Lo ngại giá điện tăng cao

Thứ năm, ngày 14/03/2013 07:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ khi Bộ Công Thương công bố dự thảo Quy định về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện mới, dư luận xã hội đã lo ngại về việc giá điện năm nay sẽ tăng mạnh.
Bình luận 0

Như NTNN đã thông tin, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Quy định về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện, trong đó quy định "trường hợp các thông số đầu vào cơ bản tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá thành điện kế hoạch từ 2-5% thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng".

Trong khi đó, tại Quyết định 24 của Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, giá điện tại thời điểm tính toán so với giá bán điện hiện hành phải chênh lệch 5% thì EVN mới được phép điều chỉnh giá điện ở mức tương ứng.

img
Lắp đặt đồng hồ điện tại một huyện ngoại thành Hà Nội.

Ngày 13.3, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Tạ Văn Hường-nguyên Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, không hiểu tại sao, lý do nào, cơ sở nào để Bộ Công Thương đề xuất như vậy. Với quan điểm cá nhân của mình, ông Hường cho rằng, với Quyết định 24 của Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, giá điện tại thời điểm tính toán so với giá bán điện hiện hành phải chênh lệch 5% thì EVN mới được phép điều chỉnh giá điện ở mức tương ứng đã là quyết định thể hiện "sự tiến bộ" và "mạnh tay" lắm rồi". "Thời tôi còn làm Vụ Trưởng giá điện không thể được điều chỉnh một cách mạnh mẽ như hiện nay"- ông Hường nói.

Từ khi Bộ Công Thương công bố dự thảo quy định mới này, dư luận xã hội đã lo ngại về việc giá điện năm nay sẽ tăng mạnh. Nhất là khi mới đây, ông Đặng Hoàng An-Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, để đủ điện cho miền Nam, EVN dự kiến huy động nguồn điện chạy dầu khoảng 1,5 tỷ kWh. Tuy nhiên, 1 kg dầu FO (giá 17.650 đồng/kg) chỉ phát được hơn 4 kWh điện thì giá điện chạy dầu sẽ tới 4.500 - 4.800 đồng/kWh (giá điện trung bình hiện nay trên 1.400 đồng/kWh), vì vậy, chi phí phát sinh cho EVN sẽ rất lớn. Chi phí phát sinh lớn thì không có cách nào khác là EVN sẽ phải tăng giá điện để bù đắp. Nếu chỉ biến động 2% đã tăng thì cơ hội được tăng giá của EVN sẽ nhiều hơn.

Cũng theo ông Hường, giá than bán cho điện hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 70% giá thành. Ngành than không thể bù lỗ mãi cho điện vì mỗi năm, ngành than phải bù lỗ cho điện gần 7.000 tỷ đồng. Nếu tới đây, Thủ tướng đồng ý giá than bán cho điện tăng bằng giá thành sản xuất, lúc đó giá than sẽ tăng thêm 30%, điều này khiến giá điện có nguy cơ tăng cao là khó tránh khỏi. Ông Tạ Văn Hường cho rằng, chỉ với những lý do như vậy, EVN đặt ra mấy thông số đầu vào, rồi tính toán ra là biến động 5% để tăng giá đã là ghê gớm rồi, nay đề xuất chỉ 2% là được tăng thì giá điện không biết sẽ tăng kiểu gì(?!).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem