Lương thấp, nhân viên y tế bỏ việc, bệnh viện kêu giá dịch vụ y tế lạc hậu

Diệu Linh Thứ tư, ngày 20/07/2022 06:17 AM (GMT+7)
Thu nhập thấp là một nguyên nhân khiến hàng nghìn nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc thời gian qua. Còn bệnh viện than khó vì giá dịch vụ y tế thấp, không tính đúng tính đủ, nên không thể có tiền trả lương cao.
Bình luận 0

Thu nhập của nhân viên y tế thấp vì giá dịch vụ y tế thấp? 

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong 18 tháng qua, đã có gần 9.400 nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc vì thu nhập thấp, công việc nhiều, áp lực lớn.

Về nguyên nhân nhiều nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ có nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là do: thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở…

Ngay cả Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện lớn từng là mơ ước của nhiều nhân viên y tế nhưng nay số bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc, chuyển công tác cũng khá nhiều với lý do phổ biến "thu nhập thấp".

Lương thấp, nhân viên y tế bỏ việc, nhiều bệnh viện kêu giá dịch vụ y tế lạc hậu - Ảnh 1.

Giá dịch vụ y tế thấp, nguồn thu bệnh viện thấp dẫn đến không thể trả lương tương xứng cho nhân viên y tế là một nguyên nhân khiến nhiều nhân viên y tế bỏ việc, chuyển công tác thời gian qua (Điều trị bệnh nhân Coivd-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh BVCC)

Chia sẻ điều này, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 2 năm nay, lương của cán bộ nhân viên Bệnh viện Bạch Mai đã giảm mạnh. Nguyên nhân do khó khăn dịch bệnh và 1 phần là do giá dịch vụ y tế BHYT quá thấp, tiền viện phí thu được "co kéo" lắm vẫn không đủ chi, không thể không giảm thu nhập của anh em.

PGS Cơ phân tích, hiện nay hiện giá dịch vụ y tế được quỹ BHYT hiện mới tính 4/7 yếu tố và giá này được xây dựng từ năm 2019, trong khi đó năm nào cũng trượt giá, dịch bệnh khiến nguyên vật liệu khan hiếm, xăng tăng, giá cả mọi thứ đều tăng theo.

PGS Cơ ví dụ, giá siêu âm ổ bụng hiện tại được chi trả với giá 43.900 đồng/lần, trong khi mức giá này được xây dựng từ 15 năm trước và chỉ tính 1 phần viện phí.

"Với giá này thì từ lúc mua một máy siêu âm đến lúc máy hết khấu hao thì tổng tiền thu được chưa chắc đã đủ mua máy siêu âm, chứ chưa nói đến việc trả lương cho nhân viên y tế", PGS Cơ chia sẻ.

PGS Cơ cho rằng, Bệnh viện Bạch Mai tự chủ 100%, trong khi viện phí lại quy định thấp như vậy thì quá khó cho bệnh viện.

Theo PGS Cơ, thời gian qua, bệnh viện vẫn "tồn tại" được với mức giá viện phí thấp như vậy là do đã không phải đầu tư máy móc nhờ hệ thống máy từ nguồn xã hội hóa và thực hiện cơ chế mượn máy, đặt máy từ các doanh nghiệp trúng thầu hoá chất.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu dừng việc mượn máy, đặt máy tại các bệnh viện công thì hệ thống máy này đã bị "treo giò". 

Khi máy móc thiếu, bệnh nhân đông, nhân viên y tế sẽ phải tăng ca đi sớm về muộn để đảm bảo việc khám chữa bệnh cho người dân. Dù làm nhiều nhưng thu nhập cũng khó tăng vì bệnh viện thu viện phí thấp thì cũng không có tiền để trả lương cao. 

GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cũng cho rằng viện phí cần phải tính đúng tính đủ, phải có cơ chế để đầy đủ máy móc phục vụ công tác khám chữa bệnh. Có vậy các bệnh viện mới hoạt động trơn tru, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo thu nhập tương đối xứng đáng với công sức nhân viên y tế bỏ ra, để họ yên tâm làm việc.

Lương thấp, nhân viên y tế bỏ việc, nhiều bệnh viện kêu giá dịch vụ y tế lạc hậu - Ảnh 2.

Giá dịch vụ y tế BHYT được ban hành từ năm 2019, được nhiều chuyên gia y tế nhận định đã lạc hậu nhiều so với hiện nay. Ảnh minh họa

Cần phải tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế

Theo PGS Cơ, giải pháp căn cơ để trả lương đúng với công sức bỏ ra, ngăn chặn làn sóng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế chính là tính đúng tính đủ viện phí, đưa viện phí về với giá thực tế để các bệnh viện được vận hành bình thường.

Trước đó, Công đoàn Y tế cũng đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ về các giải pháp nhằm đảm bảo thu nhập xứng đáng với công sức bỏ ra của nhân viên y tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam, một trong những kiến nghị là phải tính đúng tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá viện phí để các bệnh viện có thể duy trì hoạt động, trong đó có phần trả lương xứng đáng cho nhân viên y tế.

Tại phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc bổ sung Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi vào chương trình xây dựng luật năm 2022 tháng 2 vừa qua, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế. Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, các yếu tố còn lại dự tính sẽ tính đúng, tính đủ vào năm 2022 để đảm bảo cho hệ thống y tế phát triển.

Hiện nay, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT đang được áp dụng theo quy định tại thông tư 13/2019/TT-BYT được ban hành từ năm 2019. 

Theo đó, giá khám tại Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I là 38.700 đồng/ lượt; bệnh viện hạng II: 34.500 đồng/lượt, bệnh viện hạng III: 30.500 đồng/lượt và bệnh viện hạng IV, trạm y tế xã: 27.500 đồng/lượt.

Trong khi, mức giá khám bệnh dịch vụ (khám bệnh theo yêu cầu, khám bệnh ở các cơ sở y tế tư nhân) giao động từ 150.000 đến 500.000 đồng/lượt. Đây là mức chênh lệch khá lớn. Giá các dịch vụ y tế khác cũng có sự chênh lệch tương tự. 

Lương thấp, nhân viên y tế bỏ việc, nhiều bệnh viện kêu giá dịch vụ y tế lạc hậu - Ảnh 3.

Giá dịch vụ y tế khám chữa bệnh BHYT và giá dịch vu y tế theo yêu cầu hiện nay có mức chênh lệch khá lớn (Khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh BVCC)

80,9% nhân viên y tế chỉ chi trả 1 phần hoặc không thể chi trả chi phí sinh hoạt bằng lương

Nghiên cứu "Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong Covid-19" vừa được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, phối hợp với ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội, và Viện Kinh tế và Công nghệ Y tế thực hiện đã đưa ra các con số chứng minh sự thật "ai cũng biết": "Nhân viên y tế đang lao lực đến kiệt sức nhưng đãi ngộ lại không tương xứng".

PGS.TS. Trần Xuân Bách, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế Y tế, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, theo nghiên cứu có đến 80,9% nhân viên y tế nhận thấy họ có thể chi trả 1 phần hoặc không thể chi trả các chi phí sinh hoạt. Trong đó chỉ có 19,1% có thể chi trả hoàn toàn, 60% chi trả 1 phần và 20,9% không thể chi trả.,

Gần 60% nhân viên y tế (57,5% tuyến cơ sở, 59,9% tuyến tỉnh, 56,9% tuyến trung ương) có thu nhập từ công việc từ 5-10 triệu đồng/tháng. Thu nhập từ 10-20 triệu đồng/tháng tương ứng 6,9%, 13,3% và 23,4%. Do đó, để đủ sống, đại đa số các nhân viên y tế phải trông chờ vào các nguồn khác (làm thêm, gia đình hỗ trợ, đầu tư...).

"Lương là lý do chính để nhân viên y tế công chuyển sang khu vực tư nhân", PGS Bách nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem