Luật sư nói gì vụ buông lỏng quản lý xuất khẩu lao động, nhiều người nghèo mất oan hàng nghìn USD?

Gia Khiêm (ghi) Thứ bảy, ngày 06/03/2021 14:39 PM (GMT+7)
Hoạt động cò, môi giới loạn lên như nấm sau mưa, thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý nên nhiều người lao động bị sập bẫy lừa đảo. Bởi vậy, cần tăng cường công tác quản lý, gắn trách nhiệm cụ thể cho cơ quan chức năng..
Bình luận 0

Liên quan đến vụ người nghèo mất oan hàng nghìn USD do buông lỏng trong công tác quản lý xuất khẩu lao động, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính Pháp đã chỉ ra nhiều thiếu sót.

Luật sư nói gì vụ buông lỏng quản lý xuất khẩu lao động, nhiều người nghèo mất oan hàng nghìn USD? - Ảnh 1.

Lao động Việt Nam đi XKLĐ tại Nhật Bản. Ảnh: N.Tạ

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường cho biết:

Thực tế nhu cầu xuất khẩu lao động tại Việt Nam vẫn rất cao và chủ yếu tập trung đối tượng là những người lao động nghèo. 

Mặc dù Đảng, Nhà nước và các bộ ngành đã có những chủ trương, quy định rất đúng đắn, chi tiết, rõ ràng về vấn đề người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thế nhưng, tình hình xuất khẩu lao động vẫn rất phức tạp, nhiều người lao động phải chịu thiệt hại nghiêm trọng.

Luật sư nói gì vụ buông lỏng quản lý xuất khẩu lao động, nhiều người nghèo mất oan hàng nghìn USD? - Ảnh 2.

Luật sư Đăng Văn Cường cho biết, nhiều người lao động bị mất "tiền oan", sập bẫy "cò" lao động chui giá nghìn đô.

Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn nhiều tồn tại, hạn chế và vi phạm. Ví dụ như hạn chế trong công tác kiến nghị, sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng;…

Từ đó, nhiều người lao động bị mất "tiền oan", số tiền bỏ ra để đi làm việc quá cao so với thực tế; hoặc bị lừa đảo mất toàn bộ số tiền tích góp được; hoặc ra nước ngoài nhưng khi đến các nước thì không có việc làm hoặc bị nước sở tại bắt giữ; vừa bị mất tiền cho các đối tượng môi giới, vừa phải chịu cuộc sống chui lủi để trốn tránh cơ quan chức năng, nếu bị bắt thì bị tạm giam từ 1-3 tháng...

Chắc chúng ta vẫn chưa quên vụ 39 người thiệt mạng trong container ở Anh, nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền xuất khẩu lao động, và điển hình vừa mới đây là sự việc nhiều người sập bẫy "cò" lao động chui giá nghìn đô giữa mùa dịch tại Sông Lô-Vĩnh Phúc,… Quá nhiều sự việc chua xót, cay đắng đang diễn ra với người lao động nghèo mong muốn được lao động mưu sinh. 

Người lao động phát hiện bị dính "bẫy" có quyền tố cáo cơ quan công an

Bởi vậy, công tác quản lý hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng cần được quan tâm, thắt chặt hơn nữa, không chỉ từ các văn bản pháp luật, thủ tục hành chính mà còn từ phía giám sát doanh nghiệp cũng như tuyên truyền, hỗ trợ người dân. 

Hiện nay một vấn đề mà người dân quan tâm nhất và đang phải chịu thiệt hại nặng nề nhất là mức thu phí dịch vụ của các doanh nghiệp đưa người lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Mức phí này chưa rõ ràng, chưa minh bạch, mỗi doanh nghiệp lại có một mức thu phí khác nhau mà cơ quan nhà nước chưa có cơ chế giám sát, quản lý. 

Luật sư nói gì vụ buông lỏng quản lý xuất khẩu lao động, nhiều người nghèo mất oan hàng nghìn USD? - Ảnh 3.

Nhiều trường hợp đóng tiền cọc nhưng không được đi xuất khẩu lao động hoặc không được trả lại tiền.

Thực tế, người lao động nghèo phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn ban đầu khi muốn xuất khẩu lao động, khoản tiền đó họ phải tích góp rất lâu, thậm chí là vay mượn nhiều nơi. Đặc biệt là trong thời điểm nhạy cảm vì dịch bệnh như hiện nay thì vấn đề xuất khẩu lao động cũng như xuất, nhập cảnh càng cần được thắt chặt kiểm soát hơn. Tuy nhiên, trước khi chờ những quy định cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền thì chính người lao động phải biết bảo vệ mình. 

Trường hợp người lao động dính "bẫy", phát hiện doanh nghiệp không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng lại thu tiền hứa hẹn... thì người lao động cần liên hệ với doanh nghiệp để làm rõ về khoản tiền đã thu. Nếu doanh nghiệp đó không hợp tác, không trả tiền và lấy nhiều lý do để từ chối, trốn tránh thì người lao động có thể trình báo sự việc lên cơ quan công an. 

Đồng thời cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra, ra soát xử lý nghiêm các tổ chức môi giới lao động bất hợp pháp, có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì phải xử lý nghiêm minh bằng các chế tài hình sự. 

Hoạt động xuất khẩu lao động có thể nói là "bát nháo" nhiều năm nay ở nhiều địa phương, nhiều người lao động bị lừa đảo mất tiền. Hoạt động cò, môi giới loạn lên như nấm sau mưa, thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý nên nhiều người lao động bị sập bẫy lừa đảo. Bởi vậy để giảm bớt những hệ lụy tiêu cực cho xã hội thì cần tăng cường công tác quản lý, gắn trách nhiệm cụ thể cho cơ quan chức năng.

Ngày 4/3 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Bộ LĐTBXH và UBND 6 tỉnh thành.

Kết quả cho thấy, trong giai đoạn 2013 - 2018, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn nhiều tồn tại, hạn chế và vi phạm.

Một trong những vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của lao động đó là, Cục Quản lý lao động ngoài nước không quản lý, kiểm soát được doanh nghiệp trong việc thu phí thị trường Nhật Bản. Điều này dẫn đến, trong thời gian dài người lao động phải chi trả mức phí quá cao (7.000 - 8.000 USD/1 lao động)....

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem