Lọc hoá dầu Bình Sơn báo lỗ hơn 1.000 tỷ, dàn lãnh đạo hầu toà

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 19/01/2019 13:45 PM (GMT+7)
Lọc hoá dầu Bình Sơn thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam ghi nhận khoản lỗ kỷ lục lên tới 1.027 tỷ đồng trong quý IV.2018 khiến cho lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2018 của công ty là âm 346 tỷ đồng.
Bình luận 0

CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR), đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV.2018. Điều bất ngờ trên báo cáo tài chính được công bố là dù doanh thu đạt gần 29.238 tỷ đồng nhưng lỗ sau thuế hợp nhất quý IV của BSR lại lên tới 1.026,8 tỷ đồng. 

Lỗ hơn nghìn tỷ trong quý IV.2018

Cụ thể, doanh thu thuần đạt 29.238 tỷ đồng, tuy nhiên giá vốn hàng bán lên tới 30.069 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp 831 tỷ đồng. Việc kinh doanh dưới giá vốn của Lọc hoá dầu Bình Sơn chủ yếu đến từ 2 sản phẩm Mogas 95 và Mogas 92.

Doanh thu tài chính quý IV.2018 đạt 205 tỷ đồng, chủ yếu là lãi tiền gửi, trong khi chi phí tài chính chiếm 135 tỷ đồng (riêng lãi vay 105 tỷ đồng). Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm lần lượt 197 tỷ đồng và 118 tỷ đồng.

Kết quả, Lọc hoá dầu Bình Sơn ghi nhận khoản lỗ kỷ lục lên tới 1.027 tỷ đồng trong quý IV.2018, trong đó phần lỗ thuộc về công ty mẹ là 1.010 tỷ đồng.

img 

Lũy kế từ thời điểm chuyển thành CTCP là 1.7 đến 31.12, BSR đạt doanh thu 56.058 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ 150 tỷ đồng. EPS tương ứng cả năm đạt 59 đồng.

Tính đến 31.12.2018, tổng giá trị tài sản của Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt 51.653 tỷ đồng; giá trị tiền và tương đương tiền cuối kỳ còn lại 5.765 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính cũng cho thấy, nợ phải trả cuối kỳ của công ty này cũng lên tới 20.350 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị nợ vay ngắn dài hạn 10.137 tỷ đồng, chiếm 1/5 tổng cơ cấu nguồn vốn công ty.

img

 Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2018 của BSR là âm 346 tỷ đồng

Tính đến cuối kỳ, BSR có 7.668 tỷ đồng hàng tồn kho, giảm 16% so với đầu kỳ (30.6.2018). Tiền mặt có 922 tỷ đồng trong khi tương đương tiền (tiền gửi có kỳ hạn gốc không quá 6 tháng tại các ngân hàng thương mại) là 4.843 tỷ đồng, giảm một nửa so với đầu kỳ.

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2018 là âm 346 tỷ đồng trên vốn điều lệ 31.303 tỷ đồng.

Trước đó, trong năm 2017, lọc hoá dầu Bình Sơn ghi nhận doanh thu hợp nhất 81.333 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7.673 tỷ đồng, tăng lần lượt 10,4% và 73% so với cùng kỳ năm liền trước.

Dàn cựu lãnh đạo BSR sắp hầu tòa

Trong 1 diễn biến khác, ngày 21.1 tới đây, TAND Hà Nội sẽ đưa 4 cựu lãnh đạo của công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) ra xét xử về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản. Đây là số tiền lãi hàng tỷ đồng ngoài hợp đồng nhận được từ Oceanbank.

Các bị cáo trong vụ án này gồm: Vũ Mạnh Tùng (SN 1974, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty BSR); Nguyễn Hoài Giang (SN 1968, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty BSR); Phạm Xuân Quang (SN 1980, nguyên Kế toán trưởng Công ty BSR) và Đinh Văn Ngọc (SN 1973, nguyên Tổng Giám đốc Công ty BSR).

Theo cáo trạng truy tố, trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2014, thực hiện chỉ đạo của ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) về việc ưu tiên sử dụng dịch vụ của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), là ngân hàng mà PVN góp 20% vốn điều lệ, Công ty BSR đã gửi tiền có kỳ hạn và không kỳ hạn tại OceanBank Chi nhánh Quảng Ngãi.

img 

Từ trái qua: Vũ Mạnh Tùng, Phạm Xuân Quang và Đinh Văn Ngọc. Ảnh: Việt Hùng.

Trong 2 năm 2013 - 2014, Vũ Mạnh Tùng, Nguyễn Hoài Giang, Phạm Xuân Quang và Đinh Văn Ngọc đã quyết định việc gửi tiền của Công ty BSR vào OceanBank và được Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) chi tiền lãi ngoài hợp đồng với số tiền lớn cho các cá nhân.

Cụ thể, Vũ Mạnh Tùng đã nhận và chiếm đoạt 2,9 tỷ đồng và 40.000 USD; Nguyễn Hoài Giang đã nhận và chiếm đoạt 2,9 tỷ đồng; Phạm Xuân Quang đã nhận và chiếm đoạt 1,8 tỷ đồng và 20.000 USD; Đinh Văn Ngọc đã nhận và chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng.

Các bị cáo đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận và chiếm đoạt tiền lãi suất ngoài hợp đồng thông qua việc Công ty BSR gửi tiền tại OceanBank.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác định, hành vi của các bị cáo đủ căn cứ kết luận phạm vào tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo định tại Điều 280 - BLHS năm 1999. Tuy nhiên căn cứ theo Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự (BLHS) theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo, các cơ quan tố tụng đã quyết định khởi tố, truy tố 4 bị cáo trong vụ án này theo Điều 355 BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Nhận hàng chục tỷ tiền lãi từ Oceanbank, 4 cựu lãnh đạo chủ chốt của Lọc hóa dầu Bình Sơn đối mặt mức án từ 20 năm tù đến chung thân.

Tại phiên xử sơ thẩm đại án Oceanbank hồi tháng 9.2017, bị cáo Nguyễn Minh Thu khai đã trực tiếp chi "chăm sóc" cho 3 khách hàng lớn, trong đó có Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn với số tiền gần 19 tỷ đồng.

Đối chất tại tòa, nhóm nguyên lãnh đạo Công ty BSR khẳng định không nhận tiền chi lãi ngoài từ Oceanbank. Nguyên Chủ tịch Nguyễn Hoài Giang cho rằng lời khai của bà Thu là một chiều. Còn Đinh Văn Ngọc khẳng định lời khai đó là bịa đặt, vu khống.

Tháng 4.2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Vũ Mạnh Tùng. Một tháng sau, cơ quan điều tra tiếp tục bắt giam ông Nguyễn Hoài Giang và Phạm Xuân Quang. Còn nguyên Tổng giám đốc Đinh Văn Ngọc bị khởi tố, bắt tạm giam vào 21.6.2018

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem