Loại hạt Việt Nam xuất khẩu nhiều thứ 2 thế giới tăng giá vù vù, 5 thị trường nào mua nhiều nhất?

Thiên Ngân Thứ ba, ngày 09/05/2023 05:26 AM (GMT+7)
Năm ngoái, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt trên 4 tỷ USD, chiếm hơn 15% thị phần thế giới, giữ vị trí thứ hai toàn cầu về xuất khẩu cà phê và số một về xuất khẩu cà phê robusta. Đáng chú ý, tuần qua giá cà phê trong nước tăng rất cao, hiện đã cán mốc 54.000 đồng/kg.
Bình luận 0

Giá cà phê trong nước đang cao kỷ lục

Theo khảo sát của PV Dân Việt, giá cà phê tại thị trường Tây Nguyên trong tuần qua đã tăng thêm 2.000 – 2.200 đồng, lên dao động trong khung 53.200 – 53.900 đồng/kg và vẫn tăng tiếp sau phiên giao dịch đầu tuần ngày 8/5. 

Cụ thể, giá cà phê tại Đắk Lắk, Đắk Nông hiện đang cao nhất trong các vùng nguyên liệu, đạt mức 54.200 đồng/kg; giá cà phê tại Gia Lai ở mức 53.800 đồng/kg. 

Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum, một số đại lý cũng thu mua với giá 54.000 đồng/kg. Giá cà phê tại khu vực Lâm Đồng ở mức 53.400 đồng/kg. Tại tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, giá cà phê đạt 54.100 đồng/kg. 

Đại diện Công ty TNHH MTV Thương mại Nga Thanh (huyện Krông Nô, Đắk Nông) cho biết: Năm 2022, giá phân bón tăng cao khiến chi phí sản xuất của nông dân tăng mạnh. Trước tết, giá cà phê tại địa phương khoảng 40.000 đồng/kg, tương đương mức hòa vốn khiến bà con vô cùng lo lắng. Tuy nhiên từ đầu tháng 2 đến nay, giá cà phê liên tục tăng theo nhu cầu thu mua chế biến xuất khẩu. Với giá bán như hiện nay, tính ra nông dân thu lãi hơn 10.000 đồng/kg. 

Loại hạt Việt Nam xuất khẩu nhiều thứ 2 thế giới tăng giá vù vù, 5 thị trường nào mua nhiều nhất?  - Ảnh 1.

Giá cà phê tại thị trường trong nước đang ở mức cao kỷ lục, dao động từ 53.400 - 54.200 đồng/kg. Ảnh: Thiên Hương

Giá cà phê trong nước tăng mạnh là nhờ lực đẩy từ thị trường cà phê thế giới khi cả 2 sàn giao dịch quốc tế đều tăng mạnh do những lo ngại về nguồn cung thiếu hụt trong ngắn hạn. 

Tính chung cả tuần 18, thị trường London có 3 phiên tăng và 1 phiên giảm. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7/2023 tăng tất cả 62 USD, tức tăng 2,57%, lên 2.471 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng tất cả 60 USD, tức tăng 2,51%, lên 2.446 USD/tấn, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.

Tương tự, thị trường New York có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng tất cả 2,10 cent, tức tăng 1,13%, lên 188,05 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng tất cả 2,40 cent, tức tăng 1,31%, lên 185,60 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch khá thấp, dưới mức trung bình. 

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý I/2023 đạt 552,61 nghìn tấn, trị giá gần 1,23 tỷ USD, tăng 36,3% về lượng và tăng 31,1% về trị giá so với quý IV/2022, nhưng so với quý I/2022 giảm 5,0% về lượng và giảm 5,4% về trị giá.

Theo Tổ chức Cà phê quốc tế, báo cáo trong 6 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023, xuất khẩu cà phê toàn cầu chỉ đạt 62,30 triệu bao, giảm 6,4% so với cùng kỳ niên vụ trước. 

Trong khi đó, Liên đoàn Cà phê Quốc gia (FNC) báo cáo xuất khẩu trong tháng 4 chỉ đạt 719.000 bao, giảm tới 15% so với cùng kỳ năm trước và tại thị trường nội điạ Colombia đã có hiện trượng "mua bù" với giá cao cho những hợp đồng đã đến kỳ hạn giao hàng, và điều này đã góp đẩy giá cà phê kỳ hạn tăng vọt.

5 thị trường thu mua cà phê lớn nhất của Việt Nam

Năm 2022, mặc dù kinh tế thế giới đối mặt với khó khăn, lạm phát tăng cao, nhưng ngành cà phê Việt Nam vẫn được hưởng lợi nhờ giá. Trị giá nhập khẩu cà phê của nhiều thị trường trên thế giới mặc dù giảm, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng mạnh. Đơn cử như thị trường Canada và Nhật Bản, mặc dù trị giá nhập khẩu từ thế giới trong năm 2022 giảm lần lượt 25,5% và 25,9% so với năm 2021, nhưng lại tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam, mức tăng lần lượt 93,9% và 29,3%.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đứng đầu 5 thị trường thu mua cà phê lớn nhất của Việt Nam từ đầu năm đến nay là EU, tiếp đó là Hoa Kỳ, Canada, Anh, Nhật Bản. 

Loại hạt Việt Nam xuất khẩu nhiều thứ 2 thế giới tăng giá vù vù, 5 thị trường nào mua nhiều nhất?  - Ảnh 3.

Đứng đầu 5 thị trường thu mua cà phê lớn nhất của Việt Nam từ đầu năm đến nay là EU, tiếp đó là Hoa Kỳ, Canada, Anh, Nhật Bản. Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu

Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên thị trường này cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn, khó hơn. Trong đó, phiên bản quy định mới nhất của EU là yêu cầu các công ty bán cà phê ở EU thu thập tọa độ định vị của trang trại sản xuất cà phê. 

Từ cuối năm 2022, các nhà xuất khẩu cũng phải đảm bảo không lấy cà phê từ nguồn có rừng bị phá hoặc suy thoái mới có thể xuất khẩu cà phê sang EU nói chung cũng như các nước Bắc Âu nói riêng. Đây vừa là thử thách, song cũng là lúc ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng bền vững hơn, ít rủi ro hơn chứ không phải là tập trung vào việc mở rộng diện tích để tăng sản lượng như trước kia. 

Tuy nhiên, nhờ có hệ thống 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thực thi, các doanh nghiệp có thể lựa chọn FTA nào có lợi nhất để thỏa mãn xuất xứ hàng hóa, từ đó hưởng ưu đãi thuế quan tốt nhất. 

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh nhận định, năm 2023, tình hình sẽ khó khăn hơn do nhiều quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn của nước ta rơi vào tình trạng lạm phát cao, đối diện suy thoái. Tuy nhiên, thực phẩm vẫn có lợi thế xuất khẩu, trong đó có cà phê do đây là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. 

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã giúp các mặt hàng nông sản chế biến xuất khẩu sang các nước châu Âu được giảm thuế, nhờ đó, doanh số xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, hoa hồi, hạt điều của Phúc Sinh sang châu Âu cũng tăng lên đáng kể. Trong đó, mặt hàng trà Cascara (chế biến từ vỏ cà phê chín) của Phúc Sinh đã được xuất khẩu nhiều sang Italia nhờ tận dụng tốt FTA. 




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem