Lo nợ xấu, ACB “siết” doanh nghiệp xay xát lúa gạo

Quốc Hải Thứ năm, ngày 03/08/2017 13:15 PM (GMT+7)
Lo xảy ra nợ xấu, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tiến hành yêu cầu một doanh nghiệp xay xát lúa gạo tại tỉnh Tiền Giang bàn giao tài sản để tiến hành phát mãi dù doanh nghiệp này mới trễ hạn trả... lãi vay đúng 1 tháng 6 ngày.
Bình luận 0

Trao đổi với Dân Việt, anh Lê Thanh Bình (sinh 1980), chủ DNTN xay xát gạo Loan Bình (179 Ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), than thở: “Anh biết đó, tháng rồi mưa quá nên hợp đồng xay xát lúa gạo không có mấy, thế nên mới để trễ hạn trả lãi vay ngân hàng, ai dè họ xuống đòi bàn giao tài sản...”.

img

Anh Bình (ngoài cùng bên trái) đang làm việc với đại diện ACB và thừa phát lại TP Mỹ Tho (Ảnh: Quốc Hải)

Trễ hạn trả lãi đúng... 1 tháng 6 ngày

Theo trình bày của anh Bình, dưới danh nghĩa của DNTN xay xát gạo Loan Bình, anh tiến hành hợp đồng vay 10 tỷ đồng với Ngân hàng TMCP Á Châu (chi nhánh tỉnh Tiền Giang) với lãi suất ngắn hạn 7,5%/tháng. Tuy nhiên từ khi vay đến nay anh chưa bao giờ trễ hạn trả lãi vay cho ACB (khoảng 100 triệu/tháng). Song cách nay hơn 1 tháng, do chưa có nhiều hợp đồng lúa gạo, cùng với chuyện gia đình lục đục (gia đình anh và vợ đang ly thân) nên anh chậm trả lãi cho ngân hàng đúng 1 tháng 6 ngày. "Vậy là họ xuống đòi... cưỡng chế tài sản của tôi", anh buồn bã.

Cũng theo anh Bình, DNTN xay xát gạo Loan Bình được thành lập từ khoảng năm 2003 với quy mô chỉ vài trăm triệu đồng ban đầu. Thời điểm đó, anh Bình đã vay VietinBank để mở rộng sản xuất và mối quan hệ giữa 2 bên khá tốt. Tuy nhiên, thời điểm năm 2015, do bên gia đình bên vợ anh (chị Trần Thị Tuyết Loan) có mới quan hệ khá thân thiết với ACB nên anh quyết định chuyển qua vay vốn của Ngân hàng này để sản xuất, kinh doanh.

“Giờ mối quan hệ giữa tôi và ACB cũng đang vỡ lở rồi, tôi mới làm đơn gửi Tổng Giám đốc ACB đề nghị cho tôi ‘khoanh nợ’ trong vòng 3 tháng. Sau 3 tháng nữa tôi sẽ trả đủ cả vốn lẫn lãi nhưng phía ACB chi nhánh Tiền Giang không đồng ý mà nhiều lần xuống đòi bàn giao tài sản...”, anh Bình chia sẻ.

img

Nhà máy xay xát lúa gạo của DNTN Loan Bình vẫn hoạt động bình thường

Nói về khả năng trả nợ của mình, anh Bình cho biết đang có khá nhiều hợp đồng gia công gạo, đồng thời với khoản tài sản gồm nhà máy xay xát, máy móc, đất đai, kho bãi... trị giá gần 30 tỷ đồng thì anh có thể tìm đến các ngân hàng cho vay giải chấp khác để vay khoản tiền trả nợ cho ACB trong thời gian 3 tháng.

Tuy nhiên, phía chị Trần Thị Tuyết Loan (vợ anh Bình) thì lại cho rằng, nguồn thu nhập của anh Bình hiện tại không thể trả nợ. Vì vậy, việc cho ACB tiến hành thủ tục bàn giao tài sản là hoàn toàn... hợp lý. “Tôi thấy anh Bình vô lý quá, nợ thì phải trả chứ kéo dài làm gì. Tôi thấy việc này là việc riêng tư của ACB và anh Bình, cớ gì anh phải kéo mọi người (gồm chính quyền xã, thừa phát lại...) đến làm gì”, chị Loan nói.

img

ACB nói gì?

Liên quan đến vụ việc, ông Đỗ Quốc, chuyên viên pháp lý Ngân hàng Á Châu (chi nhánh Tiền Giang) cho biết, nói “cưỡng chế” là không đúng vì ngân hàng chỉ đến yêu cầu anh Bình bàn giao tài sản cho ngân hàng tìm cách xử lý. Nguyên nhân là vì khách hàng đã không có khả năng trả nợ, lại không chịu hợp tác với ngân hàng.

Cụ thể, theo giải thích của ông Quốc, sau khi anh Bình không trả lãi đúng hạn và qua tìm hiểu biết anh Bình không còn khả năng trả nợ, ngày 19.6, phía ACB đã gửi thông báo yêu cầu anh Bình tiến hành bàn giao tài sản để xử lý. Đến ngày 25.6, phía ACB đã đến tận nhà anh Bình để nhận bàn giao tài sản thì anh Bình không đồng ý ký vào giấy tờ (chỉ có chị Loan ký). Đến ngày 12.7 thì ACB tiếp tục gửi thông báo số 216, yêu cầu anh Bình phải bàn giao để xử lý nợ xấu nhưng anh Bình tiếp tục không đồng ý ký.

Liên quan đến việc này, anh Bình cho rằng, cả 2 lần ACB xuống anh đều ra tiếp. Còn việc không chịu ký vào ngày 25.6 là vì hôm đó là Chủ nhật, phía ACB xuống mà không thông báo trước, trong khi đó trên văn bản còn ký lùi vào ngày 22.6 nên không đồng ý ký. Riêng ngày 12.7 anh không ký là vì đã gửi đơn cho Tổng Giám đốc ACB đề nghị được “khoanh nợ” trong 3 tháng nên đang đợi phản hồi.

Khi chúng tôi đặt vấn đề với ông Đỗ Quốc, chuyên viên pháp lý Ngân hàng Á Châu: Tại sao ACB biết doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ, doanh nghiệp vẫn đang hoạt động thế kia mà? Ông Quốc trả lời, khoản nợ của DNTN Loan Bình đã bị liệt vào nhóm 2; thêm vào đó là  nghe người nhà anh Bình nói không còn khả năng trả nợ, người nhà đang phải gánh nợ dùm nên ACB quyết định xử lý theo luật định. Tuy nhiên ai nói về việc anh Bình không có khả năng trả nợ thì ông Quốc không trả lời.

Chúng tôi tiếp tục đặt vấn đề, tài sản thế chấp cho khoản vay 10 tỷ gồm tài sản của doanh nghiệp, tài sản riêng của 2 vợ chồng. Nếu ACB quyết định yêu cầu bàn giao thì sẽ bàn giao những tài sản nào? Việc phát mãi tài sản tiến hành thế nào? Định giá tài sản ra sao?... Tuy nhiên ông Quốc không trả lời mà chỉ nói trước đó đã tìm được đối tác mua với giá  13 - 13,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, khi hỏi thời gian cụ thể mà anh Bình không trả nợ lãi vay chính xác là ngày bao nhiêu thì đại diện ACB cho rằng điều này là quy định của Ngân hàng Nhà nước nên không được công bố?.

Tuy nhiên, theo anh Bình khẳng định thì từ khi anh không trả nợ đến khi nhận được thông báo bàn giao tài sản để xử lý thì mới qua... 1 tháng 6 ngày.

“Tôi biết không trả lãi đúng hạn là tôi sai nhưng doanh nghiệp nông nghiệp như chúng tôi gặp khó khăn là bình thường. Đây là mồ hôi nước mắt mà tôi đã xây dựng hơn chục năm qua, giờ bị cưỡng chế như thế này tôi rất đau xót. Chưa kể tài sản của tôi ước tính cũng gần 30 tỷ đồng nhưng mức giá ACB đưa ra là quá thấp...”, anh Bình nói.

Liên quan đến vụ việc, Tiến sỹ - Luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế cho rằng, do Nghị quyết về xử lý nợ xấu đến 15.8 tới mới có hiệu lực, chưa kể còn phải có thêm thông tư hướng dẫn mới có thể áp dụng rộng rãi nên trước mắt vẫn sử dụng các điều khoản hiện tại của Luật Tổ chức Tín dụng để giải quyết các vấn đề về nợ xấu.

"Về trường hợp của anh Bình, do tôi không nắm rõ hợp đồng vay giữa hai bên nên không thể nói ai đúng ai sai, có điều mới chỉ là nhóm 2 và mới trễ hạn hơn 1 tháng mà ACB đã đòi anh bàn giao tài sản thì... hơi quá.

Tôi nghĩ ACB nên tạo điều kiện để anh Bình trả nợ và phía anh Bình cũng phải chuẩn bị khoản tiền lãi để trả cho ACB theo đúng hạn", ông Tín nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem