Lùi thời hạn giải thể Công ty CP cao su 1-5 Tây Ninh

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 10/07/2019 08:21 AM (GMT+7)
Tại kỳ họp thứ 12 HĐND, UBND tỉnh Tây Ninh cho biết sẽ tiếp tục giải thể Công ty CP cao su 1-5 Tây Ninh, dự kiến đến cuối năm 2019.
Bình luận 0

Triển khai kế hoạch thoái hóa vốn nhà nước giai đọạn 2017 - 2020, tỉnh Tây Ninh đã thực hiện thoái vốn nhà nước ở 2 công ty, giữ vốn nhà nước ở 1 công ty, và tiếp tục giải thể 1 công ty nữa là Công ty CP cao su 1-5 Tây Ninh (gọi tắt Công ty cao su 1-5).

img

Dự kiến kế hoạch hoàn tất giải thể Công ty CP cao su 1-5 Tây Ninh đến cuối năm 2019.

Theo kế hoạch, việc giải thể dự kiến hoàn tất thủ tục và kết thúc trong tháng 12/2018. Sở Tài Chính cho biết, do nhiều yếu tố và công việc phát sinh nên công tác giải thể còn chậm so với kế hoạch đề ra, tiến độ giải thể sẽ kéo dài đến cuối năm 2019.

Trước đó, theo đề nghị của Sở NNPTNT trình UBND tỉnh, Ban Thanh lý Công ty cao su 1-5 sẽ tiến hành thực hiện thuê đơn vị tư vấn xác định lại giá trị tài sản của 2 khu vực nhà máy chế biến mủ cao su do chứng thư thẩm định giá tài sản cũ đã hết hiệu lực.

Về phương án, nhà máy chế biến mủ cao su tại Nông trường Suối Dây (giá trị còn lại của tài sản là 8,657 tỷ đồng) sẽ thực hiện thanh lý tài sản, bán tháo dỡ, không duy trì hoạt động nhà máy, trả lại đất cho nhà nước. Việc thanh lý tài sản này có gây thiệt hại cho cổ đông nhưng do nhà máy nằm trong diện tích đất quy hoạch sử dụng nông nghiệp công nghệ cao nên phải bán thanh lý tài sản trên đất.

img

Thời gian thẩm định giá và tổ chức bán đấu giá nhà máy chế biến sẽ hoàn thành trong 3 tháng.

Với nhà máy chế biến mủ cao su tại Hiệp Trường, việc thanh lý, nhượng bán tài sản sẽ gắn liền với quyền sử dụng đất, nghĩa là tiếp tục duy trì hoạt động nhà máy. Lý do, diện tích đất của nhà máy chưa có quy hoạch cho mục đích khác, giá trị còn lại của tài sản rất lớn 58,640 tỷ đồng (không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất 8,583 tỷ đồng).

Theo ông Nguyễn Duy Ân - Phó giám đốc Sở NNPTNT kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng giải thể, nếu thực hiện theo phương án này sẽ hạn chế tổn thất do giá trị tài sản mất đi khi thực hiện bán tháo dỡ. Ngoài ra, khi bán thanh lý tài sản tháo dỡ, giá trị cổ phiếu của cổ đông sẽ giảm mạnh, gây ra tranh chấp khi thanh toán, quyết toán với các cổ đông khác mà đa số là người lao động tại công ty đã tham gia mua cổ phần.

Liên quan đến quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, thời hạn sừ đụng đất; Hội đồng giải thể đã đề nghị UBND tỉnh giao cho Sở Tài Nguyên và Môi trường phối hợp xác định lại giá trị tại nhà máy chế biến mủ cao su tại Hiệp Trường, để làm cơ sở xác định giá trị đấu giá và thuê tư vấn tổ chức bán đấu giá tài sản.

img

Ban Thanh lý Công ty cao su 1-5 tiếp tục bảo vệ và chăm sóc vườn cây cao su cũng như bảo dưỡng thường xuyên máy móc thiết bị.

Ngoài ra, Ban Thanh lý Công ty cao su 1-5 tiếp tục thực hiện các chi phí cần thiết để bảo vệ và chăm sóc vườn cây cao su đang kiến thiết cơ bản và vườn cây đã ngừng khai thác; tiếp tục vận hành chạy bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên máy móc thiết bị.

Ông Lương Minh Trí – Phó giám đốc Sở Tài Chính cho biết, dự kiến đến tháng 9/2019 sẽ bàn giao Văn phòng làm việc của Công ty cao su 1-5 cho Sở Ngoại vụ. Thời gian thẩm định giá và tổ chức bán đấu giá nhà máy chế biến sẽ hoàn thành trong 3 tháng (tháng 7, 8, 9/2019) sau khi có Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt

Thời gian thực hiện quyết toán chi phí giải thể Công ty cao su 1-5  và công bố hoàn tất giải thể từ tháng 10 đến 11/2019.

Sau khi bàn giao đất vườn cây cao su, trụ sở Văn phòng làm việc, bán thanh lý 02 nhà máy chế biến mủ cao su, Ban thanh lý sẽ tập hợp chứng từ quyết toán vốn cổ đông và kinh phí giải thể với Sở Tài chính và hoàn tất các bước còn lại để báo cáo Sở Kế hoạch Đầu tư và công bố hoàn tất giải thể công ty. Dự kiến thời gian thực hiện là 60 ngày.

img

Khả năng để Tây Ninh có thể tập trung vào các khâu có giá trị gia tăng cao hơn với cao su là không nhiều.

Theo Sở NNPTN, cao su là cây trồng truyền thống, đã mang lại lợi nhuận tương đối cao cho nông dân trong những năm vừa qua. Hiện nay, mức giá cao su không còn ổn định. Nông dân có xu hướng phá vườn để trồng cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thời gian tới, giá mủ cao su sẽ khó tăng cao để tạo mức lợi nhuận đáng kể cho người trồng. Vì thế khả năng để Tây Ninh có thể tập trung vào các khâu có giá trị gia tăng cao hơn cũng không nhiều.

Định hướng sắp tới, cao su là cây trồng thuộc nhóm không khuyến khích và giảm dần diện tích canh tác tại các vùng đất sản xuất không phù hợp (đất thấp), vườn cao su già cỗi, diện tích tiểu điền xen canh trong vùng sản xuất cây trồng khác.

Diện tích cao su hiện có khoảng 100.000 ha; chiếm hơn 37% tổng diện tích đất nông nghiệp của toàn tỉnh. Dự kiến đến năm 2020, diện tích cây cao su sẽ còn 85.000 ha,  và đến năm 2030 là 70.000 ha.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem