“Lỗ hổng” nhập khẩu nào đang “bóp chết” ngành mía đường?

Quốc Hải Thứ ba, ngày 11/05/2021 15:10 PM (GMT+7)
Bây giờ, muốn nhập khẩu đường vào Việt Nam để được hưởng ưu đãi tự do thương mại, chỉ cần có giấy chứng nhận xuất xứ ASEAN (gọi là C/O Form D) cho ngành mía đường, theo quy định của ATIGA. Vì vậy, mới có câu chuyện: Có nước không hề sản xuất mía đường, vẫn xuất khẩu mặt hàng này vào Việt Nam…
Bình luận 0

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Lộc - quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), liên quan đến thông tin lượng đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2021 tăng đột biến - lên tới 5.735% so với cùng kỳ năm trước.

“Lỗ hổng” nhập khẩu nào đang “bóp chết” ngành mía đường?  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Lộc - quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (Ảnh: IT)

Theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan cho thấy, 3 tháng đầu năm 2021 đã xảy ra hiện tượng bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN. Theo đó, lượng đường nhập khẩu từ các quốc gia Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar và Indonesia vào Việt Nam, đã gia tăng đột biến, lên tới 5.735%, khi so sánh cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong các nước nêu trên, Malaysia là quốc gia không trồng mía; còn Indonesia và Campuchia là các quốc gia sản xuất không đủ và phải nhập khẩu đường (net sugar importer).

Theo ông Lộc, có nhiều "vấn đề", đặc biệt là hiện tượng lẩn tránh thuế xoay quanh việc nhập khẩu đường từ các quốc gia ASEAN nêu trên. Càng đặc biệt hơn, các "lỗ hổng" này đang được pháp luật hiện hành chấp nhận.

"Lượng đường nhập khẩu với ưu thế giá rẻ này đã hoàn toàn bịt đầu ra của đường sản xuất từ mía trong nước. Khiến đường sản xuất tồn kho hoặc buộc phải giảm giá, nhà máy không có tiền trả tiền mía cho nông dân. Và, hủy hoại chuỗi liên kết nông dân - nhà máy, gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành mía đường Việt Nam" - ông Lộc nói.

“Lỗ hổng” nhập khẩu nào đang “bóp chết” ngành mía đường?  - Ảnh 3.

Nông dân trồng mía ngày càng lao đao khi đường nhập khẩu tràn về Việt Nam

-Thưa ông, "lỗ hổng" nhập khẩu khiến lượng đường từ các quốc gia ASEAN nêu trên vào Việt Nam tăng đột biến thời gian qua là gì ?

Thứ nhất, cần phải hiểu "lỗ hổng" này đang được pháp luật chấp nhận. Nghĩa là sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, tất cả nước thuộc khối này đều có thể xuất khẩu đường vào Việt Nam mà không bị giới hạn số lượng, tức là không cần hạn ngạch. Và mức thuế chỉ có 5%. Đây là việc làm phù hợp với quy định ATIGA, mà Việt Nam đã bắt đầu thực hiện cam kết từ 1/1/2020.

Thứ 2, hiện nay theo quy định của ATIGA, các nước ASEAN có thể không sản xuất được đường; nhưng chỉ cần có giấy chứng nhận C/O Form D, trong giấy chứng nhận này chỉ có một phần ASEAN thôi, là họ có thể xuất sang Việt Nam. Dù thực tế những nước này không có năng lực sản xuất mía đường với giá thành như thế.

Từ khi Việt Nam áp thuế tạm thời, mức thuế nâng lên cho Thái Lan (với đường phá giá) là 48,88%, người ta thấy không thể xuất khẩu đường này trực tiếp sang Việt Nam được. Nhưng nếu "mượn đường" xuất khẩu theo hướng, qua các nước ASEAN, thì thuế sẽ thấp (chỉ 5%), cho nên đây là những dấu hiệu rõ ràng của hiện tượng lẩn tránh thuế.

Theo tính toán, với ưu thế giá rẻ (thuế chỉ 5%), mỗi kg đường nhập khẩu rẻ hơn khoảng 4.200 đồng so với đường sản xuất trong nước. Với mức chênh lệch này, các doanh nghiệp trong nước sẵn sàng "loại bỏ" người trồng mía ra khỏi "cuộc chơi", không tập trung cho vùng nguyên liệu là điều không khó hiểu…

-Hiện nay, Hiệp hội Mía đường Việt Nam có giải pháp nào để bịt 'lỗ hổng" này không, thưa ông ?

Hiện nay, Hiệp hội nhận thấy đây là dấu hiệu của hiện tượng lẩn tránh thuế, nên đã có văn bản gửi Bộ Công thương báo cáo vụ việc. Và,  hệ quả khi lượng đường theo con đường này vào Việt Nam sẽ không tốt lành gì cho ngành mía đường Việt Nam. Việc còn lại để bịt "lỗ hổng" này ra sao, sẽ là việc làm của cơ quan Nhà nước theo đúng thẩm quyền.

-Có hay không chuyện có doanh nghiệp Việt cố tình "lợi dụng" việc này để hưởng lợi từ nguồn đường nhập khẩu giá rẻ ?

Chắc chắn rồi, hiện nay tất cả những người đang làm việc đó, phải thấy có lợi mới làm. Thực tế, người ta đang làm việc này đúng theo quy định. Có thể nói là phù hợp, thì cũng có nghĩa là hệ thống quy định của Việt Nam còn có kẽ hở. Và kẽ hở này cần phải có biện pháp giải quyết, trong đó biện pháp đầu tiên phải tính tới là phải chống lại hiện tượng lẩn tránh thuế chống phá giá.

Xin cảm ơn ông !

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem