Loạt dự án đường sắt đô thị chậm, đội vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể báo cáo gì?

thế Anh Thứ tư, ngày 19/10/2022 12:36 PM (GMT+7)
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vừa báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM.
Bình luận 0

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoạt động ổn định

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay, ở Hà Nội và TP.HCM đang triển khai thực hiện đầu tư 6 tuyến đường sắt đô thị, trong đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ quản đầu tư 2 dự án, UBND TP.Hà Nội chủ quản đầu tư 2 dự án và UBND TP.HCM chủ quản đầu tư 2 dự án.

"Đến nay, tổng ngân sách đã đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị là 66.011 tỷ đồng, trong đó tại Hà Nội là 36.602 tỷ đồng, TP.HCM 29.408 tỷ đồng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ.

Loạt dự án đường sắt đô thị chậm chậm, đội vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể báo cáo gì? - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được khai thác ổn định. Ảnh: TA

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện chỉ có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác thương mại, các dự án còn lại đều chậm tiến độ, phải điều chỉnh thời gian nhiều lần và tăng tổng mức đầu tư.

Đáng chú ý, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi (giai đoạn 1) được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư năm 2008, điều chỉnh dự án năm 2017 với tổng mức đầu tư 19.046 tỷ đồng.

 Do vướng mắc trong quá trình triển khai, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất không gia hạn hiệp định vay VN12-P4 với Chính phủ Nhật Bản, đồng thời chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND TP.Hà Nội nghiên cứu, thống nhất về quy hoạch mạng lưới đường sắt.

Tuyến số 1 chuyển cho UBND TP.Hà Nội chủ trì tổ chức thực hiện. Cạnh đó việc giải ngân vốn năm 2022 đến hết ngày 31/8 là 0 đồng, còn từ đầu dự án đến 31/8 là hơn 2.154 tỷ đồng.

Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP.Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội được UBND TP.Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư năm 2009; phê duyệt điều chỉnh dự án năm 2013, 2014 với tổng mức đầu tư 1.176 triệu euro.

UBND TP.Hà Nội đang triển khai rà soát, hoàn thiện báo cáo đề xuất để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh kéo thời gian thực hiện dự án này đến năm 2027.

Theo đó, dự án khai thác, vận hành đoạn trên cao từ cuối năm 2022; khai thác, vận hành toàn tuyến từ năm 2027; điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng từ 32.910 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo do UBND TP.Hà Nội phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng.

Hiện, UBND TP.Hà Nội đang triển khai rà soát, hoàn thiện báo cáo đề xuất để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án từ 19.555 tỷ đồng lên 35.678 tỷ đồng.

Với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, báo cáo nêu tổng mức đầu tư ban đầu hơn 8.700 tỷ đồng, sau đó tổng mức đầu tư điều chỉnh hơn 18.000 tỷ đồng.

Loạt dự án đường sắt đô thị chậm chậm, đội vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể báo cáo gì? - Ảnh 2.

Nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: TA

Dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, đối vốn

Tại TP.HCM, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2007; phê duyệt điều chỉnh năm 2008, 2011, 2019, 2021 với tổng mức đầu tư 43.757,15 tỷ đồng.

Lũy kế khối lượng tổng thể của toàn dự án đạt khoảng 92,19%, dự kiến đến cuối năm 2022 đạt khoảng 93%.

UBND TP.HCM đang đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép tiến hành thủ tục và phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, hoàn thành thi công cuối quý IV/2023 và kết thúc dự án từ năm 2024 đến hết năm 2028.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương) được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2010; phê duyệt điều chỉnh năm 2013, 2019 với tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng.

Căn cứ tiến độ thực tế của dự án đã được các nhà tài trợ thống nhất, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép tiến hành thủ tục và phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2030.

Lý giải nguyên nhân các dự án đường sắt đô thị đều bị chậm tiến độ, đội vốn, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa nhận các dự án này có quy mô lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, khó khăn, vướng mắc liên quan khâu giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật.

Mặt khác dự án có công nghệ phức tạp, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, các đơn vị thực hiện chưa có kinh nghiệm. Ngoài ra, việc nghiệm thu, thử nghiệm là theo các tiêu chuẩn nước ngoài, trong khi chưa có các tiêu chuẩn tương đương ở Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem