Lỗ tỷ giá và giảm biên lợi nhuận, lãi của PV Power “bốc hơi” 45%

Huyền Anh Thứ hai, ngày 18/05/2020 07:34 AM (GMT+7)
Theo báo cáo tài chính quý I/2020 của Điện lực Dầu khí (PV Power), lãi sau thuế chỉ đạt 505 tỷ đồng, giảm đến 45% so với cùng kỳ. Nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh là vì giảm biên lợi nhuận và lỗ tỷ giá của PV Power.
Bình luận 0

Báo cáo tài chính quý I/2020 của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power – mã chứng khoán POW) cho thấy, doanh thu và lợi nhuận đều giảm sút so với cùng kỳ.

Lợi nhuận PV Power "bốc hơi" 45% 

Cụ thể, doanh thu thuần quý I/2020 đạt 7.975 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ do sản lượng điện bán ra sụt giảm 4,3% so với cùng kỳ.

Trong khi chi phí giá vốn chiếm tới 87% tổng doanh thu của POW lại chỉ giảm 2,4% nên lợi nhuận gộp thu về đạt 1.020 tỷ đồng, giảm 22,3% so với quý I/2019. Biên lợi nhuận gộp đạt 12,8%.

Gánh lỗ tỷ giá, lợi nhuận của PV Power “bốc hơi” 45%, cổ phiếu “lẹt đẹt” - Ảnh 1.

Giải trình chênh lệch lợi nhuận quý I/2020 của PV Power

Theo giải trình của POW, doanh thu sụt giảm chủ yếu do doanh thu bán hàng tại các công ty con như Thủy điện Hủa Na (HNA), Thủy điện Đakđrinh, Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), CTCP Máy - Thiết bị dầu khí (PVM),... đồng loạt đi xuống.

Đơn cử như doanh thu quý I của Công ty Thủy điện Hủa Na chỉ đạt 56,7 tỷ đồng, giảm tương ướng tới 66%so với cùng kỳ. Doanh thu quý I/2020 của Công ty Thủy điện Dắcđrinh chỉ đạt 38 tỷ đồng, giảm tương ứng 75%.

"Việc suy giảm lớn doanh thu của các công ty thủy điện chủ yếu là do giảm sản lượng điện sản xuất. Nguyên nhân của giảm sản lượng điện là do bị ảnh hưởng nặng nề bởi diễn biến thời tiết bất thường, hạn hán xảy ra trên diện rộng làm cho lưu lượng nước về hồ thấp", POW đề cập.

Trong khi đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tại NT2 cũng giảm gần 9% so cùng kỳ do giảm sản lượng điện sản xuất khoảng 57 triệu Kwh và giảm giá khí nguyên liệu, đạt 1.723 tỷ đồng.

Về hoạt động tài chính, trong kỳ, doanh thu tài chính của POW đạt 86,7 tỷ đồng, giảm 14,4 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ lãi tiền gửi tăng gần 32 tỷ đồng; doanh thu từ cổ tức được chia giảm 2 tỷ đồng và doanh thu do lãi chânh lệch tỷ giá giảm tới 44 tỷ đồng so với quý I/2019.

Ngược lại, chi phí tài chính hợp nhất trong kỳ lại tăng 88 tỷ đồng, lên 410,5 tỷ đồng (tương ứng tăng 27,3%) do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong quý I/2020 tăng tới 138 tỷ đồng, trong đó 136 tỷ đồng chưa thực hiện.

Trong quý, chi phí quản lý doanh nghiệp còn 76,5 tỷ đồng, giảm hơn 40 tỷ đồng so với cùng kỳ. Nguyên nhân do quý I năm nay công ty hoàn nhập các khoản dự phòng gần 40 tỷ đồng.

Kết quả quý I/2020, lãi sau thuế 505 tỷ đồng, vẫn giảm đến 45% so với lợi nhuận đạt được trong quý I/2019. Trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 444 tỷ đồng.

Theo nhìn nhận của Công ty chứng khoán Direct, biên lợi nhuận gộp giảm 2,8 điểm phần trăm vì thiếu hụt sự đóng góp từ mảng thủy điện và nhiệt điện khí (chỉ chiếm 65% tổng doanh thu quý I/2020 của POW so với mức 78% của quý I/2019) và lỗ tỷ giá chưa thực hiện là 138 tỷ đồng (+722% so với cùng kỳ) do tỷ giá USD/VND tăng 1,8% trong 2 tuần cuối tháng 3 là nguyên nhân chính khiến cho lãi ròng của POW giảm tới 49,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó PV Power đã xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2020 trên cơ sở giá dầu 60USD/thùng và tỷ giá 1USD=23.500 VND. Trong đó dự kiến doanh thu toàn tổng công ty đạt gần 35.449 tỷ đồng, tăng nhẹ so với doanh thu đạt được năm 2019. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 2.395 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm mạnh khoảng 28,4% so với cùng kỳ, xuống còn gần 2.044 tỷ đồng.

Như vậy kết thúc quý I/2020, POW đã hoàn thành 22,5% kế hoạch doanh thu và gần 25% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Tổng nợ xấu đến cuối quý I/2020 còn 1.918 tỷ đồng

Gánh lỗ tỷ giá, lợi nhuận của PV Power “bốc hơi” 45%, cổ phiếu “lẹt đẹt” - Ảnh 2.

Cơ cấu tài chính của PV Power là điểm khiến nhiều nhà đầu tư e ngại.

Tính đến cuối tháng 3/2020, tổng tài sản của POW 56.976 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng ghi nhận gần 9.959 tỷ đồng, tăng 11% so với hồi đầu năm. Giá trị hàng tồn kho của POW cũng gia tăng 40% lên mức 2.010 tỷ đồng, chủ yếu là tăng nguyên vật liệu.

Đáng chú ý, tổng nợ xấu đến cuối quý I vẫn còn 1.918 tỷ đồng trong đó giá trị có thể thu hồi hơn 1.300 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của POW ghi nhận tại thời điểm cuối tháng 3 là 27.082 tỷ đồng, chiếm 90,5% nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty.

Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đang ở mức 8.555 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn 8.269 tỷ đồng.

Tại ngày 31/3/2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ 79,94% vốn điều lệ của POW, tương ứng 18.721 tỷ đồng, không đổi so với đầu năm. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt gần 3.093 tỷ đồng, đầu kỳ đạt 2.651 tỷ đồng.

Cổ phiếu "lẹt đẹt"

Trên thị trường chứng khoán, trước khi niêm yết trên HoSE, POW đã có 9 tháng giao dịch trên UPCoM và đã đạt đỉnh giá 17.800 đồng/cp. POW giao dịch phiên cuối trên UPCoM vào 27/12/2018 với giá đóng cửa 16.000 đồng/cp. 

Tại thời điểm đó, giới đầu tư kỳ vọng vào lợi thế ngành điện của PV Power nhưng thực tế cho thấy giá vốn, nguyên liệu khí đầu vào và than đã chiếm khoảng 70% tổng cơ cấu giá thành của công ty.

Hiện tại, PV Power còn đang phải đối mặt với khó khăn thiếu hụt sản lượng từ Nhơn Trạch 1 (NT1) và thủy điện. Nguồn cung khí cũ thiếu hụt buộc công ty phải dùng các nguồn thay thế khác có thể dẫn đến giá thành cao hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận lâu dài của công ty.

Ngoài ra, theo báo cáo phân tích mới đây của  chứng khoán Phú Hưng, Công ty này nhận định, nhu cầu lớn về vốn trong dài hạn khi đầu tư các dự án điện mới gây áp lực lên tình hình tài chính – Nhu cầu lớn về vốn trong các năm tới khi tổng công ty đang gấp rút thực hiện các nhà máy điện mới là Nhơn Trạch 3 & 4 và Cà Mau 3. Mặc dù POW đang tìm kiếm đối tác chiến lược để giải quyết nhu cầu về vốn, tuy nhiên đây cũng có thể coi là một rủi ro trong trường hợp POW không thể tìm được đối tác chiến lược hoặc việc xây dựng các nhà máy gặp vấn đề.

Như vậy, cơ cấu tài chính của PV Power là điểm khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Điều này sẽ dẫn tới kinh doanh khó khăn và giá cổ phiếu khó bứt phá trong năm 2020.

Trên thực tế, trong những tháng đầu năm 2020, có thời điểm thị giá POW của PV Power xuống mức thấp kỷ lục 7.090 đồng/cp. Tuy nhiên, mã cổ phiếu này đã bật trở lại và chốt phiên giao dịch cuối tuần qua chỉ còn 10.000 đồng/cp. Tuy nhiên, so với đầu năm vẫn giảm 16% giá trị. Nhiều nhà đầu tư đã thua lỗ nặng khi trót đầu tư vào mã này từ vùng giá 15.000- 17.000 đồng/cp, "bốc hơi" khoảng 40% giá trị khoản đầu tư.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem