Làng ráp lú nổi tiếng ở Cà Mau, bán chạy nhất là vào mùa cá đồng miền Tây

Chúc Ly Thứ sáu, ngày 27/05/2022 06:00 AM (GMT+7)
Không cần bỏ vốn, tận dụng thời gian rảnh rỗi, hàng trăm lao động nông thôn ở xã Phú Hưng (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) vẫn có nguồn thu khá ổn định từ nghề ráp lú. Sản phẩm lú ráp từ làng này bán chạy nhất vào mùa rộ cá đồng miền Tây.
Bình luận 0

Làng ráp lú tạo việc làm cho hàng trăm lao động 

Vài năm trở lại đây, nghề ráp lú (một dụng cụ khai thác thủy sản, đánh bắt cá đồng) đã trở thành thương hiệu ở xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Từ những cơ sở làm nghề nhỏ lẻ những năm trước, giờ đã có hàng chục cơ sở chuyên ráp lú, làm rập cua, lưới…

Bà Nguyễn Thị Liễm (ngụ ấp Lộ Xe, xã Phú Hưng), chia sẻ: "Tôi theo nghề ráp lú này khoảng 3, 4 năm nay. Tùy theo loại lú mà chủ cơ sở sẽ trả công tương xứng. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, trung bình mỗi tháng tôi kiếm thêm từ 3-4 triệu đồng/tháng".

Cơ sở làm lú, lưới ở xã Phú Hưng sẽ cung cấp lưới, khung và nguyên liệu cho các chị em tại địa phương gia công tại nhà. Nhiều chị em làm gia công ráp lú cho các cơ sở cho biết, việc ráp lú, lưới không đòi hỏi kỹ thuật quá cao. Bên cạnh đó, công việc khá nhẹ nhàng, có thể tranh thủ lúc nông nhàn hay rảnh rỗi để làm. Nhờ đó, các chị có thời gian chăm sóc gia đình, lo cho con cái.

Clip: Làng ráp lú nổi tiếng ở ấp Lộ Xe, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Lú là dụng cụ bắt cá đồng phổ biến ở tỉnh Cà Mau và các tỉnh miền Tây.

"Kỹ thuật ráp lú đã có các cơ sở hướng dẫn ngay từ đầu nên chúng tôi không lo lắng. Một số chị em trong xóm cũng tự dạy nhau cách ráp nên cũng rất thuận lợi", chị Liễm cho hay.

Làng ráp lú nổi tiếng ở Cà Mau giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động - Ảnh 3.

Công việc gia công ráp lú tại nhà giúp nhiều chị em ở xã Phú Hưng có nguồn thu nhập đáng kể. Ảnh: Chúc Ly.

Trong khi đó, bà Trần Thị Út (ngụ cùng ấp Lộ Xe) cho biết: "Nhà chỉ có hai mẹ con nên thu nhập chính phải trông cậy vào miếng vuông. Từ khi nhận công việc gia công lú cuộc sống gia đình đỡ phần vất vả. Tuy không nhập mỗi tháng không lớn nhưng là khoản tiền cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày".

Hiện trên địa bàn xã Phú Hưng có 2 tổ hợp tác ráp lú ở ấp Tân Ánh và ấp Lộ Xe, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động ở nhiều độ tuổi.

Sản phẩm từ làng ráp lú nổi tiếng khắp nơi

Hiện nay, đầu ra sản phẩm lú, lưới, rập cua…của xã Phú Hưng tương đối ổn định. Các sản phẩm này không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh Cà Mau mà còn cung cấp đến các tỉnh lân cận như Kiên Giang, Bạc Liêu…Lú ráp ở Cà Mau đã giúp nông dân khắp các tỉnh miền Tây đánh bắt cá đồng.

Làng ráp lú nổi tiếng ở Cà Mau giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động - Ảnh 4.

Tận dụng thời gian rảnh bà Trần Thị Út kiếm từ 2-3 triệu đồng/tháng từ nghề ráp lú. Ảnh: Chúc Ly.

Làng ráp lú nổi tiếng ở Cà Mau giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động - Ảnh 5.

Chị Bà Nguyễn Thị Liễm (ngụ ấp Lộ Xe, xã Phú Hưng) cho hay, công việc của chị em ở làng ráp lú khá nhẹ nhàng, không đòi hỏi kỹ thuật quá cao. Ảnh: Chúc Ly.

Tại những cơ sở này, vào những tháng khách hàng có nhu cầu lớn, phải thuê thêm nhiều nhân công làm tại cơ sở nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu. Mỗi lao động làm việc tại các cơ sở có thu nhập trung bình từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Bà Trần Thị Lẹ, chủ một cơ sở kinh doanh lú, lưới ở xã Phú Hưng, cho hay: "Ban đầu cơ sở của tôi chỉ làm một số sản phẩm nhỏ lẻ. Dần dần sản phẩm của địa phương nhận được sự tin tưởng của khách hàng nên gia đình tôi mạnh dạn mở rộng. Hiện nay, gia đình đã có hai cơ sở kinh doanh lú, lưới, rập cua, với gần 40 hộ nhận gia công tại nhà và hàng chục lao động làm tại cơ sở".

Làng ráp lú nổi tiếng ở Cà Mau giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động - Ảnh 6.

Nhiều nhân công làm việc tại các cơ sở có thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng. Ảnh: Chúc Ly.

Cũng theo bà Lẹ, các sản phẩm lú, lưới bán chạy nhất là vào khoảng tháng 8 âm lịch đến gần Tết. Thời điểm này cơ sở của bà phải làm đêm làm ngày để kịp giao cho khách hàng. Sau nhiều năm gắn bó và tạo dựng được thương hiệu từ các sản phẩm chất lượng, hiện cơ sở của bà Lẹ không còn lo về đầu ra.

Anh Nguyễn Minh Luân – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hưng (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), thông tin: "Nghề ráp lú ở đây đã hình thành gần chục năm và phát triển khoảng 5 năm nay. Các sản phẩm của làng nghề cũng khá đa dạng và có chất lượng đồng đều. Trong tương lai, sản phẩm lú, lưới của xã Phú Hưng được kỳ vọng sẽ là sản phẩm chủ lực của xã, ngày càng tạo thêm thu nhập, việc làm ổn định cho nhiều lao động. Miền Tây còn cá đồng, dân xã Phú Hưng còn làm nghề ráp lú".

Lú là một trong những ngư đánh bắt cá đồng phổ biến ở miền Tây

Lú là một túi hình phễu, chiều dài tầm 3 mét. Nguyên vật liệu chính để làm nên một cái lú gồm ni long hoặc lưới gân và vành nhựa.

Lú được làm thành bởi nhiều vành hình tròn làm khung kéo dài từ đầu đến đuôi. Lú thường có 1 đến 2 hom.

Hom lú được làm từ lưới để khi cá tôm vào thì không ra được. Vành lú thì nhỏ dần từ đầu đến đuôi, riêng miệng và đuôi thì không có vành. Miệng lú được cột bằng dây cỡ lớn. Khi đặt, miệng lũ được kéo thật thẳng xuống đáy kênh, mương, ao, hồ, đầm.

Hai bên miệng lú được cột cố định vào 2 cây đước hoặc mắm được cắm thẳng ở hai bên. Phần đuôi được cột lại sau khi đặt có thể mở ra để thu hoạch.

Khi đặt, miệng lú phải nằm ngược dòng nước để tôm cá bơi vào. Nếu đặt lú trong ao, hồ, đầm thì đặt hướng nào cũng được. Khi thu hoạch, người ta kéo đuôi lú mở dây rồi đổ cá tôm vào thùng, sau đó cột lại rồi thả xuống và tiếp tục đặt.

Vì tính đơn giản của Lú và hiệu quả của nó mà Lú là một trong những dụng cụ đánh bắt tôm cá miền tây được sử dụng nhiều nhất.

Đặt lú bắt cá tôm ở Cà Mau

Đặt lú trong ao đầm nuôi tôm ở Cà Mau có thể đặt được quanh năm, suốt tháng nhưng người dân miệt Cà Mau thường đặt lú vào những con nước rong (thời điểm rằm và 30 âm lịch hàng tháng).

Theo dân gian, vào những con nước này tôm cá mới đi và đặt lú thì mới "chạy" nhiều. Ưu điểm của đặt lú là rẻ tiền, không mất nhiều thời gian, công sức.

Người đặt lú rảnh khi nào đổ khi đó, không rảnh để vài ngày đổ cũng chẳng sao. Tôm, cá "chạy" lú thường không bị chết, tươi ngon và những con còn nhỏ có thể thả lại nuôi mà vẫn không ảnh hưởng quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng.

Đặt lú thường bắt được tôm, cá, cua. Tuy nhiên, vào những con nước rong thời điểm từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch hàng năm rẹm đi nhiều, người dân Cà Mau còn dùng lú đặt để bắt rẹm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem