Loài cá khổng lồ được dân một vùng biển tỉnh Quảng Ngãi thờ, vì sao chỉ thờ con cái?

Thứ bảy, ngày 18/02/2023 13:16 PM (GMT+7)
Có rất nhiều đền, miếu, lăng ở vùng biển Quảng Ngãi thờ cá Ông (cá Voi), nhưng đặc biệt tại lăng vạn Tân Thạnh, ở thôn Tân Hy 1, xã Bình Đông (huyện Bình Sơn) có tín ngưỡng thờ cá Voi cái. Đây là nét riêng biệt so với các lăng vạn khác ở Quảng Ngãi nói riêng và khu vực miền Trung nói chung.
Bình luận 0
Nét văn hóa vùng biển 
 
Sau nhiều lần điền dã nghiên cứu, mới đây chúng tôi phát hiện tại lăng vạn Tân Thạnh có nét tín ngưỡng thờ cá Voi cái hiếm có ở các nơi khác.
 
Lịch sử ghi chép, ngày xưa cửa Sa Cần còn có tên gọi là cửa tấn Thể Cần. Sách "Đại Nam Nhất thống chí" chép rằng, nơi đây, năm 1471, Vua Lê Thánh Tông đã thực hiện công cuộc mở đất về phương Nam; trở thành vùng đất trù phú được các dòng họ đầu tiên từ Thanh Hóa, Nghệ An (Huỳnh, Nguyễn, Đoàn) khẩn hoang, lập ấp; thuận lợi cho tàu thuyền neo đậu, đánh bắt hải sản và giao thương, trao đổi hàng hóa. 
 
Thờ cá Voi cái ở một vùng biển tỉnh Quảng Ngãi? - Ảnh 1.

Lăng vạn Tân Thạnh, ở thôn Tân Hy 1, xã Bình Đông (Bình Sơn). Ảnh: TL

Dưới thời Chúa Nguyễn, cùng với Thu Xà, Sa Huỳnh, một số người Hoa từ các vùng Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam (Trung Quốc) đến sinh sống ở đây. Từ đó, dọc cửa biển Sa Cần, những lớp người (Chăm, Hoa, Việt) nối tiếp nhau hội tụ. 

Cuộc sống của họ gắn liền với biển và sông nước. Trong những lần đánh bắt hải sản trên biển, ngư dân thường gặp hiểm nguy và được cá Voi cứu giúp, đưa vào bờ. Từ đó, tín ngưỡng thờ cá Ông được định hình, truyền giữ  tại các làng, xóm ở cửa Sa Cần.

Với mong muốn “đất lành, người an”, người dân vạn Tân Thạnh tôn Thần Nam Hải là vị nhiên thần, thành hoàng của làng và dựng lăng để tế tự. Nhiều tài liệu, hiện vật nơi đây góp phần khẳng định các vấn đề mang tính giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ. 

Ngoài sắc phong cho thần Nam Hải vào năm Khải Định thứ 9 (1924), đáng chú ý nhất là Thần vị với dòng chữ Hán Nôm, dịch nghĩa “Nước Đại Nam/ Nam hải Cự tộc hiệu Linh Ngọc Lân, hiệu Nương Ngọc Lân/ Tứ vị Từ tế Tôn thần /Long phi năm Đinh Hợi/ Dựng ngày lành tháng Kỷ Dậu”. 

Phân tích từng câu chữ trên thần vị, các bài văn tế, đối tượng được nhắc sau Thần Nam Hải chính là Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Nhơn Ngư Nương Nương (văn tế)/ Nương Ngọc Lân (cá Voi cái). Đây chính là điểm khác biệt và đặc trưng của vạn Tân Thạnh so với các di tích thờ cá Ông khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và một số tỉnh ven biển miền Trung.

Tín ngưỡng thờ cá Voi cái 
 
Tín ngưỡng thờ cá Voi cái xuất hiện ở một số vùng biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Tiêu biểu là ở lăng Ông Nam Hải (Cù Lao Chàm, Quảng Nam) có bài vị “Ngọc Lân Nương”; lăng cô Xuân Tự (Vạn Ninh, Khánh Hòa) thờ “Nam Hải Tiên”; lăng Cô (Từ Thiện, Ninh Thuận) thờ “Nam Hải Đại Vương”... Một số làng chài ở Ninh Chữ, Sơn Hải, Cà Ná thuộc tỉnh Ninh Thuận cũng có lăng thờ cá Voi cái, gọi là lăng Cô.
 

Ngoài lễ cầu ngư, lễ tế thần Nam Hải, người dân ở các địa phương nói trên dành riêng một ngày vía Bà (ngày 20/10). Chứng tỏ, quan điểm của con người trong thế giới thần linh cũng có sự phân định giống đực và giống cái.

Lăng còn phối thờ khác như: Tứ vị từ tế (tứ vị thánh nương), Thiên Y A Na, thần Cao Các, tả ban, hữu ban, tiền hiền, hậu hiền. 

Điều này cho thấy lăng có sự tích hợp các tín ngưỡng thờ tự mà chính các tộc người Chăm, Hoa, Việt sinh sống nơi đây đã duy trì, tiếp nối gắn liền với cuộc sống mưu sinh trên biển, nhưng bản thân họ lại không có sự phân định, nhận thức rõ nên có sự đồng nhất. 

Trong đó, tín ngưỡng thờ cá Ông (thần Nam Hải) mạnh hơn tín ngưỡng thờ cá Voi cái và bà Đại Càn. Tuy nhiên, các đối tượng thờ này đều thống nhất về hành vi tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của cư dân vạn Tân Thạnh với ước nguyện cầu an, cầu mùa của ngư dân, sự tôn kính tiền nhân bản địa, hướng về nguồn cội, quê hương. 

Sự hỗn hợp thờ tự ấy bắt nguồn từ không gian sống, vùng sinh thái biển - núi - đồng bằng, các lớp văn hóa, tộc người khác nhau Chăm -  Hoa - Việt, trong đó người Việt đóng vai trò chủ thể. 

Từ đó, phản ánh rõ nét lịch sử văn hóa tại vùng biển Sa Cần, sự tồn tại của cư dân bản địa Chăm, sự di cư của người Hoa theo đường thương mại trên biển, sự di dân của người Việt từ các vùng Thanh- Nghệ - Tĩnh. 

Chính sự hội tụ, tích hợp ấy, họ mang theo tín ngưỡng, văn hóa của quê hương mình vào vùng đất mới. Trong quá trình sinh sống, lao động, người Việt đã cộng cư, giao lưu, tiếp biến giữa các văn hóa Chăm, Hoa và Việt. 

Tồn tại hơn 2 thế kỷ, lăng vạn Tân Thạnh là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa đặc trưng nói trên  và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng cư dân nơi đây.

Tạ Hà (Báo Quảng Ngãi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem