Lo ngại căng thẳng leo thang với Nga, Tổng thống Biden đi ngược lại cam kết lúc tranh cử

Lê Phương (RT) Thứ sáu, ngày 28/10/2022 11:21 AM (GMT+7)
Lầu Năm Góc đã duy trì quyền sử dụng đầu đạn hạt nhân chống lại các mối đe dọa phi hạt nhân, trái với cam kết tranh cử của Tổng thống Joe Biden.
Bình luận 0
Lo ngại căng thẳng leo thang với Nga, Tổng thống Biden đi ngược lại cam kết lúc tranh cử - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: BBC

Hôm 27/10, trong báo cáo Chiến lược Quốc phòng Quốc gia (NDS), Lầu Năm Góc cho biết trước các mối đe dọa an ninh quốc gia ngày càng tăng đối với Mỹ và các đồng minh, Washington phải để ngỏ các lựa chọn sử dụng hạt nhân vũ khí để ngăn chặn các cuộc tấn công phi hạt nhân. Kết luận được Nhà Trắng thông qua sau khi Lầu Năm Góc xem xét kỹ lưỡng các chính sách hạt nhân "không sử dụng trước" và "mục đích duy nhất".

NDS cho biết: "Những cách tiếp cận cũ sẽ dẫn đến mức độ rủi ro không thể chấp nhận được, trong bối cảnh phạm vi năng lực phi hạt nhân đang được các đối thủ cạnh tranh phát triển và thực hiện có khả năng gây ra thiệt hại cấp chiến lược cho Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác". 

"Một số đồng minh và đối tác đặc biệt dễ bị tấn công bằng các phương tiện phi hạt nhân, từ đó tạo ra các tác động không hề nhỏ", báo cáo nhấn mạnh.

Tổng thống Biden đã cam kết khi tranh cử tổng thống vào năm 2020 rằng ông sẽ cố gắng thu hẹp khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ. "Mục đích duy nhất của kho vũ khí hạt nhân Mỹ là răn đe - và nếu cần, sẽ trả đũa - một cuộc tấn công hạt nhân. Với tư cách là tổng thống, tôi sẽ cố gắng hiện thực hóa điều này, với sự tham vấn của các đồng minh và quân đội của chúng tôi".

Quyết định từ bỏ giới hạn sử dụng vũ khí hạt nhân được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Nga và Trung Quốc. Lầu Năm Góc cho biết Bắc Kinh đang đầu tư mạnh vào việc mở rộng và hiện đại hóa năng lực hạt nhân của mình. "Vào những năm 2030, lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ sẽ đối mặt với hai cường quốc hạt nhân lớn với tư cách là đối thủ chiến lược và đối thủ tiềm tàng".

Washington sẽ không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia phi hạt nhân là thành viên của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, theo báo cáo của NDS. 

Báo cáo cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia số 1 đối với Mỹ, bất chấp căng thẳng gia tăng với Moscow về cuộc xung đột Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh duy nhất có cả mục đích định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh để làm như vậy".

Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất từng sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại một quốc gia khác khi nước này thả bom nguyên tử ở Nhật Bản vào tháng 8 năm 1945.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem