Dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền và 5 dự án luật sắp được các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến

Hoàng Thành Thứ hai, ngày 05/09/2022 09:46 AM (GMT+7)
Các đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ cho ý kiến vào các dự thảo luật sửa đổi như Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Thanh tra, Luật Khám bệnh, chữa bệnh… trong hội nghị kéo dài 2 ngày tới đây.
Bình luận 0

Thông tin từ Văn phòng Quốc hội cho biết, căn cứ quy định của pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Luật phòng, chống rửa tiền và 5 dự án luật sắp được các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến - Ảnh 1.

Theo dự kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH.

Theo đó, vào sáng ngày 7/9, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định sẽ điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Trong phần nội dung này, cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của hai dự án luật. Sau đó, các đại biểu sẽ thảo luận và cơ quan trình, thẩm tra sẽ làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Nội dung thảo luận và giải trình đều được diễn ra tương tự như trước đó.

Sang ngày 8/9, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Buổi chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) – một trong những dự án luật quan trọng, đã và đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt liên quan đến vấn đề đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường lưu ý các cơ quan chuẩn bị báo cáo ngắn gọn, tập trung trọng tâm vào các vấn đề cần thiết, cần thảo luận, đồng thời cũng nêu rõ các vấn đề đã thống nhất, không còn ý kiến khác nhau.

Hình thức tổ chức sẽ họp tập trung tại Hội trường Diên Hồng, dự kiến có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên khai mạc.

Quy định trách nhiệm của bộ, ngành trong dự thảo Luật phòng chống rửa tiền

Dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) được bố cục gồm 4 chương, 54 điều (trong đó, bổ sung mới 9 điều, sửa đổi 43 điều và hủy bỏ 7 điều, giữ nguyên quy định của Luật Phòng chống rửa tiền 2012 (2 điều).

Tờ trình nêu rõ, dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) lần này xây dựng dựa trên 40 khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) - tổ chức liên chính phủ được cộng đồng quốc tế công nhận là tổ chức ban hành ra các chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền; kiến nghị của nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền (APG) tại Báo cáo đánh giá đa phương và từ tình hình thực tiễn nhu cầu quản lý phòng chống rửa tiền của Việt Nam.

Việc sửa đổi, bổ sung thêm một số quy định của Luật phòng chống rửa tiền nhằm phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ và sự phát triển của thị trường hiện nay.

Dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền tập trung vào một số nội dung như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng báo cáo về Phòng chống rửa tiền, hợp tác quốc tế về Phòng chống rửa tiền, quy định về đánh giá mức độ rủi ro quốc gia, ngành, đối tượng báo cáo về rửa tiền, quy định về nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng.

Điểm đáng chú ý, Dự thảo Luật phòng chống rửa tiền sửa đổi bổ sung quy định về trách nhiệm của bộ, ngành, trong việc thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia, rủi ro ngành về phòng chống rửa tiền thuộc lĩnh vực quản lý.

Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý về phòng, chống rửa tiền với các tổ chức, cá nhân kinh doanh kim loại quý, đá quý, những lĩnh vực mới phát sinh đối tượng báo cáo, bảo đảm phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành và tính thống nhất với quy định pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, đối tượng báo cáo phải xây dựng quy trình quản lý rủi ro nhằm giảm thiểu các rủi ro về rửa tiền đã được nhận diện, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết quả đánh giá rủi ro hoặc cập nhật kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền và các chính sách, quy trình quản lý rủi ro.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem