp viên. Không ai trong số các quan chức tình báo Mỹ trước đây hoặc hiện tại đã nói chuyện với Reuters xác nhận hoặc tiết lộ danh tính của bất kỳ nguồn tin nào.

Trong số 6 người mà Reuters phỏng vấn, Hosseini là người duy nhất nói anh liên lạc với CIA qua hệ thống nhắn tin lỗi. Nhưng kết quả phân tích độc lập của 2 chuyên gia an ninh mạng chỉ ra rằng hệ thống liên lạc bí mật (hiện tại đã ngừng hoạt động) mà Hosseini sử dụng đã làm lộ danh tính của ít nhất 20 gián điệp tại Iran và có thể gây nguy hiểm cho hàng trăm điệp viên trên khắp thế giới.

Nền tảng nhắn tin này, hoạt động đến năm 2013, ẩn trong các trang web về tin tức và sở thích, nơi các điệp viên có thể kết nối với CIA. Reuters đã xác nhận sự tồn tại của nó với 4 cựu quan chức Mỹ.

Những vụ lộ danh tính điệp viên tiếp tục ám ảnh cơ quan nhiều năm sau đó. Trong một loạt bức điện nội bộ vào năm ngoái, ban lãnh đạo CIA cảnh báo rằng họ đã mất phần lớn mạng lưới gián điệp ở Iran và các phương thức hoạt động cẩu thả tiếp tục gây nguy hiểm cho sứ mệnh của CIA trên toàn thế giới, theo New York Times.

Ưu tiên hàng đầu của tình báo Mỹ đối với Iran

Hệ thống liên lạc khiến hàng loạt gián điệp của Mỹ lộ danh tính - Ảnh 3.

Trụ sở CIA tại Langley, bang Virginia (Ảnh: Reuters).

CIA coi Iran là một trong những mục tiêu khó khăn nhất của họ. Từ khi các sinh viên Iran chiếm đại sứ quán Mỹ ở Tehran năm 1979, Mỹ đã không còn hiện diện ngoại giao ở nước này. Thay vào đó, các quan chức CIA buộc phải tuyển dụng các điệp viên tiềm năng bên ngoài Iran hoặc thông qua các nền tảng trực tuyến. Mức độ hiện diện thấp khiến tình báo Mỹ lâm vào tình thế bất lợi trong bối cảnh các sự kiện như các cuộc biểu tình đang lan rộng khắp Iran sau cái chết của một phụ nữ tại đồn cảnh sát, sau khi cảnh sát đạo đức bắt cô vì vi phạm quy định về trang phục tôn giáo.

Bốn cựu sĩ quan tình báo Mỹ được Reuters phỏng vấn xác nhận CIA sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn với các nguồn tin khi do thám Iran. Kiềm chế tham vọng hạt nhân của Tehran từ lâu đã là ưu tiên hàng đầu ở Washington. Trong khi đó, giới lãnh đạo Iran luôn khẳng định các nỗ lực hạt nhân của họ chỉ nhằm phục vụ nhu cầu năng lượng dân sự.

"Xâm nhập chương trình hạt nhân của Iran là mục tiêu tình báo rất nghiêm túc", James Lawler, một cựu sĩ quan CIA chuyên trách vũ khí hủy diệt hàng loạt và Iran, phát biểu.

Cuộc chiến thầm lặng giữa Iran và Mỹ đã kéo dài nhiều thập niên. Hai bên đều tránh một cuộc đối đầu quân sự nhưng lại thực hiện các vụ phá hoại, ám sát và tấn công mạng. 6 người Iran cung cấp thông tin cho CIA mà Reuters phỏng vấn lần đầu tiên đã mô tả trò chơi gián điệp nguy hiểm dưới góc nhìn của những người Iran từng là cộng sự của CIA. Họ đã nhận án tù từ 5-10 năm. Bốn người trong số họ, bao gồm kỹ sư Gholamreza Hosseini, ở lại Iran sau khi ra tù và có nguy cơ bị bắt lại bất kỳ lúc nào. Hai người trốn khỏi đất nước và trở thành người tị nạn không quốc tịch.

Sáu người Iran cung cấp thông tin thừa nhận rằng, các quan chức CIA từng tuyển mộ họ không bao giờ hứa chắc chắn CIA sẽ giúp nếu họ bị bắt. Tuy nhiên, họ đều tin rằng một ngày nào đó sự hỗ trợ của Mỹ sẽ đến.

Các vụ bỏ mặc gián điệp có thể đặt ra thách thức đối với uy tín của CIA khi họ tìm cách xây dựng lại mạng lưới gián điệp ở Iran. Các phương tiện truyền thông nhà nước của Iran đã công bố một số trường hợp điệp viên của Mỹ sa lưới tại Iran, đồng thời miêu tả CIA là "vô tích sự và kém cỏi".

Phát ngôn viên CIA, bà Tammy Kupperman Thorp, từ chối bình luận về Gholamreza Hosseini, những người Iran bị bắt khác hoặc bất kỳ khía cạnh nào về cách CIA tiến hành các hoạt động. Nhưng bà khẳng định CIA không bao giờ bất cẩn với tính mạng của những người giúp đỡ cơ quan này.

"CIA thực hiện nghĩa vụ bảo vệ những người làm việc với chúng tôi rất nghiêm túc và chúng tôi biết họ đối mặt rủi ro cá nhân rất lớn. Quan điểm cho rằng CIA sẽ không làm việc chăm chỉ nhất có thể để bảo vệ họ là hoàn toàn sai", bà Tammy nhấn mạnh.

Linh Phong (Dân trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem