Lỗ lũy kế lên tới 7.900 tỷ, "sốc" với nợ xấu cho vay xuất nhập khẩu tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Huyền Anh Thứ ba, ngày 05/07/2022 11:43 AM (GMT+7)
Đến cuối năm 2021, lỗ lũy kế chưa phân phối của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) lên tới 7.900 tỷ đồng. Cho vay tín dụng xuất khẩu toàn bộ là nợ quá hạn, trong khi 40,5% dư nợ tín dụng đầu tư là nợ xấu.
Bình luận 0

Trên 13% tổng dư nợ của VDB là nợ quá hạn

Báo cáo thường niên năm 2021 do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) phát hành cho thấy, trong năm này ngân hàng đã huy động được 11.247 tỷ đồng vốn có kỳ hạn, trong đó phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là 10.500 tỷ đồng, đạt 61,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tại thời điểm 31/12/2021, số dư vốn huy động của VDB là 97.275 tỷ đồng, trong đó số dư vốn huy động có kỳ hạn là 96.733 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn vốn huy động vẫn tập trung chủ yếu vào trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

Cụ thể, số dư vốn huy động từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là 91.808 tỷ đồng, chiếm 95% tổng số dư vốn huy động có kỳ hạn của VDB.

Lỗ lũy kế lên tới 7.900 tỷ, "sốc" với nợ xấu cho vay xuất nhập khẩu tại VDB - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo thường niên 2021 của VDB.

Về tài sản trong các hoạt động nghiệp vụ, dư nợ tín dụng đầu tư đến 31/12/2021 của VDB đạt 54.780 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 61.188 tỷ đồng.

Dư nợ giảm song nợ quá hạn lại phình to, từ mức 18.809 tỷ đồng (năm 2020) lên 22.167 tỷ đồng (cuối năm 2021). Số nợ quá hạn tại ngày 31/12/2021 chiếm 40,5% dư nợ.

Về hoạt động tín dụng xuất khẩu: Thu nợ gốc năm 2021 của VDB đạt 69,1 tỷ đồng và 47,4 triệu đồng thu nợ lãi.

Đến 31/12/2021, dư nợ tín dụng xuất khẩu là 3.252 tỷ đồng, giảm 69 tỷ đồng so với năm 2020. Điều đáng nói, toàn bộ khoản vay này đều là nợ quá hạn

Đối với, cho vay lại vốn nước ngoài không chịu rủi ro.

Đến 31/12/2021, VDB đang quản lý 339 dự án/khoản vay cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ theo Hợp đồng ủy quyền của Bộ Tài chính với tổng số vốn cam kết là 17.033,1 triệu USD, dư nợ tương đương 135.300 tỷ đồng.

Trong đó, số giải ngân trong năm 2021 là 4.866 tỷ đồng; Thu nợ gốc đạt 12.595 tỷ đồng; Thu nợ lãi và dự phòng rủi ro là 2.673 tỷ đồng; Thu phí cho vay lại Bộ Tài chính là 120,5 tỷ đồng; Thu phí cho vay lại VDB (bao gồm trích 1,5%/thu hồi nợ) là 276,1 tỷ đồng.

Về cho vay lại vốn nước ngoài chịu rủi ro.

Đến 31/12/2021, VDB đang quản lý 22 dự án cho vay lại vốn nước ngoài NHPT chịu rủi ro tín dụng thuộc 06 Chương trình với tổng số vốn cam kết 68,3 triệu USD, dư nợ tương đương 805 tỷ đồng. Giải ngân trong năm 2021 là 105 tỷ đồng. Thu nợ gốc và nợ lãi năm 2021 lần lượt là 117,8 tỷ đồng và 41,2 tỷ đồng.

Đối với hoạt động cho vay vốn của Chính phủ Việt Nam ra nước ngoài. Báo cáo nêu rõ, đến 31/12/2021, VDB đang quản lý 1 dự án cho vay vốn của Chính phủ Việt Nam ra nước ngoài với số vốn cam kết 43 triệu USD, dư nợ tương đương 299 tỷ đồng. 

Về hoạt động bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại.

Số chứng thư bảo lãnh còn hiệu lực đến 31/12/2021 là 43 chứng thư với giá trị vốn vay cam kết là 735,2 tỷ đồng, dư nợ gốc tại ngân hàng thương mại là 393,4 tỷ đồng, nợ lãi là 583 tỷ đồng.

Trong năm 2021, VDB đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với 01 khoản bảo lãnh với số tiền là 45,3 tỷ đồng. Thu nợ gốc nợ bắt buộc trong năm 2021 là 41,2 tỷ đồng. Thu nợ lãi nợ bắt buộc đạt 1,51 tỷ đồng, trong khi đó Dư nợ bắt buộc đến 31/12/2021 là 708 tỷ đồng.

VDB không phát sinh cấp hỗ trợ sau đầu tư trong năm này. Số dự án còn thực hiện là 46 dự án với lũy kế số tiền thực cấp đến 31/12/2021 là 528,1 tỷ đồng.

Tựu chung, tại 31/12/2021, số nợ quá hạn của VDB chiếm hơn 13% trong tổng số 271.802 tỷ đồng tổng dư nợ. Trong khi cuối năm 2020, tỷ lệ này chỉ khoảng 10,9%.

Lỗ lũy kế lên tới 7.900 tỷ, "sốc" với nợ xấu cho vay xuất nhập khẩu tại VDB - Ảnh 3.

Lỗ lũy kế đến 31/12/2021 của VDB lên tới trên 7.900 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế đến 31/12/2021 lên tới trên 7.900 tỷ đồng

Tổng thu nhập hoạt động năm 2021 của VDB đạt 6.871 tỷ đồng, giảm từ mức 7.901 tỷ đồng năm 2020 chủ yếu là do sự giảm sụt của thu ngoài lãi và cho vay. Trong khi đó, tổng chi phí cũng giảm từ mức 9.012 tỷ đồng xuống còn 7.477 tỷ đồng. 

Mặc dù có sụt giảm song tổng chi phí vẫn cao hơn tổng thu nhập. Kết quả, năm 2021 VDB lỗ xấp xỉ 606 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế cuối năm 2021 chưa phân phối lên 7.906 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2020 lỗ lũy kế là 7.301 tỷ đồng).

Tại ngày 31/12/2021, tổng nguồn vốn của VDB đạt 248.635 tỷ đồng, giảm so với mức 277.574 tỷ đồng ghi nhận vào cuối năm 2020.

Trong đó, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng sụt giảm mạnh từ 1.047 tỷ chỉ còn 190 tỷ đồng; Tiền gửi của tổ chức kinh tế, khách hàng cũng giảm 17%, xuống còn 796 tỷ đồng.

img

Mô hình tổ chức của VDB.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem