dd/mm/yyyy

Lúa gạo Việt: Chật vật trên đồng làng, chông chênh nơi biển lớn

Nhìn vào điều kiện tự nhiên và tài nguyên, ít quốc gia nào có lợi thế phát triển ngành sản xuất lúa gạo như Việt Nam. Thực tế là những lợi thế này đã được phát huy khi nước ta từ thiếu ăn, đói nghèo, phải nhập khẩu lương thực trở thành một cường quốc xuất khẩu lương thực.

Lúa gạo Việt phải "cởi trói" ngay từ đồng ruộng để không còn sản xuất manh mún. Ảnh minh họa

Kỳ tích ấy sẽ đi vào lịch sử và lúa gạo Việt chỉ được nhắc tới với nội hàm của “một thời vang bóng” nếu những khó khăn nội tại không giải quyết được. Giáo sư, TS Võ Tòng Xuân, người luôn nặng lòng với nền nông nghiệp nước nhà, chia sẻ rằng: “Không chỉ chi phí sản xuất cao, mà khi thu hoạch người dân còn gặp cảnh mất giá nên không có lời nhiều, thậm chí còn thua lỗ. Đại đa số người dân trồng lúa là không có tiền tích lũy”.

Chưa khi nào người trồng lúa nước ta lại đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Căn nguyên có thể đến từ khách quan như tác động của biến đổi khí hậu. Nhưng cũng có những nguyên nhân từ nội tại như việc ứng dụng khoa học công nghệ, chọn tạo và sản xuất giống lúa, các quy trình canh tác lạc hậu… dẫn tới hiệu quả sản xuất thấp.

Trên thị trường xuất khẩu, hạt gạo Việt cũng ngày càng lép vế khi xuất khẩu gạo của Việt Nam không chỉ gặp khó ở thị trường mới, mà ngay cả những thị trường truyền thống cũng yêu cầu nhiều tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, khiến doanh nghiệp Việt “trở tay không kịp”.

Lúa gạo Việt đang bị yếu thế ngay cả những thị trường truyền thống. Ảnh minh họa

Ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát cho biết, suốt năm 2016, doanh nghiệp này gần như không bán nổi một hạt gạo nào trực tiếp sang các thị trường nước ngoài. Theo ông Tuấn, ngoài khó khăn về thị trường, nghịch lý giá gạo trong nước ở mức cao, giá xuất khẩu lại thấp khiến doanh nghiệp không bán được hàng.

Nông dân làm lúa thì nghèo, doanh nghiệp xuất khẩu thì nhỏ bé và gạo Việt vẫn bấp bênh, kém sức cạnh tranh cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Ngành lúa gạo Việt Nam cần một tầm nhìn mới, một tầm nhìn đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để hạt gạo đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, từ đó, đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho người trồng lúa ở Việt Nam cũng như các doanh nghiệp làm lúa gạo.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, đã đến lúc các doanh nghiệp phải thay đổi cách làm để bảo đảm gạo của mình sạch, an toàn. Chất lượng cao không phải là ngon thơm như gạo Thái Lan, Campuchia, mà hạt gạo phải đều, trắng trong, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Có như thế thì mới an tâm đầu ra cho hạt gạo Việt”.

Trọng Đạt