Long An: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nở rộ

Trần Cửu Long Thứ sáu, ngày 01/07/2022 09:00 AM (GMT+7)
Xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) là “chìa khóa” để thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao giá trị và giải quyết đầu ra cho nông sản, tỉnh Long An đang có kế hoạch mở rộng diện tích NNƯDCNC.
Bình luận 0

Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, tính đến cuối năm 2021, tỉnh có diện tích lúa ƯDCNC là 6.640ha, rau là 1.732ha, cây chanh là 1.524ha và tôm là 10ha,...

Thay đổi tập quán sản xuất

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước) Kiều Anh Dũng cho biết, trước đây nông dân sản xuất rau chủ yếu theo phương pháp truyền thống, canh tác các giống rau màu có năng suất và chất lượng thấp. Nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, những năm gần đây, HTX đã mở rộng quy mô sản xuất và phát triển thêm rau hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đối với các diện tích rau hữu cơ, toàn bộ các giai đoạn từ gieo hạt đến thu hoạch đều được kiểm soát một cách chặt chẽ và khép kín nhằm bảo đảm giá trị dinh dưỡng và năng suất tối ưu. "Với phương châm sản xuất rau hữu cơ an toàn, HTX không sử dụng các loại phân bón, thuốc hóa học mà sử dụng phân vi sinh, thuốc phòng trừ sâu, bệnh hại có nguồn gốc hữu cơ, an toàn cho cây trồng và người sử dụng", ông Dũng cho biết.

Long An: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nở rộ - Ảnh 1.

Anh Phùng Văn Hội (xã Thạnh Lợi, Bến Lức) và vườn chanh ƯDCNC. Ảnh: Trần Đáng

Tại huyện Bến Lức, vùng chuyên canh cây chanh với diện tích gần 7.200 ha, cũng đang quyết định mở rộng diện tích chanh ƯDCNC. Hiện, huyện Bến Lức có 1.525 ha chanh ƯDCNC sản xuất theo hướng GAP. Huyện đang thực hiện chương trình ƯDCNC đối với cây chanh không hạt giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn 3 xã, gồm: Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Bình Đức với diện tích 1.500ha, kinh phí xây dựng là 5.610 triệu đồng để hỗ trợ cho các nhiệm vụ, gồm: Tập huấn ngắn hạn; dạy nghề nông thôn; cây chanh giống; Hệ thống tưới; Mô hình phòng trừ tổng hợp…

Ông Lê Văn Nam, Trưởng phòng NNPTNT huyện Bến Lức nhận định, những năm triển khai chương trình nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu nông nghiệp trên cây chanh đã làm thay đổi lớn tập quán làm nông nghiệp truyền thống cảu nông dân. "Đã có nhiều thay đổi, như bà con nông dân tiếp cận sản xuất an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất tiêu chuẩn GAP… mà trước đó chưa được tiếp cận", ông Nam chia sẻ.

Cũng như ở huyện Bến Lức, những năm gần đây, huyện Cần Giuộc tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ƯDCNC, bền vững, an toàn thực phẩm; phát triển vùng trồng rau ƯDCNC theo quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Đến nay, toàn huyện có trên 1.700ha rau, trong đó có trên 1.130ha rau ƯDCNC.

Trưởng phòng NNPTNT huyện Cần Giuộc Ngô Bảo Quốc cho biết, ngoài khuyến khích xây dựng các mô hình trồng rau ƯDCNC toàn phần, khép kín, huyện còn vận động nông dân, HTX áp dụng công nghệ từng phần như tưới tiết kiệm, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu, bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm giúp người dân tiếp cận và hiểu được lợi ích của việc ƯDCNC vào sản xuất rau. Qua đó, giúp phát triển diện tích sản xuất rau ƯDCNC và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Đẩy mạnh Chương trình nông nghiệp ƯDCNC

Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, thời gian tới, để mở rộng diện tích NNƯDCNC, Sở tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất nông nghiệp ƯDCNC; tập trung nguồn kinh phí khuyến nông để hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình tiến bộ kỹ thuật mới. Đồng thời, Sở sẽ kết nối và khuyến khích doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác liên kết xây dựng các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đầu tư xây dựng cơ sở chế biến rau tại địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân.

Long An: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nở rộ - Ảnh 2.

Tại xã Long Trì (huyện Châu Thành) ông Lê Văn Chín Nhỏ đang trồng thanh long hữu cơ ruột đỏ với 1.900 trụ. Ảnh: Trần Đáng

Năm 2022, tỉnh phấn đấu xây dựng vùng ƯDCNC trên cây lúa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, với diện tích 1.400ha; xây dựng 26 mô hình điểm, với diện tích 1.300ha; tiếp tục duy trì mô hình đã triển khai, thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 với 115 mô hình.

Cụ thể, trên cây rau xây dựng 2 mô hình điểm, xây dựng 12 mô hình ƯDCNC, tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình giai đoạn 2016-2020. Cây thanh long xây dựng vùng nông nghiệp ƯDCNC đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu, xây dựng 12 mô hình điểm, tiếp tục nhân rộng diện tích thanh long ƯDCNC và duy trì 7 mô hình. Cây chanh xây dựng vùng sản xuất ƯDCNC tại huyện Bến Lức; xây dựng 15 mô hình điểm, nhân rộng 22 mô hình chanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Xây dựng 3 mô hình điểm chăn nuôi bò thịt ƯDCNC tại huyện Đức Huệ, Thủ Thừa và Tân Trụ; nhân rộng 2 mô hình hỗ trợ người chăn nuôi ứng dụng công nghệ giống bò thịt chất lượng cao; hỗ trợ 6.777 con bò cái được gieo tinh nhân tạo, với các giống bò chất lượng. Con tôm hỗ trợ 29 mô hình nuôi tôm nước lợ ƯDCNC. tổ chức 1 chuyến tham quan các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao hiệu quả,...

Theo Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền , mục tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh là sớm quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh thâm canh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học, CNC.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem