“Loạn” sàn thương mại điện tử: Quản sao cho chặt?

Thanh Phong Thứ tư, ngày 25/09/2019 15:00 PM (GMT+7)
Những năm trở lại đây, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam phát triển rất nhanh, tuy nhiên, các cơ chế chính sách chưa theo kịp dẫn đến nhiều vấn đề bất cập cho cơ quan quản lý nhà nước và quyền lợi của người tiêu dùng.
Bình luận 0

Hàng hóa ngập sàn TMĐT, chất lượng bỏ ngỏ.

Sự phát triền của các sàn TMĐT đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng. Qua đó, người dùng có thể mua sắm các mặt hàng mà không phải trực tiếp đến tận nơi, hệ thống thanh toán, vận chuyển cũng được tối ưu hóa.

Tuy nhiên, với cơ chế hoạt động sàn TMĐT nắm giữ khâu trung gian, bất cứ đơn vị bán hàng nào cũng có thể thuê tài nguyên, không gian online để kinh doanh. Hoạt động trao đổi, mua bán không thực hiện trực tiếp dẫn đến chất lượng sản phẩm không được đảm bảo, các mặt hàng cấm, phản cảm đôi khi được bày bán một cách công khai.

Ngoài ra, hành lang pháp lý, chế tài xử lý đối với các sàn TMĐT vẫn chưa còn nhiều lỗ hổng, chưa chặt chẽ, mức xử lý thấp chưa có tính răn đe khiến hoạt động TMĐT hiện nay vẫn đang “loạn”. 

img

Các sản phẩm phản cảm, vũ khí gây sát thương được bày bán tràn lan trên các sàn TMĐT.

Mới đây, công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (First News) tổ chức buổi họp báo với nội dung "Công bố bằng chứng kinh doanh tiêu thụ sách giả vi phạm pháp luật của Shopee, Sendo và Lazada".

Tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Cty First News, công bố hàng loạt bằng chứng về hoạt động tiêu thụ sách giả thông qua các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Lazada, Sendo và Shopee. 

“Khoảng một năm trước, First News đã nhận thấy sách lậu, sách giả lưu thông qua mọi sàn thương mại điện tử. Khi cty liên hệ với các sàn để phản ánh thực trạng, người đại diện của các sàn bán hàng online đều nói họ chỉ cho thuê cửa hàng và thu mức phí 13% doanh thu nên họ không chịu trách nhiệm nếu người bán phân phối sách lậu, sách giả, song họ sẵn sàng phát hiện sách giả sàn thương mại điện tử sẽ bồi thường 110% giá sách”, ông Phước thông tin.

Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc, Hãng Luật TGS thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, đánh giá hoạt động mua bán sách lậu diễn ra trên các sàn TMĐT là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của các tác giả, nhà xuất bản và người tiêu dùng.

“Khoản 6 Điều 37 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử đã quy định người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm: "Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử". 

Đồng thời, việc "lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh;" cũng là hành vi bị cấm theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP.” Ls. Lê Đức Hùng cho biết.

Không chỉ sách lậu, nhiều mặt hàng cấm, phản cảm, có thể gây sát thương cũng được bày bán công khai. Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thời gian qua, cơ quan này nhận được phản ánh thông tin về việc một số website TMĐT bán các thiết bị để lắp ráp súng và vũ khí dưới dạng đồ chơi.

“Khi lắp ráp hoàn chỉnh, những loại súng đồ chơi này dùng để bắn đạn bằng bi sắt hoặc bằng khí nén CO2 có thể gây sát thương; ngoài ra còn có các vũ khí thô sơ như dao găm, kiếm, côn, cung, nỏ, phi tiêu,…” Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông tin.

Sau đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã đề nghị thương nhân, tổ chức sở hữu website và ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử triển khai các biện pháp kỹ thuật/bộ lọc, nhân sự kiểm duyệt... nhằm ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm vi phạm như phản ánh và các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật khác.

Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý.

Ông Vũ Hùng Sơn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia)  cho biết, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến và đa dạng, đem lại giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân.

Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn, hoạt động TMĐT hiện đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

“Qua công tác kiểm tra của Ban chỉ đạo 389, chúng tôi đã nhận diện cơ bản đầy đủ các hành vi, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng TMĐT để vi phạm pháp luật về hàng giả, hành nhái, hàng kém chất lượng… Đơn cử như với sản phẩm thuốc cigar nhập lậu, không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, sau khi các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hiện không còn tình trạng bày bán công khai tại các cửa hàng.

img

Cần sớm hoàn thiện khung hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động TMĐT.

Tuy nhiên trên môi trường TMĐT, thông qua các trang website bán hàng, các mạng xã hội, chúng ta vẫn rất rễ ràng thấy nhiều đối tượng rao bán công khai và cũng tương tự với các mặt hàng khác, thậm chí có cả hàng cấm.”  Ông Sơn nói.

Ngoài ra, ông Sơn cũng chỉ ra hành vi lợi dụng các trang website bán hàng uy tín, như: Lazada, Vietnam Airline… thậm chí lợi dụng ngay cả logo của Bộ Công Thương mặc dù chưa đăng ký để rao bán hàng hoá kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu...

Theo các chuyên gia, cơ quan chức năng đánh, sở dĩ xảy ra tình trạng nêu trên vì các chính sách, cơ sở pháp lý về hoạt động TMĐT hiện vẫn chưa chặt chẽ, chắc chắn.

Cụ thể, theo ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay, ngành Hải quan chưa có quy định riêng đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu thông qua TMĐT. Hàng hoá xuất, nhập khẩu thông qua TMĐT được thông quan theo các hình thức như yêu cầu của khách hàng trong nước hay xách tay hoặc qua đường “tiểu ngạch”.

“Trong khi đó, do hàng hoá thực hiện giao dịch qua hình thức TMĐT, thanh toán điện tử, hoá đơn điện tử rất khó xác định giá trị giao dịch thực tế để xác định mức thuế gặp khó khăn, nhất là với hàng hoá gửi thông qua hình thức chuyển phát nhanh, quà biếu, quà tặng”, ông Tuấn cho biết.

Ngoài ra ông Tuấn cũng thông tin thêm, ngay cả pháp luật về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu hiện cũng chưa có quy định cụ thể đối với một số hàng hoá giao dịch thông qua TMĐT nên nhiều mặt hàng khi nhập về không thể thông quan.

Qua đó, các cơ quan chức năng đưa lời khuyên, khách hàng cũng cần nghiên cứu các chính sách hiện hành, đông thời nên lực chọn những trang TMĐT có uy tín, kể cả trong và ngoài nước trước khi đặt hàng online để tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), cho hay: “Sàn TMĐT thực chất cũng giống chợ, chỉ khác là nó hoạt động dựa trên nền tảng điện tử. Do đó, dù kiểm soát chặt thì đôi khi vẫn khó tránh tình huống có sản phẩm giả, chất lượng kém bị trà trộn vào bán, thậm chí bị đánh tráo ở khâu giao hàng. Người tiêu dùng dù mua hàng trên chợ mạng hay ở các khu vực truyền thống cũng đều cần "thông thái" trong lựa chọn và tiếp nhận sản phẩm”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem