dd/mm/yyyy

Lo ngại xuất lậu lợn qua biên giới

Dù Việt Nam và Trung Quốc chưa ký bất kỳ một văn bản gì liên quan đến việc xuất khẩu lợn chính ngạch sang thị trường Trung Quốc nhưng do chênh lệch giá lợn hơi giữa hai bên quá cao nên thời gian qua đã có hiện tượng xuất lậu lợn qua biên giới.

Nhiều vi phạm

Theo phản ánh của các cơ quan truyền thông, giữa tháng 11, tại các tuyến QL3, Tỉnh lộ 211, xe chở lợn đang hàng ngày ùn ùn chở lên biên giới Cao Bằng, các đầu nậu dùng đủ biện pháp qua mặt các cơ quan chức năng để xuất lậu qua các đường mòn.

Các xe chở lợn được giao tại bãi tập kết, cách hàng rào thép gai biên giới với Trung Quốc khoảng hơn 200m. Có ít nhất hơn 10 người làm nhiệm vụ tiếp nhận và đuổi lợn sống theo lối mòn qua. Phía bên kia biên giới Trung Quốc, cũng có sẵn một tốp khoảng vài chục người tiếp nhận. Ước tính mỗi ngày có tới khoảng trên dưới 50 xe tải chở lợn tỏa đi khắp các vùng biên giới của tỉnh Cao Bằng.

Một chủ trang trại chăn nuôi lợn lớn ở Hưng Yên cũng thừa nhận vẫn đang bán lợn cho các thương lái để xuất đi Trung Quốc vì giá bán cao. Một tiểu thương ở Cao Bằng thừa nhận, các đơn hàng ngoại tỉnh, đặc biệt xuất sang Trung Quốc tăng ồ ạt đã đẩy giá lợn hơi lên cao hơn, một số địa phương giáp biên tỉnh Cao Bằng, giá lợn hơi đã lên đến 80.000 đồng/kg.

Tại cuộc họp khẩn của Bộ NNPTNT tìm biện pháp tăng cung và bình ổn giá lợn, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP cho biết, đang có tình trạng xuất khẩu lợn sang Trung Quốc, cả lợn thịt và lợn giống (loại lợn 10-30kg). Ông Tuấn đề nghị ngành chức năng có giải pháp mạnh để chấm dứt ngay tình trạng này thì thị trường giá lợn hơi sẽ bình ổn trở lại.

Mới đây, theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra, bắt giữ xe ô tô tải mang biển kiểm soát 14C-128.63 do ông Chìu Cắm Hếnh (thôn Khe Và, xã Tĩnh Húc, Bình Liêu, Quảng Ninh) là người điều khiển có hành vi xuất lậu hàng hóa qua biên giới. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa và phương tiện, tiến hành phân loại, kiểm đếm thực tế trên xe còn đang vận chuyển số hàng cụ thể gồm: chân lợn đông lạnh, loại 20kg/1 bao, không có nhãn hàng hóa, số lượng 145 bao tương đương 2.900kg; lòng lợn ướp muối, loại 20kg/1 bao, không có nhãn hàng hóa, số lượng 108 bao, tương đương 2.160kg.

Xử lý nghiêm vi phạm

Trước phản ánh của người dân và các cơ quan truyền thông về tình trạng buôn lậu lợn qua biên giới Trung Quốc có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, ngày 21/11/2019, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đã có Công văn số 12/BCDDTLCP gửi Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, các địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát, ngăn không cho lợn xuất trái phép sang bên kia biên giới.

Lo ngại xuất lậu lợn qua biên giới - Ảnh 1.

Tiêm phòng vaccine chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc. tư liệu

Trong công văn do Thứ trưởng Bộ NNPTNT - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bênh dịch tả lợn châu Phi Phùng Đức Tiến ký nêu rõ, để bảo vệ sản xuất trong nước, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhất là trong điều kiện hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi đang từng bước được kiểm soát tốt, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi đề nghị Ban Chỉ đạo đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia thành lập ngay các đoàn công tác của Ban chỉ đạo trực tiếp đến các địa phương biên giới để kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.

Chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vận chuyển, nhập lậu, buôn bán trái phép lợn, các sản phẩm lợn ra vào Việt Nam; chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y các cấp và cơ quan truyền thông.

Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường từ Trung ương đến địa phương bố trí và phân công lực lượng phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra vào Việt Nam không qua kiểm dịch, không tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ban chỉ đạo 389, các cơ quan liên quan và chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không đảm bảo an toàn dịch bệnh; chấtm dứt ngay tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.

Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép lợn và sản phẩm lợn ra vào việt Nam.

Các cơ quan truyền thông tăng cường công tác truyền thông nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay vận chuyển, nhập lậu trái phép lợn, sản phẩm lợn vào Việt Nam.

Ước tính mỗi ngày có tới khoảng trên dưới 50 xe tải chở lợn tỏa đi khắp các vùng biên giới của tỉnh Cao Bằng. Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc dự báo tăng gần 2 triệu tấn trong năm 2019, tăng 35% so với năm 2018.
Khánh Nguyên