Lương không thể là ‘món quà’

Tư Giang Thứ hai, ngày 31/10/2022 06:57 AM (GMT+7)
Lương là giá của lao động. Giá đó cũng như nhiều giá khác ở đất nước này đã bị kìm nén quá lâu. Một đại biểu quốc hội (Tây Ninh) từng phát biểu: “Lương thấp đã và đang bào mòn sự liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức". Làm gì để tăng lương bền vững?
Bình luận 0

Tuần qua, trên nghị trường có đại biểu Quốc hội khẳng định, tăng lương là “món quà có ý nghĩa” cho cán bộ, công chức nhà nước. Xin mở ngoặc, trong lần tăng lương này – vốn đã bị kìm nén suốt ba năm nay - Ngân sách Nhà nước đã bỏ ra thêm 60 ngàn tỷ đồng, mà về thực chất là tiền thuế của dân.

Tôi xin được nói thẳng , nhận thức về lương và quà như thế là rất đáng băn khoăn.

Tiền lương, theo định nghĩa của bộ luật Lao động, là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động “theo thỏa thuận”. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Định nghĩa này cho thấy, trả/nhận tiền lương đúng và đủ là thỏa thuận mà hai bên phải tuân thủ. Ông không trả đủ, hay xù tiền lương của tôi, thì tôi thôi việc. 

Còn quà thì ông thích thì ông cho tôi, mà cho chưa chắc tôi đã nhận vì còn tùy thái độ. Tất nhiên, ở đây cần loại trừ chuyện ‘đòi quà’. 

Cho nên, đánh đồng lương là quà là không đúng cả về luật lẫn thực tiễn.

Xin kể một câu chuyện có thật. Hồi đầu năm nay, một bạn làm ở y tế phường than thở: “Em muốn thôi việc quá rồi. Hơn hai năm qua quá mệt mỏi mà thu nhập chỉ hơn 4 triệu”. Tôi biết, hồi đầu năm nay dù nhiễm Covid-19 em vẫn không thể nghỉ ngơi vì tất cả đồng nghiệp ở trạm đều đã nghỉ vì nhiễm virus. Nghỉ hết thì không thể được vì bổn phận với người dân.

Tâm tư của em chỉ là một nốt nhạc nối dài trong bản nhạc buồn của làn sóng ra khỏi khu vực công đang bắt đầu vang lên ở nhiều nơi.

Phải thừa nhận, lương ở khu vực công thấp đến mức khó tin. Một viên chức làm ở cấp bộ chỉ vỏn vẹn nhận lương tháng xấp xỉ 3,5 triệu; bộ trưởng cũng chỉ nhận lương tròm trèm 15 triệu đồng.

Lương không thể là ‘món quà’ - Ảnh 2.

Tiền lương thấp ở cả khu vực công lẫn tư thì thật khó để nói đến động lực hay đạo đức.(ảnh minh họa). Ảnh N.T.

Báo chí từng phản ánh, nguyên Bộ trưởng LĐ-TB-XH Trần Đình Hoan từng ước ao đến năm 2000 lương bộ trưởng được 1.000 USD (khoảng 20 triệu đồng lúc đó) nhưng đến nay đã hơn 20 năm trôi qua cũng mới được mười mấy triệu đồng.

Nhìn ra ngoài, thu nhập của dân cũng hẻo không kém. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2021 theo giá hiện hành đạt 4.205 nghìn đồng, giảm 1,1% so với năm 2020, theo GSO.

Lương là giá của lao động. Giá đó, cũng như nhiều loại giá khác ở đất nước này, bị kìm nén quá lâu rồi; các đại biểu, các nhà trí thức đã nhiều lần đề cập. Ví dụ, hồi giữa năm, một đại biểu (Tây Ninh) phát biểu: “Lương thấp đã và đang bào mòn sự liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức”. 

Lương, hay về bản chất là giá của lao động, quá thấp cho thấy đây là điểm nghẽn lớn cho phát triển. Tiền lương thấp như vậy ở cả khu vực công lẫn tư thì thật khó để nói đến động lực hay đạo đức. Một cách tự nhiên, ai cũng phải cố gắng "tranh thủ" cái gì đó để tồn tại, để nuôi con.

Vấn đề cải cách tiền lương đang được đặt ra, như đã từng khẩn thiết được đặt ra nhiều năm nay.

Cách đây 25 năm, trong một phiên chất vấn về tiền lương, Bộ trưởng Tài chính Hồ Tế từng nói: "Ta không tăng lương được vì phải nuôi ba bộ máy: Đảng, Chính phủ, Mặt trận và các đoàn thể. Nếu ta chỉ tập trung nuôi bộ máy Chính phủ như các nước thì lương tôi cũng sẽ tăng 3 lần… “. Câu nói đó chắc ít người đến nay còn nhớ.

Muốn tăng lương bền vững thì vừa cải cách bộ máy, vừa làm cho cái bánh ngân sách nhà nước to ra bằng cách tạo mọi điều kiện để dân làm giàu, đóng thuế. Doanh nghiệp tư nhân cần được bảo vệ để phát triển.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem