"Lòng tôi luôn đau đáu về Hoàng Sa, Trường Sa"

Huỳnh Dũng Nhân (thực hiện ) Thứ bảy, ngày 06/02/2021 06:30 AM (GMT+7)
Đó là trăn trở của ông Đặng Ngọc Tùng - Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao Động Việt Nam khi hướng về Hoàng Sa, Trường Sa vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Bình luận 0

Thưa ông, mỗi dịp Tết đến, Xuân về chúng ta thường hay hoài niệm về những gì đã trải qua. Những cột mốc và dấu ấn nào trong quá trình sinh sống và làm việc khiến ông không thể nào quên?

-Tôi sinh ra ở miền quê nghèo của tỉnh Quảng Ngãi, cha đi tập kết năm 1954, mẹ là Đảng viên thường xuyên bị địch bắt, tra tấn nên ốm đau luôn. Tôi phải sớm bước vào đời bằng đủ ngành nghề từ bán vé số, gánh mắm thuê dưới bến tàu Phú Thọ, tá túc phụ bán cơm trong quán cơm xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến lưu lạc vào Sài Gòn tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn, tham gia nhóm "lên đường" của sinh viên Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ (sau giải phóng đổi tên là Đại học Bách khoa). Năm 1973, tôi đi làm công nhân khảo sát trắc địa. Năm 1974, tôi bị bắt trong 1 lần tham gia biểu tình và bị đưa ra Tòa án Sài Gòn, bị tuyên 4 tháng tù treo.

"Lòng tôi luôn đau đáu về Hoàng Sa, Trường Sa" - Ảnh 1.

Ông Đặng Ngọc Tùng - Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao Động Việt Nam.

Năm 1975 tôi tiếp tục làm công nhân khảo sát đo đạc tại Công ty xây dựng số 3 thuộc sở xây dựng TP Hồ Chí Minh. Từ đây tôi bắt đầu hoạt động công đoàn, làm tổ trưởng công đoàn, thư ký công đoàn bộ phận, thư ký công đoàn công ty (nay là chủ tịch công đoàn cơ sở). Được đề bạt làm phó trưởng ban, rồi trưởng ban, rồi phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM , Phó Chủ tịch Thường trực, rồi Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM. 

Năm 2003, tôi trúng cử Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau đó là Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Được bầu làm đại biểu Quốc hội 4 khóa ( khóa X,XI,XII,XIII), Ủy viên BCH TW Đảng 2 khóa X,XI, và làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 3 nhiệm kỳ. Đến tháng 10/2016 tôi được nghỉ hưu và trở về sinh sống cùng gia đình, vợ con tại TP Hồ Chí Minh.

Là người gắn bó gần như cả sự nghiệp với người lao động, những sự kiện, vấn đề nào đến nay vẫn còn khiến ông ghi nhớ và trăn trở nhất?

Những vấn đề về độ tuổi lao động và độ tuổi nghỉ hưu của người lao động, vấn đề quyền lợi đoàn viên công đoàn, vai trò của lãnh đạo công đoàn của các tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, vấn đề làm chủ tập thể của công nhân đoàn viên công đoàn khi mà người công nhân đang làm thuê cho các tập đoàn công ty có vốn nước ngoài... tôi rất quan tâm và mong muốn có những quyết định phù hợp, mang lại quyền lợi tốt nhất cho người lao động.

Vừa rồi Quốc hội đã quyết định tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Điều này khiến tôi rất trăn trở. Bởi quyết định này chỉ phù hợp với một số đối tượng chứ chưa phù hợp với tuyệt đại đa số người lao động, nhất là lao động nữ trong các khu công nghiệp, nhà máy, nữ công nhân cạo mủ cao su, thủy sản, hầm lò… Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải tính đến làm sao để bảo vệ được hiệu quả quyền và lợi ích của người lao động, nhất là người lao động yếu thế đang ngày đêm làm việc trong các nhà máy xí nghiệp, công ty…của người nước ngoài.

"Lòng tôi luôn đau đáu về Hoàng Sa, Trường Sa" - Ảnh 3.

Rất nhiều thứ tôi quan tâm, song những vấn đề liên quan đến biển Đông luôn khiến tôi trăn trở, nhất là khi Trung Quốc ngày càng có những hành động ngang ngược ngay trên ngư trường truyền thống của tổ tiên chúng ta để lại là Hoàng Sa, Trường Sa. Chúng tôi đã thành lập nghiệp đoàn nghề cá, phát động chương trình "Tấm lưới nghĩa tình" gây quỹ giúp cho ngư dân khi đánh bắt cá ở Hoàng Sa, Trường Sa bị cướp phá, đâm chìm, thu giữ ngư cụ, tài sản,… có tiền mua sắm, sữa chữa lại tàu thuyền, ngư cụ để tiếp tục ra khơi bám biển, bám ngư trường truyền thống, góp phần giữ gìn biển đảo quê hương.

Cùng với đó, chúng tôi đã tổ chức cuộc vận động "Nghĩa tình Hoàng sa, Trường sa" giúp đỡ cho thân nhân của những gia đình có người chết ở trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, và trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 chống lại quân xâm lược lấn chiếm biển đảo của Tổ quốc thân yêu. "Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạcma" tại huyện Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa cũng đã được xây dựng. Ngày 17/01/2016, Tổng Liên đoàn cũng đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng "khu tưởng niệm Nghĩa sỹ Hoàng sa" tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nhân kỷ niệm 42 năm ngày Trung Quốc xua quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ở sự kiện này, chúng tôi đã tổ chức cuộc thi toàn quốc để tuyển chọn được đồ án "Người mẹ thắp lửa" và vận động được khoản tiền 140 tỷ đồng. Công trình hiện vẫn đang được tiếp tục thực hiện.

Tôi làm Chủ tịch HĐQT của Trường Đại học Tôn Đức Thắng từ lúc mới thành lập còn nhiều khó khăn (từ năm 1988 đến cuối năm 2003) và theo dõi chỉ đạo từ năm 2004-2014, làm Chủ tịch Hội đồng Trường từ năm 2014 đến tháng 10/2016. Nhận quyết định nghỉ hưu chưa được bao lâu, tháng 4/2017 tôi được mời làm cố vấn cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng. 

Thời gian gắn bó và cống hiến đối với sự phát triển của Trường khá dài nên tôi cảm thấy buồn khi xảy ra vụ lùm xùm gần đây, làm giảm uy tín của trường và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tôi có viết nhiều bài trả lời báo Lao Động về vấn đề của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Đón Tết Nguyên đán năm nay sẽ có nhiều điểm khác biệt so với những năm trước bởi tình tình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước. Là người con của mảnh đất Quảng Ngãi, ông có điều mong muốn gì trong năm mới cho quê hương và cũng như cho mọi người dân trên mảnh đất hình chữ S này?

-Là một người con của quê hương Quảng Ngãi, tuy sống xa quê nhưng tâm trí tôi lúc nào cũng hướng về quê hương thân thương nghèo khó của tôi. Mỗi khi nghe thông tin bão lụt đổ dồn vào khu vực miền Trung tim tôi đau nhói, thương lắm dân nghèo quê tôi.

Khi còn đi học tại Sài Gòn, thời trước giải phóng, cứ mỗi lần bão lụt miền Trung là sinh viên chúng tôi lại tổ chức các cuộc vận động quyên góp giúp đỡ đồng bào. Chúng tôi ôm thùng đứng xin quyên góp ở các bến xe, các chợ...để có tiền mua quà gửi về đồng bào miền Trung.

Sau này khi đi làm, với cương vị công tác của mình, tôi vẫn luôn có những hoạt động cụ thể để giúp cho đồng bào nghèo ở quê hương. Tôi đã có những chuyến đi đáng nhớ về giúp đồng bào nghèo các huyện miền núi như Sơn Tây, Tây Trà, Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng.... trao quà, trao xe đạp cho các cháu, hoặc xây dựng trường học. Đáng nhớ nhất vẫn là những chuyến đi của tôi về đảo Lý Sơn, xây dựng trường mẫu giáo, khánh thành việc kéo điện lưới quốc gia về đảo Lý Sơn. Hay chuyến tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm ngư dân, đặc biệt là chuyến đi có Chủ tịch nước để khảo sát tìm địa điểm tốt nhất xây dựng các công trình có chủ đề hướng về biển đảo.

Từ khi về nghỉ hưu đến nay, tôi có thời gian về thăm quê hương Quảng Ngãi nhiều hơn. Tôi vui khi thấy quê hương mình nói riêng và các tỉnh miền Trung có những khởi sắc rất đáng tự hào.

Năm qua thực sự là một năm đáng nhớ của nước ta. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, mặc dù chúng ta đã cơ bản kiểm soát được nhưng hệ lụy nó mang lại cho nền kinh tế là không hề nhỏ. Tôi mong sang năm mới Tân Sửu 2021 này, quê hương Quảng Ngãi nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung sẽ vững vàng vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả phát triển ấn tượng. Tôi tin các lãnh đạo trẻ của tỉnh nhà cũng như các tỉnh, thành trong cả nước đủ tài năng và bản lĩnh để đưa quê hương, đất nước phát triển lên một tầm cao mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem