Loạt doanh nghiệp phân bón báo lãi tăng bằng lần nhờ gián bán liên tục leo thang

Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết Thứ hai, ngày 02/05/2022 09:44 AM (GMT+7)
Nhờ giá bán tăng cao và tận dụng tốt cơ hội của thị trường nhiều doanh nghiệp trong ngành phân bón đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý I với lợi nhuận tăng bằng lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận 0

Nhờ giá bán tăng cao và tận dụng tốt cơ hội của thị trường nhiều doanh nghiệp trong ngành phân bón đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý I với lợi nhuận tăng bằng lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả kinh doanh ấn tượng

Trong quý I năm nay, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã xuất khẩu kỷ lục 474.268 tấn phân bón các loại, giá trị thu về 307 triệu USD, tăng mạnh 42,2% về lượng và tăng gấp 3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, chỉ sau 3 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu phân bón đã bằng hơn một nửa so với giá trị xuất khẩu 559 triệu USD của cả năm 2021. Có được kết quả ấn tượng này là nhờ giá xuất khẩu phân bón tăng gấp 2 lần cùng kỳ lên mức trung bình 647 USD/tấn.

Điều này báo hiệu một năm thắng lợi lớn tiếp theo của các doanh nghiệp ngành phân bón sau khi gặt hái nhiều thành công trong năm 2021.

Thực tế cho thấy, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành phân bón như Đạm Phú Mỹ,  Đạm Cà Mau, Đạm Hà Bắc... đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong quý I năm nay nhờ giá bán tăng cao và tận dụng tốt cơ hội của thị trường.

Loạt doanh nghiệp phân bón báo lãi tăng bằng lần nhờ gián bán liên tục leo thang - Ảnh 1.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Nổi bật nhất là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ/PVFCCo, mã chứng khoán: DPM) với  doanh thu thuần đạt 5.829 tỷ đồng, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế của DPM đạt 2.126 tỷ đồng, tăng gần 12 lần so với cùng kỳ năm trước và gấp 2 lần so với kế hoạch của cả năm 2022 (kế hoạch đề ra 945 tỷ đồng). Đây cũng là số lãi theo quý cao kỷ lục của DPM.

Một ông lớn khác trong ngành phân bón là  CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã chứng khoán: DCM) đạt doanh thu thuần 4.074 tỷ đồng trong quý I, cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái.

Riêng doanh thu bán Urê là 3.769 tỷ đồng, chiếm 88% trong cơ cấu tổng doanh thu, mức tăng trưởng cao của mặt hàng này chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu với 2.195 tỷ đồng, cao hơn 5,5 lần cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu tăng cao do tình trạng khan hiếm nguồn cung phân bón dẫn đến giá phân bón trong nước tăng mạnh. Giá bán bình quân mặt hàng phân bón Urê TM quý I của công tăng hơn 148% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên giá vốn chỉ tăng 30,7%, lên 2.098 tỷ đồng. Do đó lợi nhuận sau thuế của DCM ước đạt 1.515 tỷ đồng, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021 và là mức lãi cao kỷ lục theo quý của DCM.

Năm 2022, DCM đặt mục tiêu đạt gần 9.060 tỷ đồng doanh thu và hơn 513 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, kết thúc quý I, doanh thu đạt 45% mục tiêu còn lợi nhuận sau thuế đã vượt kế hoạch 195,8%.

Loạt doanh nghiệp phân bón báo lãi tăng bằng lần nhờ gián bán liên tục leo thang - Ảnh 2.

Tổng hợp từ báo cáo tài chính. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế  của Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc)  trong quý I đạt gần 868 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 249 tỷ đồng. Đây là kết quả tích cực đối với dự án từng nằm trong 12 dự án thua lỗ, yếu kém ngành Công Thương.

Theo báo cáo, doanh thu thuần của Đạm Hà Bắc tăng 98,3% lên gần 1.946 tỷ đồng. Mặc dù tăng trưởng doanh thu cao nhưng giá vốn hàng bán lại giảm gần 11%, nên lợi nhuận gộp gấp hơn 54 lần cùng kỳ, đạt 1.089 tỷ đồng.

Kết thúc quý I, doanh thu của Đạm Hà Bắc đạt 43,3% mục tiêu, còn lợi nhuận trước thuế gấp 98,7 lần kế hoạch cả năm.

Ngoài những cái tên kể trên, một số doanh nghiệp khác trong ngành phân bón cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng cao trong quý đầu tiên của năm như: Công ty cổ phần DAP Vinachem đạt lợi nhuận sau thuế đạt 136,5 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ;  CTCP Phân bón Bình Điền lợi nhuận sau thuế đạt 86 tỷ đồng, tăng 27%...

Hứa hẹn tiếp tục bứt phá trong quý II

Trong bối cảnh nguồn cung phân bón toàn cầu vẫn đang trong trạng thái thắt chặt do Trung Quốc hạn chế xuất khẩu và căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine, các doanh nghiệp trong ngành phân bón được cho là sẽ tiếp tục hưởng lợi từ giá bán trong quý II năm nay.

Trong tháng 4, giá nhiều loại phân bón trong nước tiếp tục tăng trong tháng 4 và cao hơn 1,5 – 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái như Kali nhập khẩu ở mức 20.000 – 22.000 đồng/kg, DAP Đình Vũ xanh 61% giá 21.500 đồng/kg, Urê Phú Mỹ và Cà Mau từ 17.500 – 18.000 đồng/kg…

Trên thị trường thế giới, giá phân bón vốn đã tăng mạnh từ giữa năm 2021 đã tiếp tục tăng lên mức cao mới từ vào đầu năm 2022 sau khi xung đột giữa Nga - Ukraine xảy ra.

Cuộc xung đột đã gây ra gián đoạn nguồn cung từ Nga, một trong những nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới. Trong khi đó, giá khí tự nhiên tăng cao đã khiến nhiều nhà sản xuất tại châu Âu phải cắt giảm sản lượng sản xuất làm gia tăng lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung phân bón toàn cầu.

Tính đến cuối tháng 4, giá các loại phân bón trên thị trường quốc tế đang đứng ở mức cao nhất trong nhiều năm qua với Urê hạt đục tại Trung Đông và Ai Cập dao động ở mức 908 – 1.000 USD/tấn, tăng 50% so với thời điểm trước khi cuộc xung đột xảy ra và tăng gấp 2,6 – 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá DAP tại Mỹ cũng tăng 60% so với cuối tháng 2 và tăng 76% so với cùng kỳ, đạt 950 USD/tấn.

Loạt doanh nghiệp phân bón báo lãi tăng bằng lần nhờ gián bán liên tục leo thang - Ảnh 3.

Diễn biến giá phân bón thế giới từ năm 2021 đến tháng 4/2022. (ĐVT: USD/tấn FOB. Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Trong quý II, DCM ước tính tổng doanh thu thực hiện đạt 4.848 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 748 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 710,67 tỷ đồng.

Với lực cầu lớn trong quý II, do các thị trường mục tiêu như Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ - Tây Nguyên, Campuchia vào chính vụ Hè Thu. Bên cạnh đó, giá bán các sản phẩm trong nước được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do chi phí đầu vào (giá khí, chi phí vận chuyển…) tăng cao.

Ngoài ra, việc thiếu hụt nguồn cung các sản phẩm mà nước ta nhập khẩu hoàn toàn hoặc một phần, do sản xuất trong nước không cung ứng đủ (DAP, Kali, SA) sẽ giúp doanh thu Công ty tăng trưởng và hoàn thành các chỉ tiêu tài chính trong quý II/2022.

Tương tự, DPM kỳ vọng giá Urê sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý 2, sau đó giảm trong 6 tháng cuối năm với nguồn cung tăng thêm từ Trung Quốc.

Dù giá nguyên liệu đầu vào của NPK đang tăng, nhưng DPM đã chốt được nguyên liệu sản xuất cho nhà máy NPK trong 6 tháng đầu năm 2022 và hiện đang có lợi thế về chi phí đầu vào thấp. Công ty kỳ vọng sản lượng và biên lợi nhuận của mảng NPK đều gia tăng trong năm 2022.

Còn Theo Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), giá Urê đạt đỉnh vào tháng 3 và có thể giảm mạnh từ tháng 6 trở đi khi Trung Quốc dần nới lỏng chính sách xuất khẩu và vấn đề thiếu than dần được khắc phục.

Bên cạnh đó, Chính phủ có thể can thiệp vào công tác điều hành giá phân bón trong bối cảnh giá gạo thấp và tiêu thụ nông sản đang gặp khó khăn khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu.

Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% đối với một số mặt hàng phân bón để đảm bảo nguồn cung trong nước, góp phần hạ nhiệt giá phân bón.

Bộ Tài chính đánh giá nếu đề xuất được thực hiện sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón cho sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem