Luật Sở hữu trí tuệ đang "bỏ quên" giống vật nuôi

K.Nguyên Thứ ba, ngày 31/05/2022 16:14 PM (GMT+7)
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cần xem xét bổ sung các đối tượng khác như giống vật nuôi, công nghệ sinh học, thủy sản, các loại tảo, nấm, vi sinh vật, côn trùng, ong,….vào Luật Sở hữu trí tuệ, vì hiện nay chúng ta mới chỉ đề cập đến "giống cây trồng"
Bình luận 0

Luật Sở hữu trí tuệ tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo

Sáng 31/5/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường.

Thảo luận về dự thảo luật, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội) cho rằng, Luật Sở hữu trí tuệ là một trong những bộ luật rất quan trọng của bất kỳ quốc gia nào. 

Đặc biệt trong thời đại ngày nay, với một thế giới ngày càng mở và phẳng hơn, sở hữu trí tuệ thực sự đã trở thành động lực chuyển giao và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đồng thời cũng là yếu tố để thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của các quốc gia.

Đối với Việt Nam, trong thời gian qua, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân. 

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Luật đã bộc lộ một số bất cập, chưa đáp ứng kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của thực tiễn, nhất là trong bối cảnh bảo hộ thương mại của các quốc gia trong điều kiện đại dịch Covid - 19, đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, các bất ổn do các yếu tố địa-chính trị, có xu hướng gia tăng. 

Đồng thời, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành cũng chưa tương thích để bảo đảm thi hành các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết như CPTPP, EVFTA hay Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). 

Luật Sở hữu trí tuệ đang "bỏ quên" giống vật nuôi - Ảnh 1.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cần xem xét bổ sung các đối tượng khác như giống vật nuôi, công nghệ sinh học, thủy sản, các loại tảo, nấm, vi sinh vật, côn trùng, ong,….vào Luật Sở hữu trí tuệ, vì hiện nay chúng ta mới chỉ đề cập đến "giống cây trồng"... Ảnh: QH.

Thêm nữa, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng do phần lớn các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chỉ bị xử lý hành hành với mức phạt rất nhẹ, làm giảm hiệu quả trong công tác đấu tranh xử lý vi phạm. 

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng thì việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ là rất cần thiết.

GS.TS Nguyễn Thị Lan đánh giá, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ lần này trình ra Quốc hội đã phần lớn giải quyết được những khó khăn, vướng mắc phát sinh về vấn đề sở hữu trí tuệ, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

"Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên" - GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Bổ sung giống vật nuôi vào Luật Sở hữu trí tuệ

Để góp phần hoàn thiện thêm dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần xem xét việc bổ sung các đối tượng khác như giống vật nuôi, công nghệ sinh học, thủy sản và các loại tảo, nấm, vi sinh vật, côn trùng, ong,….vào Luật, vì hiện nay chúng ta mới chỉ đề cập đến "giống cây trồng"... 

Luật Sở hữu trí tuệ đang "bỏ quên" giống vật nuôi - Ảnh 2.

Luật Sở hữu trí tuệ hiện tại mới chỉ đề cập đến "giống cây trồng", chưa đề cập đến giống vật nuôi. Ảnh: D.V

Mục liên quan đến quyền của Nhà nước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước: Cần xem xét lại hợp lý giữa thời gian nghiên cứu và thời gian cấp bằng bảo hộ với các quyền trên. 

"Mặc dù tại điều 119 mục 2a của dự thảo đã điều chỉnh thời gian cấp bằng sáng chế không quá 18 tháng, nhưng điều này vẫn gây khó khăn cho những đề tài có thời gian nghiên cứu 2-3 năm hoặc có những đề tài chỉ 1-2 năm. Điều này dẫn đến hiện tượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KHCN các tổ chức, cá nhân thường không thực hiện nội dung này, từ đó ảnh hưởng đến việc bảo hộ các bản quyền công nghệ" -GS.TS Nguyễn Thị Lan nêu một thực tế.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan: "Mặc dù Luật mới đã bổ sung đề cập nhiều hơn về chế tài xử lý các hành vi vi phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng vẫn đề nghị Quốc hội rà soát nghiên cứu để có cơ chế giám sát kiểm soát mang tính liên ngành, rõ ràng, không chồng chéo nhằm phòng, chống một cách hiệu quả hơn, triệt để hơn các hành vi". 

Luật mới cần xây dựng cơ sở pháp lý cho việc thiết lập và cơ chế vận hành minh bạch các liên kết hợp tác sáng tạo giữa doanh nghiệp, với người sản xuất, viện nghiên cứu/trường đại học và Nhà nước; đây là một giải pháp quan trọng, giúp tạo dựng, bảo vệ và khai thác hiệu quả hơn các tài sản trí tuệ.

Đề nghị Quốc hội rà soát để Luật Sở hữu trí tuệ mới tập trung vào đẩy mạnh bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm địa phương, trong đó chú trọng đến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù địa phương, hình thành nhiều sản phẩm OCOP có thương hiệu cao, tiềm năng xuất khẩu lớn.

 Cần làm rõ hơn trong luật các quy định và biện pháp bảo hộ các nguồn gen, quy trình sản xuất, nguồn vật liệu tạo ra từ kiến thức bản địa của người dân Việt Nam. 

Đồng thời cũng cần làm rõ cách phân chia lợi nhuận cho cộng đồng bản địa đó. Nguồn gen, vật liệu, kiến thức bản địa là thế mạnh của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. 

Luật Sở hữu trí tuệ cần thúc đẩy phát triển các thế mạnh trên trở thành sản phẩm hàng hoá có giá trị cạnh tranh trên thị trường, nhưng đồng thời cần bảo hộ được các giá trị này bởi trong bối cảnh hội nhập các tổ chức, quốc gia bên ngoài sẽ tăng cường tìm kiếm, khai thác trong khi chúng ta chưa có hệ thống đủ mạnh để nghiên cứu, phát triển và thương mại. 

"Nếu luật không quy định chặt chẽ thì Việt Nam dễ bị mất đi những nguồn gen sinh vật quý và mất đi bản quyền giá trị khai thác từ nguồn trí tuệ thiên nhiên này" - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem