Ngay trước ngày kỷ niệm 43 năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 17/2, Luật sư người Mỹ gốc Việt Hoàng Duy Hùng đã làm một số video clip trao đổi về lịch sử cột mốc biên giới với Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Các clip đã được hàng chục nghìn đến hơn 100.000 lượt người xem với hàng trăm bình luận ủng hộ.

Clip được thực hiện ở ngay vùng địa đầu của Tổ Quốc, nơi cửa biển Bắc Luân, Móng Cái, trong đó Tiến sĩ Trần Công Trục đã giải thích công tác cắm mốc và đấu tranh thực địa đầy phức tạp mà nhà nước đã làm để gìn giữ mảnh đất thiêng liêng mà cha ông để lại. Luật sư Hoàng Duy Hùng từng là một người chống cộng "cực cực đoan", như cách ông miêu tả mình, nhưng anh đã thay đổi theo lời kêu gọi của chính sách đại đoàn kết dân tộc để trở về với đất mẹ.

Luật sư Hoàng Duy Hùng về về Việt Nam ăn Tết lần này là cũng để dự lễ trao giải Búa liềm vàng với tư cách là tác giả nước ngoài có tác phẩm vào vòng chung khảo. Ông cho biết:

- Tôi có viết 16 bài cho báo Nhân Dân, họ đã chọn một bài của tôi đi dự giải. Đó là bài về  góc nhìn của tôi về Hồ Chủ tịch. Tôi xuất thân là con của một  sĩ quan Việt Nam Cộng hoà, trước kia có góc nhìn không thiện cảm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng về sau tôi có sự thay đổi.

Do các quy định cách ly khi đó nên tôi về mà không kịp đến dự giải Búa liềm vàng trực tiếp. Nhưng tôi có xem lễ trao giải qua VTV1, tôi thấy rất vinh dự được vào chung kết. Giải thưởng của một người Việt ở nước ngoài khác là doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc làm tôi muốn ứa nước mắt vì người đó xứng đáng hơn tôi rất nhiều về tâm và tầm. 

Về tầm anh là một doanh nhân. Về tâm, anh còn là một nhà văn, nói lên một ý nghĩ chính xác, cùng với tư duy của tôi, nếu một đảng lắng nghe ý kiến của dân thì tại sao không, cứ phải đòi hỏi theo nước này nước nọ, không phù hợp với địa thế văn hoá lịch sử của đất nước.

Luật sư Hoàng Duy Hùng: Tôi đi biên giới để hải ngoại hiểu thể chế này đã chiến đấu thế nào - Ảnh 1.

Luật sư Hoàng Duy Hùng trả lời phỏng vấn tại báo Dân Việt. Ảnh: Viết Niệm.

Lần này ông trở về có gì khác biệt so với những lần trước?

- Tôi mua vé về từ đầu năm 2021, nhưng phải đợi gần 10 tháng Việt Nam mới mở cửa cho người Việt có quốc tịch nước ngoài. Tôi về cũng gian truân lắm, vì thế mà phải ở cho đáng. Tôi sinh 1962, giờ là đúng một can. 

Tôi chưa bao giờ ăn Tết Việt Nam kể từ năm 1975, chỉ có một lần là năm 1992 trong nhà giam Chí Hoà. Lần này ăn Tết trên đất mẹ Việt Nam, tôi rất xúc động. Tôi cảm giác mới có 1 tuổi, nên tôi sẽ ăn Tết cho đáng. Tôi sẽ ở đây đến cuối tháng 3.

Trong thời gian ở Việt Nam dự định nổi bật nhất của ông là gì?

- Tôi về nhà người bạn tôi là anh Quang Trường và chị Lê Lê ở Yên Bái đón giao thừa. Tôi cũng đi 6 tỉnh biên giới để thấy thể chế này đã chiến đấu can trường thế nào, hy sinh thế nào ở biên giới, để hải ngoại hiểu không phải nhà nước cắt đất. 

Tôi mong muốn đến nghĩa trang Vị Xuyên của những người nằm xuống cho đất nước - không có ai quốc gia, mà toàn cộng sản ở đây. Nếu không có những người cộng sản này thì đất nước ta như thế nào?

Đúng như dự định của mình, trong thời gian lên Yên Bái đón Tết, Luật sư Hoàng Duy Hùng và nhà báo Etcetera Nguyễn Quang Trường – cũng là một Việt kiều Mỹ, chủ kênh YouTube nổi tiếng Vietnam Today (trước đây là Văn hoá Việt Nam TV) đã dành thời gian thăm thú nhiều nơi. Họ cuốc bộ qua những con đường lầy lội hàng cây số vào thăm thôn Đề Chơ, xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu – nơi các khán giả của Vietnam Today và Luật sư Hoàng Duy Hùng đã quyên góp làm đường cho bà con.

"Cuộc sống của người dân ở đây  dù nghèo nhưng thật thanh bình. Tôi hỏi họ đủ ăn không, họ nói cứ làm thì có ăn, ăn sung mặc sướng thì chưa được, nhưng họ thấy hạnh phúc, cuộc sống của họ không còn như xưa nữa" – Luật sư Hoàng Duy Hùng chia sẻ với phóng viên Dân Việt. "Nhưng đúng là phải nâng cao đời sống kinh tế cho họ".

Luật sư Hoàng Duy Hùng: Tôi đi biên giới để hải ngoại hiểu thể chế này đã chiến đấu thế nào - Ảnh 2.

Từ Yên Bái, Luật sư Hoàng Duy Hùng đi tiếp lên Lào Cai thăm cột cờ Lũng Pô, huyện biên giới Bát Xát, Lào Cai. Ông cũng làm video tại Cột cờ Lũng Pô – cột mốc đánh dấu chủ quyền biên giới quốc gia nơi vùng đất in đậm những dấu ấn lịch sử hào hùng. 

Đứng nơi đây, ông gọi lá cờ đỏ sao vàng tung bay là cờ Tổ Quốc, ông ghi lại hình ảnh bà con các dân tộc đến thăm Cột cờ, nào là người Mông, người Dáy, người Dao… "Đến đây tôi hiểu tinh thần chiến đấu của quân dân Việt Nam giữ từng tấc đất biên cương" – ông nói. "Tôi rất xúc động khi đứng ở "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt", rất tự hào và thấy rằng phải đoàn kết để bảo vệ đất nước".

Luật sư Hoàng Duy Hùng: Tôi đi biên giới để hải ngoại hiểu thể chế này đã chiến đấu thế nào - Ảnh 3.

Sau Tết, Luật sư Hoàng Duy Hùng cùng nhà báo Quang Trường lại tới gặp Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, để chuyện trò về lãnh hải, lãnh thổ Việt Nam. Tiếp đó, Tiến sĩ Trục đi cùng họ đến các vùng biên giới, mà mới đây nhất là Móng Cái, Quảng Ninh. 

Ngay tại cửa sông Bắc Luân, Luật sư Hoàng Duy Hùng đã phỏng vấn đề nghe Tiến sĩ Trần Công Trục giải thích một cách cụ thể, khoa học về việc phân định biên giới lãnh thổ Việt – Trung. Các video về chuyến đi được công bố trên kênh YouTube "Góc nhìn Hoàng Duy Hùng" và "Vietnam Today" đã nhận được hàng chục nghìn đến hơn 100 nghìn lượt xem, với hàng trăm bình luận tôn trọng, khâm phục, hiểu biết từ khán giả.

"Thật tuyệt vời. Hôm nay được nghe bác Trần Công Trục trực tiếp giải thích việc phân chia biên giới trên biển. Chắc rằng những người trước nay chưa hiểu, đặc biệt bà con Việt kiều sẽ rõ ko còn nghi ngờ vu khống cho nhà nước ta là để mất đất ông cha vào tay Trung Quốc. Xin cám ơn bác Trần Công Trục và LS Hoàng Duy Hùng, Quang Trường" – một khán giả tên Ngọc Xứng B72 bình luận trên video ngày 16/2 của Vietnam Today.

Đêm giao thừa trong nhà giam Chí Hoà nghe chúa ngục quay về

Xin quay lại câu chuyện của Luật sư Hoàng Duy Hùng. Ông có thể kể lại lần ăn Tết trong nhà giam năm xưa như thế nào?

Tôi là con một người Công giáo Nghệ An. Cha mẹ tôi trước 1954 đã di cư vào Nam. Bố tôi tham gia Quân lực Việt nam Cộng hoà. Tôi xuất thân trong một thể chế chống lại thể chế đương nhiệm. Năm 1975 tôi di cư sang Mỹ.

Với tư duy của một người Công giáo, con một sĩ quan VNCH, với bao nhiêu thông tin trái chiều, tôi đã tham gia các đảng phái chống cộng cực đoan. Tôi được cử về Việt Nam hoạt động chống lại nhà nước này. Năm 1992 tôi bị an ninh giam tại 3C Tôn Đức Thắng, giờ là khách sạn Le Meridien, còn ngày xưa là trại biệt giam của Pháp chuyên giam tù chính trị, đến thời đệ nhất VNCH thì giam các nhà cách mạng  bên phía này.

Sau 6 tháng tôi được chuyển sang trại giam Chí Hoà thì đến Tết sang năm 1993. Năm đầu tiên tôi ăn tết Việt Nam là ở trại giam. Đêm giao thừa tôi nghe tiếng dép đập vào song sắt rất lớn báo hiệu năm mới. Nhưng mọi người cũng nói đó là  lúc chúa ngục đến, tức là người chết đầu tiên trong trại giam Chí Hoà, hồn ông ấy nghe tiếng xích và quay về.

Tôi xuất thân là một tên cực phản động, ở hải ngoại có lẽ kiếm người thứ hai không có. Tôi được trả tự do một lần năm đó, về Mỹ tôi thành lập tổ chức với ý đồ lật đổ nhà nước này. Sau đó tôi quay lại Việt Nam (năm 2001) với ý đồ đặt bom Bến Nhà Rồng, Bến Ninh Kiều, nhưng rồi tôi không cho nổ. Vì tôi thấy đất nước đã có sự phát triển, tôi suy nghĩ lại nên bỏ kế hoạch đó. Khi không muốn đặt bom nữa là có sự thay đổi trong con người tôi rồi.

Luật sư Hoàng Duy Hùng: Tôi đi biên giới để hải ngoại hiểu thể chế này đã chiến đấu thế nào - Ảnh 4.

Tiến sĩ Trần Công Trục và Luật sư Hoàng Duy Hùng đi thăm cột mốc biên giới. Ảnh chụp màn hình.

Luật sư Hoàng Duy Hùng: Tôi đi biên giới để hải ngoại hiểu thể chế này đã chiến đấu thế nào - Ảnh 5.

Tiến sĩ Trần Công Trục và Luật sư Hoàng Duy Hùng. Ảnh chụp màn hình.

Câu chuyện của ông là quá trình thay đổi tư duy và nhận thức của một trí thức Việt kiều xa quê lâu năm, có những nhận thực chưa chuẩn xác về tình hình đất nước, nhưng giờ ông lại là một nhân tố lan toả tình yêu đất nước tới bà con Việt kiều. Sau khi thay đổi, ông mở kênh YouTube với những trao đổi rất hấp dẫn về chính trị xã hội. Vậy tại sao ông lại mở kênh đó?

- Tôi từng là người chống cộng cực đoan, thủ lĩnh tổ chức chính trị, tổ chức cộng đồng nên đã được mời nhiều lên sóng các đài hải ngoại từ mấy chục năm. Song tư duy của tôi đã thay đổi nhiều. Khi hải ngoại đổ tội mất Hoàng Sa là do Nhà nước này, thì tôi công khai nói rằng mất Hoàng Sa là do hải quân VNCH vào ngày 19/1/1974. Khi các cựu sĩ quan hải quân VNCH thách thức tôi thì tôi nhận lời lên đài ở San Jose một nơi chống cộng cực đoan, tôi thấy sự thật cần nói rõ.

Người cực cực đoan như tôi mà còn được đón nhận nồng nghiệt, được chia sẻ ngay trên các kênh chính thống thì có gì mà quý vị không quay đầu về với Tổ quốc. Nếu đứng ngoài thì quý vị lạc lõng vô cùng.

Năm 2013 tôi về Việt Nam với tư cách nghị viên thành phố Houston, tạo sự nối kết Houston và Đà Nẵng. May mắn cuối 2019 tôi lại về và được anh Quang Trường chủ kênh YouTube Văn hoá Việt Nam đón tiếp gặp gỡ. Khi về lại Mỹ đầu 2020 dịch Covid-19 bùng phát. 

Lúc đó tôi quyết định không nhận các vụ việc ở văn phòng luật sư của mình nữa. Ở nhà, để thời gian trôi qua nhanh, để tư duy của tôi chia sẻ nhanh chóng thì tôi lập kênh Góc nhìn Hoàng Duy Hùng. Xin chân thành cảm ơn mọi người đã thương yêu tôi, trong 1 tháng thì tôi nhận nút bạc với 100.000 người theo dõi, đến giờ trên 200.000 người. Tôi  chia sẻ tư duy của tôi về đất nước, nhận xét các vấn đề thời sự từ góc nhìn của một người Mỹ gốc Việt từng là chính khách Mỹ,  vì tôi từng là Liên đoàn trưởng Đảng Cộng hoà ở Mỹ.

Với tài hùng biện của mình, Hoàng Duy Hùng đề cập rất nhiều vấn đề thời sự chính trị xã hội Việt Nam trên kênh YouTube của ông. Số lượng lớn người xem cả ở Việt Nam và ở Mỹ cho thấy ông đã thuyết phục được khán giả từ vai trò của một nhân vật tương đối đặc biệt và không né tránh cả những chủ đề tưởng như khó và nhạy cảm.

Luật sư Hoàng Duy Hùng: Tôi đi biên giới để hải ngoại hiểu thể chế này đã chiến đấu thế nào - Ảnh 7.

Luật sư Hoàng Duy Hùng bất ngờ được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp tại Hà Nội cùng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Ảnh chụp màn hình.

Tôi được niềm tin cho chính tôi, niềm tin vào con đường của đất nước

Ông đã phải trả giá như thế nào khi nhiều người cho là ông đã quay lưng với lý tưởng trước đây của ông?

- Trên đời cuộc chiến lớn nhất không phải ở ngoài mà là cuộc chiến với bản thân mình. Tôi không muốn nói về cá nhân, nhưng đó là cuộc chiến gian khổ không thể tưởng tượng được. Đang là ông nghị, một luật sư, một năm có bao nhiêu tiền, nhưng  tôi sẵn sàng bỏ tất cả quay về. Nếu tôi không quay về và vẫn tiến theo kiểu hồi xưa, vẫn được hải ngoại nơi tôi ở tung hô, thì chức thẩm phán, dân biểu liên bang nằm trong tay.

Nhưng khi tôi bỏ là tôi phải có sự phấn đấu cho chính mình, lợi ích riêng là phải bỏ. Nhưng điều đó là một phần thôi. Quan trọng nhất là tôi xuất thân từ gia đình chống cộng, bạn bè hầu hết như vậy, tôi bị nhiều sự xâu xé, có những đêm chỉ một mình mình hiểu. Không chỉ người thân mà cả người đầu ấp tay gối cũng không hiểu.

Nhưng đã quay đầu là chấp nhận tất cả, chấp nhận tất cả các giá. Tôi không biết nói gì hơn, nói nữa là tôi xúc động. Nhưng có những đêm rất cô đơn. Mình phải trả một giá cho khuyết điểm của mình trong quá khứ thì phải chấp nhận, và mình phải kiên cường cho chính mình, cho Tổ Quốc, để người khác thấy mình kiên cường thì họ an tâm đi theo con đường này.

Nếu tôi sợ hãi, gục ngã thì đừng quay đầu về. Khi mình thấy đó là chính sách đúng, sự hoà hợp dân tộc là đúng, quay đầu về là đi đến nơi đến chốn, là cho con cháu mình có nghị lực đi theo. Giờ tôi có nhiều cháu chắt đánh giá chuyện này là đúng, bạn bè nữa. Mọi người chung tay nhau xây dựng phần của mình thì tôi quyết tâm đi đến cùng con đường này.

Luật sư Hoàng Duy Hùng: Tôi đi biên giới để hải ngoại hiểu thể chế này đã chiến đấu thế nào - Ảnh 8.

Luật sư Hoàng Duy Hùng tại Báo Dân Việt. Ảnh: Viết Niệm.

Không chỉ thế hệ trẻ, những bạn bè, những người anh của tôi trước hiểu lầm, giờ thấy rõ phải quay đầu về với Tổ Quốc. Những gì trước tôi nói họ không hiểu thì giờ hiểu rất nhiều, mọi người biết tôi có người anh rất thân là Nam Sơn NguyễnTấn Trí, 77 tuổi, từng chống cộng cực đoan, từng là một thủ lĩnh, giờ cũng giống như tôi quay đầu về. 

Rất nhiều người tôi không nêu tên vì ở hải ngoại họ sẽ bị chửi bới, chụp mũ, đánh phá nên họ không muốn nêu tên. Ông Nam Sơn bị ăn đòn quá trời nhiều nên ông quen rồi. Nhưng tôi biết có những người khác bề ngoài chống cộng cực đoan nhưng bên trong đã ngả rồi, chỉ có tôi biết vì tôi thân với họ, hầu hết nhân sự hải ngoại tôi biết, tôi hoạt động ở hải ngoại mấy chục năm trời, từng ở đó nên tôi biết rất rõ.

Anh chấp nhận hy sinh trả giá để thay đổi tư duy nhận thức, có sự đồng cảm của nhiều thế hệ. Anh có thể nói rõ hơn là anh thấy minh được gì?

- Tôi có được có mất. Cái được là có những người làm tôi càng ngày tin rằng việc quay đầu về với Tổ Quốc, việc hoà hợp dân tộc là thật, khônng phải như người ở hải ngoại nghĩ là ảo giác, là trò chơi đánh lừa người bên ngoài của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khi tiếp xúc với nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tôi rất cảm động, thấy ông rất chân chất giản dị. Tôi từng gặp các lãnh đạo ở nước ngoài, các thống đốc, phó thống đốc, Tổng thống về hưu George W. Bush ở thành phố tôi thì tôi cũng đã gặp ông bà nhưng họ xa cách. Khi tôi gặp nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tôi thấy họ rất giản dị, hài hoà, thân thiện.

Tôi từng là chính khách, là tiến sĩ luật hành nghề, tôi biết đâu là chân chất giản dị, là tình người thật. Tôi biết hoà hợp dân tộc  như các nhà lãnh đạo kêu gọi không phải ảo giác mà là sự thật. 

Tôi được là người Việt Nam  chân chính, không phải được về vật chất, mà tôi có cảm giác đây là đất nước ta, đất nước Việt Nam của tôi, không phải một đất nước xa vời. Tôi là người con Việt Nam, máu đỏ da vàng, lãnh đạo trong nước khiến tôi tin tưởng. Tôi tin tôi mới về, tôi tin thì nói tôi tin, tôi là người dám nói dám làm.

Tôi được niềm tin cho chính tôi, niềm tin vào con đường của đất nước, nếu không có lửa thì không ai nghe hết, không tin chính mình thì nói gì với ai bây giờ. Đó là cái được lớn nhất.

Còn tôi mất sự nghiệp, gia đình, nhưng đó không phải là điều quan trọng với tôi, đó là nghiệp của mình, tôi đã gieo trong quá khứ thì tôi phải trả, nhà Phật nói gieo quả nào thì gặt hái quả đó Tôi chấp nhận thiệt thòi về vật chất, danh tiếng, êm ấm ở hải ngoại.

Bù lại người dân Việt Nam cho tôi nhiều hơn tôi tưởng. Đó là tình thương của người dân (nhiều) kinh khủng. Những gì tôi mất ở hải ngoại về tình thương thì ở đây giao cho tôi nhiều hơn. Sự thân thương có liền. Mất đó mà được liền. Một lần nữa tôi cảm ơn mẹ Việt Nam, cảm ơn Đảng mở lòng qua nghị quyết 36, cảm ơn người dân Việt Nam mở ra cho tôi hiểu đất nước nhiều hơn, quý vị khán thỉnh giả làm cho tôi có động lực đi hết con đường của mình.

Luật sư Hoàng Duy Hùng: Tôi đi biên giới để hải ngoại hiểu thể chế này đã chiến đấu thế nào - Ảnh 9.

Luật sư Hoàng Duy Hùng trò chuyện với phóng viên Dân Việt. Ảnh: Viết Niệm.

Vậy thì theo ông, chúng ta cần làm thêm gì để thúc đẩy đóng góp của Việt kiều cho sự phát triển của đất nước?

- Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nằm trong Bộ Ngoại giao, nhưng những năm quá đã có những đột phá. Nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Nguyễn Thanh Sơn đã có nhiều đột phá để tảng băng vỡ ra, nhiều người hải ngoại và trong nước hiểu nhau hơn.

Tháng 8/2021 Bộ Chính trị ra kết luận 12 về công tác người Việt ở nước ngoài trong tình hình mới, trong đó nhắc đến người Việt ở xa Tổ Quốc bằng hai chữ "đồng bào". Ông nghĩ gì về 2 chữ đó?

- Hai chữ "đồng bào" trong Kết luận 12 là nói rằng người Việt ở hải ngoại là khúc ruột ngàn dặm của đất nước, là một bộ phận không thể tách rời với đất mẹ. Đồng bào là cùng một bọc, không còn phân biệt hải ngoại hay trong nước, cùng chung mục tiêu xây dựng đất nước, là chính sách đại đoàn kết dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công…

Tôi đề nghị nâng vai trò Uỷ ban lên hơn để Chủ tịch Uỷ ban có những quyết sách nhanh chóng cận kề với người hải ngoại. Uỷ ban có thể có văn phòng giải đáp ở hải ngoại, vì nhiều người không tin, cần có người trả lời trực tiếp, cần đối diện. 

Ở hải ngoại họ nghe qua bao kênh, thông tin bị nhiễu, bị tam sao thất bổn. Nghị quyết 36 tốt đẹp nhưng thông tin qua đó  là sự xâm nhập phá cộng đồng hải ngoại, là Nhà nước mua chuộc cộng đồng, cần có sự trả lời, biết rằng ta làm đúng, không cần quan tâm (đến sự thất thiệt), ta có tiếng nói chính nghĩa nhưng có cơ hội làm sáng danh cho nó thì tại sao không?

Nếu Nhà nước cân nhắc nâng vai trò thì Uỷ ban và Chủ tịch Uỷ ban có đủ khả năng giải quyết nhanh chóng. Một điều làm ngay là lập văn phòng của Uỷ ban, ví dụ tại Mỹ ở những nơi có nhiều người Việt là Nam California, Bắc California, Houston, mỗi nơi có văn phòng, có người có đủ khả năng trả lời, thì không biết bao người sẽ đến, mở rộng lòng ra, sự hiểu biết về chính sách Đảng  Nhà nước nhanh chóng được giải đáp. 

Vai trò của Tổng lãnh sự quán và Đại sứ quán quan trọng, nhưng nếu có văn phòng này để tập trung, chuyên nghiệp thì rất là hay. Hy vọng ý kiến này sẽ được nhà nước cân nhắc.

'Năm Nhâm Dần là năm tuổi của ông, 60 tuổi. Khi có tuổi người ta muốn quay về quê hương. Vậy ông có muốn về Việt Nam sống hay không?

- Ước nguyện của tôi là muốn về hưu ở Việt Nam. Đó là lý do vì sao tôi đóng văn phòng. Tôi có thể mở lại bất kỳ lúc nào, nhưng tôi đã 60. Ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận. Tôi không có nhu cầu tài chính. Về đây tôi thấy người dân ấm áp, khung cảnh tuyệt vời hợp với tôi. 

Tôi muốn về hưu như một người dân bình thường. Nếu các em trẻ muốn hỏi tôi bác Hùng ơi cái này tiếng Anh thế nào, hỏi chuyện đi xa thì tha hồ kể cho các cháu nghe, chuyện Pháp ra sao, câu cá ở Na Uy ra sao… những sự lang thang của tôi trên thế giới. Anh em thương tôi thì nói tôi đi du lịch nhưng người ghét tôi thì nói tôi là cái bang.

Liệu ông có nghĩ rằng mình sẽ thích nghi với những khó khăn ở Việt Nam, nơi vẫn bị phàn nàn những điều như thủ tục hành chính lề mề, những vụ việc như bộ xét nghiệm của Việt Á?

- Quốc gia nào cũng có tích cực và tiêu cực, thể chế nào cũng vậy, không nơi nào là hoàn hảo. Tôi hiểu trong nước có những sự tiêu cực. Nhưng cần nhận diện được sự tiêu cực và sẵn sàng nói lên điều dó trong chiều hướng tích cực, xây dựng, mình nói không phải để bới ra, mà nói có chính xác hay không, và nhận diện đúng thì giải pháp thế nào.

Tôi cảm ơn Báo Dân Việt cho tôi cơ hội để chia sẻ. Kính chúc các vị lãnh đạo Việt Nam, các vị trong BCT, TƯ, lãnh đạo bộ ban ngành tỉnh thành, quan trọng nhất là người dân Việt Nam, các cụ các bác, các anh các chị, các cháu một năm mới thật nhiều sức khoẻ, nhiều hồng phúc của mẹ Việt Nam. Hồng phúc đó tạo cơ may cho đất nước chúng ta đoàn kết, xây dựng đất nước năm 2022 uy tín ngày một tăng cao trên chính trường quốc tế, nhiều thành công không những riêng cho thế hệ này mà cả thế hệ sau.

Xin cảm ơn ông(!)

Mỹ Hằng - Kiều Minh thực hiện.

Ảnh: Viết Niệm; chụp từ video của Luật sư Hoàng Duy Hùng.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem