Loạt ngân hàng lên kế hoạch đại hội cổ đông, cổ tức "nóng" thị trường

H.Anh Chủ nhật, ngày 26/02/2023 06:49 AM (GMT+7)
Tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 10 ngân hàng công bố kế hoạch họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Trong số đó, Nam A Bank là nhà băng dự kiến tổ chức họp sớm nhất, vào ngày 17/3 tới đây.
Bình luận 0

Loạt ngân hàng lên kế hoạch đại hội đồng cổ đông năm 2023

Theo thông báo vừa phát đi của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB), nhà băng này dự kiện sẽ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 vào ngày 18/4 tới đây.

Với kế hoạch này, ngày đăng ký cuối cùng để lập danh sách cổ đông thực hiện quyền tham dự họp dự kiến vào 15/3. Địa điểm họp VPBank sẽ thông báo tới cổ đông trong thư mời họp, dự kiến tổ chức tại Hà Nội.

Nội dung cuộc họp bao gồm việc thông qua báo cáo hoạt động năm 2022 và định hướng kế hoạch năm 2023, thông qua báo cáo tài chính và phân phối lợi nhuận năm 2022 và các nội dung khác.

Ngày 24/2, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) cũng đã công bố ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông tham dự họp ĐHĐCĐ vào ngày 14/3 tới đây. Thời gian tổ chức họp vào 7h30 ngày 25/4 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ngày công bố tài liệu họp là 4/4.

Loạt ngân hàng lên kế hoạch đại hội cổ đông, cổ tức "nóng" thị trường - Ảnh 1.

Loạt ngân hàng lên kế hoạch đại hội cổ đông thường niên 2023. (Ảnh: VIB)

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 vào ngày 14/4, sau khi tổ chức thành công đại hội bất thường vào ngày 14/2. Ngày chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội là 15/3/2023.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đưa ra thông báo tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 11/4/2023 tại Khách sạn Melia, số 44B Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Ngày cuối cùng để lập danh sách cổ đông tham dự kiến là ngày 3/3/2023.

Chốt danh sách cổ đông tham dự vào 23/3, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) lên kế hoạch tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 vào ngày 25/4 tại Hà Nội.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - Mã: LPB) công bố thông tin cho biết, ngày đăng ký cuối cùng là ngày 23/2/2023. ĐHĐCĐ thường niên năm nay của LPB dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 4 tại Hà Nội.

Một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) dự kiến họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 vào 7h30 ngày 15/3 tại sảnh Ballroom, Khách sạn Park Hyatt Sài Gòn, TP HCM. VIB đã chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền tham dự họp vào ngày 10/2.

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 12.200 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến tăng 25%, đạt 428.500 tỷ đồng.

Tổng dư nợ tín dụng dự kiến tăng 25% lên 292.500 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng NHNN cho phép. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu huy động vốn tăng 26,2%, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

VIB cũng sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn từ 21.076 tỷ đồng lên 25.368 tỷ đồng tại ĐHĐCĐ lần này.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank - Mã: NAB) lên kế hoạch tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023 vào ngày 17/3 tới đây. Địa điểm tổ chức sẽ được ngân hàng thông báo sau đến các cổ đông. 

Với khối ngân hàng quốc doanh, thông tin từ Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của nhà băng này dự kiến tổ chức vào ngày 21/4 tới theo hình thức trực tiếp. Đây là ngân hàng đầu tiên trong nhóm các ngân hàng lớn "Big 4" công bố lịch đại hội năm nay. Ngày đăng ký cuối cùng là 10/3 tới.

Thông báo của VietinBank cho biết nội dung dự kiến họp bao gồm các báo cáo của Hội đồng quản trị, Ban Điều hành và Ban Kiểm soát về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022; định hướng và kế hoạch năm 2023.

Các tờ trình dự kiến thông qua tại đại hội gồm: Lựa chọn công ty kiểm toán độc lập kiểm toán báo cáo tài chính và hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ năm 2024; phương án phân phối lợi nhuận năm 2022; sửa đổi, bổ sung các quy định quản trị của VietinBank (nếu có); công tác nhân sự VietinBank (nếu có)...

Nhiều kế hoạch chia cổ tức cũng đang thu hút sự quan tâm của cổ đông

Bên cạnh kế hoạch ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của các ngân hàng, nhiều kế hoạch chia cổ tức cũng đang thu hút sự quan tâm của cổ đông.

Chẳng hạn như tại VIB, ngân hàng này dự kiến sẽ trình cổ đông phương án trích lập các quỹ, phân phối lợi nhuận năm 2022 và kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15% tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.

Trước đó, Hội đồng quản trị ngân hàng đã có nghị quyết phê duyệt việc thực hiện phương án tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2022 cho cổ đông hiện hữu với số tiền tạm ứng là hơn 2.107,6 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 10% vốn điều lệ.

Nguồn vốn sử dụng để chia cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 30/9/2022, trong đó lợi nhuận để lại từ các năm trước chưa sử dụng là 565 tỷ đồng và lợi nhuận thuần lũy kế ba quý đầu năm 2022 là hơn 1.542 tỷ đồng. Ngày VIB thực hiện chi trả tạm ứng cổ tức tiền mặt là 3/3 tới.

Loạt ngân hàng lên kế hoạch đại hội cổ đông, cổ tức "nóng" thị trường - Ảnh 3.

Nhiều kế hoạch chia cổ tức cũng đang thu hút sự quan tâm của cổ đông. (Ảnh: TT)

Tại Eximbank, dù nội dung chi tiết tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 chưa được nhà băng này công bố. Tuy nhiên, tại đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 vào ngày 14/2 vừa qua, Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú tiết lộ trong năm 2022, Eximbank giữ vị trí dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng, đạt hơn 3.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 3 lần năm trước, vượt hơn 280% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.

Tại ĐHĐCĐ thường niên tới đây, Eximbank sẽ chốt kết quả kinh doanh và dự kiến tỷ lệ chia cổ tức cao, đáp lại sự kỳ vọng của cổ đông đã ủng hộ ngân hàng trong thời gian qua.

Tại TPBank (mã ck: TPB), hội đồng quản trị ngân hàng cũng đã có Nghị quyết về việc phê duyệt kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2023. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền cổ đông hiện hữu để chi trả cổ tức là 21/2. Ngày thanh toán là 3/3 tới.

Trước đó, ngân hàng đã công bố kết quả lấy kiến cổ đông bằng văn bản về phương án trên với tỷ lệ tán thành đạt 77,69%. Cụ thể, ngân hàng dự kiến sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ thực hiện là 25%, tức một cổ phiếu nhận được 2.500 đồng.

Cũng liên quan đến vấn đề cổ tức mà cổ đông mong ngóng, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) mới đây tiết lộ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB) đang có kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ tương tự năm 2021 là 25% nhưng tỷ lệ bằng tiền và bằng cổ phiếu chưa được xác định và phải chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 đã được Đại hội đồng cổ đông ACB thông qua cũng có phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (thực hiện trong năm 2023 nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận) bên cạnh 15% bằng cổ phiếu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem