Long An: Vì sao ngành chức năng phải ráo riết cấp vốn cho "2 con xóa nghèo, làm giàu" này?

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 02/10/2021 07:01 AM (GMT+7)
Nông dân nuôi bò, nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Long An đang bị ảnh hưởng lớn, bởi dịch Covid-19. Tỉnh Long An đang ráo riết hỗ trợ vốn cho nông dân tái sản xuất.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Văn Ninh (xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), nông dân nuôi bò công nghệ cao than thở, từ khi dịch Covid-19 bùng phát không còn thấy thương lái đến mua bò.

Long An: Vì sao phải ráo riết cấp vốn cho hai con xóa đói, làm giàu này?  - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Đê (xã Tân Phước Tây, Tân Trụ) kiểm tra tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao. Ảnh. Trần Đáng.

Tôm, bò công nghệ cao gặp khó

Ông Ninh hiện nuôi 24 con bò theo hướng công nghệ cao. Trong đó, có 15 con bò cái.

Ông Ninh cũng là Chủ tịch HTX Tân Hòa, chuyên nuôi bò công nghệ cao. Hiện, HTX có 32 thành viên, nuôi gần 200 con bò. Trong đó, có hơn 100 con bò sinh sản.

Theo ông Ninh, mỗi năm đàn bò cái của ông sinh được khoảng 15 con bò bê.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, ông Ninh đã bán được một số con bê với giá bình quân 20 triệu đồng/con.

"Nhưng, từ khi dịch bùng phát không còn thấy thương lái đến mua bê nữa. Không bán được bê, tôi bị động tiền mua thức ăn cho đàn bò. Trong khi đó, thức ăn cho bò lại tăng cao", ông Ninh chia sẻ.

Cũng theo ông Ninh, không chỉ ông mà các thành viên nuôi bò của HTX cũng không ai bán được bê.

Một số thành viên phải cho bò ăn hạn chế thức ăn do đồng vốn hạn chế.

Tại xã xã Tân Phước Tây (huyện Tân Trụ) ông Trần Văn Đê, một nông dân nuôi tôm công nghệ cao cũng than ngắn, thở dài.

Theo ông Đê, vụ tôm vừa rồi trúng sản lượng, nhưng giá tôm sụt giảm thê thảm do dịch Covid-19.

"Trung bình, mỗi kg tôm tôi mất vài chục ngàn đồng so với lúc giá bình thường", ông Đê thổ lộ.

Hiện, ông Đê đang nuôi tôm 2 giai đoạn, với 1 ao nổi và 2 ao nuôi.

Long An: Vì sao phải ráo riết cấp vốn cho hai con xóa đói, làm giàu này?  - Ảnh 3.

Một trại nuôi bò ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Qúy Tây (Đức Huệ). Ảnh. Trần Đáng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An Châu Thị Lệ cho biết, vụ tôm vừa qua,  tỉnh Long An có khoảng 800 tấn tôm khó tiêu thụ được.

Số lượng tôm này tập trung tại các vùng nuôi tôm ở các huyện, như: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Hưng, Tân Trụ.

Hiện, tại các vùng nuôi tôm chủ lực của tỉnh Long An, đang có tình trạng nông dân hạn chế thả tôm giống do lo ngại tôm không bán được, giá thấp.

Bơm vốn hỗ trợ nông dân làm công nghệ cao

Tỉnh Long An vừa ban hành quy định mới về chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò thịt.

 Theo quy định này, mức hỗ trợ một lần 70% tổng chi phí mua giống, vật tư, thiết bị công nghệ cao… để xây dựng mô hình điểm công nghệ cao nuôi bò thịt, mức hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng/mô hình…

Đồng thời, hỗ trợ 100% kinh phí thụ tinh nhân tạo/lần phối giống tinh bò chất lượng cao, mức hỗ trợ tối đa không quá 120.000 đồng/lần phối giống.

Với nuôi tôm công nghệ cao, tỉnh Long An cũng vừa ban hành quy định chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, mức hỗ trợ một lần 50% tổng kinh phí thực hiện mô hình điểm nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng/mô hình.

Long An: Vì sao phải ráo riết cấp vốn cho hai con xóa đói, làm giàu này?  - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Nhiều - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Huệ, thăm trại nuôi bò công nghệ cao của ông Nguyễn Văn Ninh. Ảnh. Trần Đáng.

Hỗ trợ một lần 30% tổng kinh phí thực hiện mô hình nhân rộng, nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/mô hình.

Phó Giám đốc  Sở NNPTNT tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện cho biết, việc hộ trợ vốn này nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem