Lợi nhuận Techcombank của ông Hồ Hùng Anh vượt mặt "ông lớn" chiếm vị trí á quân

Quốc Hải Thứ năm, ngày 17/01/2019 14:00 PM (GMT+7)
Liên tiếp 3 năm liền giữ vị trí quán quân về lợi nhuận (từ 2012 - 2014), 3 năm sau đó giữ vị trí á quân (từ 2015 - 2017), nhưng kết thúc năm 2018, “ông lớn” VietinBank (HoSE: CTG) lại rớt khỏi 5 vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng lợi nhuận. Trong khi đó, Techcombank của ông Hồ Hùng Anh vượt mặt vươn lên vị trí á quân về lợi nhuận.
Bình luận 0

img

Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2018 có sự "xáo trộn" mạnh mẽ về thứ hạng (Ảnh: IT)

Đáng nói, vị trí quán quân này có thể sẽ lần đầu tiên thuộc về một ngân hàng tư nhân Việt Nam là Techcombank (HoSE: TCB).

“Thứ hạng” về lợi nhuận được… lập lại

Theo thống kê về lợi nhuận năm 2018 của các ngân hàng đã công bố đến thời điểm hiện tại, Vietcombank sẽ vẫn giữ được “phong độ” ở vị trí quán quân với lợi nhuận trước thuế hơn 18.356 tỷ đồng, vượt 41,2% kế hoạch đề ra năm 2018 và bỏ xa các ngân hàng khác, kể cả các ngân hàng thuộc nhóm “BIG 4” từ trước đến nay như: VietinBank, BIDV và Agribank.

Tuy nhiên, thứ hạng bảng xếp hạng năm nay về lợi nhuận ngành ngân hàng lại càng bất ngờ khi một ngân hàng tư nhân là Techcombank của ông Hồ Hùng Anh bất ngờ vươn lên vị trí á quân khi dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng; đẩy lùi “á quân” năm 2017 là VietinBank khỏi vị trí 5 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất. Đây cũng là điều dự đoán được khi Techcombank trong năm 2018 đã tăng vốn điều lệ gấp 3 lần, lên gần 35.000 tỷ đồng, hiện chỉ đứng sau VietinBank, Vietcombank và còn đứng trước cả BIDV và Agribank. 

Giữ vị trí thứ 3 và thứ 4 về lợi nhuận trước thuế đến thời điểm hiện tại là BIDV và Agribank với các con số lần lượt là 9.625 tỷ đồng (vượt 3,5% kế hoạch) và 7.525 tỷ đồng (vượt 36,8% kế hoạch).

Ở vị trí thứ 5 là MBBank (ngân hàng mẹ) khi con số lợi nhuận trước thuế là 7.000 tỷ đồng, vượt 7,7% kế hoạch năm 2018.

Trong khi đó, “ông lớn” VietinBank… có thể sẽ giữ vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng. Nói là “có thể” vì thực tế còn một ngân hàng có triển vọng sẽ lọt 3 top đầu trong danh sách là VPBank vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2018. Thế nhưng, theo kế hoạch kinh doanh tham vọng trước đây mà VPBank công bố (dự kiến đạt 10.800 tỷ đồng) và nếu VPBank đạt kế hoạch này, vị trí bảng xếp hạng sẽ tiếp tục phải được xếp lại.

img

Năm 2019, lợi nhuận ngành ngân hàng có thể sẽ chững lại (Ảnh: Quốc Hải)

Giữ vị trí thứ 7 hiện tại là HDBank, thông tin từ ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc HDBank, trong năm 2018 nhà băng này đạt tổng lợi nhuận trước thuế 3.972 tỷ đồng, tăng trưởng 64% so với năm trước đó. Trong đó riêng thu ngoài lãi đạt 1.800 tỉ đồng, tăng trưởng 55%.

Ở nhóm những ngân hàng có quy mô thấp hơn, VIB đang tạm dẫn đầu khi báo lãi 2.741 tỷ đồng, tiếp tục tăng gấp đôi so với năm trước đó. Mức lợi nhuận này cũng vượt 37% so với kế hoạch.

Đứng sau VIB là TPBank (2.258 tỷ đồng, vượt 2,6% kế hoạch) và Sacombank (2.200 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch), tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong khi đó, SHB đạt trên 2.050 tỷ đồng và Maritime Bank cũng ước tính lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng, gấp nhiều lần năm trước nhờ một số khoản thu bất thường…

Có còn dư địa tăng trưởng năm 2019?

Đánh giá về lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2018, Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, chuyên gia tài chính ngân hàng, chia sẻ: “Một trong những lý do khiến lợi nhuận ngân hàng gia tăng đột biến là do hoạt động đầu tư bất động sản sôi động của nửa đầu năm 2018, cùng với đó là đầu tư tư nhân hay các hoạt động cho vay tiêu dùng khác gia tăng. Con số lợi nhuận “khủng” là những tín hiệu đáng mừng của ngành ngân hàng trong năm 2018, nó không chỉ thể hiện sự phát triển tốt của nền kinh tế đất nước mà còn thể hiện sự bứt phá trong hoạt động của các ngân hàng, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, hạn mức tín dụng năm 2018 chỉ có 14%, cho thấy hiệu quả cho vay cao hơn năm trước”.

Tuy nhiên, ông Tín cũng lưu ý, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2018 mặc dù đạt mức cao, nhưng bước sang năm 2019 sẽ gặp nhiều rào cản hơn khi tăng trưởng tín dụng bị siết lại, trong khi áp lực đáp ứng tiêu chuẩn Basel II ngày một lớn. Để gia tăng nguồn thu, các ngân hàng sẽ phải đẩy mạnh phát triển hoạt động dịch vụ, bancassurance… song khó kỳ vọng tăng mạnh trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Kinh doanh Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, thì tỏ ra khá lạc quan cho việc đầu tư cổ phiếu ngân hàng năm 2019.

Theo ông Phương, dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng năm 2019 sẽ tiếp tục duy trì ở mức 14%, đi kèm với đó là kiểm soát chất lượng tín dụng và đây là định hướng dài hạn của Ngân hàng Nhà nước với sự thận trọng hơn trong việc tiếp cận tín dụng và nâng chuẩn ngân hàng để đáp ứng Basel II. Thế nên, chính sách thắt chặt tín dụng này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng trong năm tới.

“Tuy nhiên, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng trong năm 2019 thì nhóm VN30 chắc chắn sẽ thu hút giới đầu tư, nhất là đầu tư từ khối ngoại. Một lưu ý khác, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nếu có xuống thang thì kinh doanh, tài chính sẽ tiếp tục phát triển và dự báo ngành ngân hàng sẽ là điểm sáng trong năm 2019”, ông Phương, dự báo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem