Lý do khiến giá thực phẩm tiếp tục tăng mạnh

Thanh Phong Thứ hai, ngày 28/02/2022 06:30 AM (GMT+7)
Trước đà tăng của giá xăng, giá nhiều loại thực phẩm tại các chợ truyền thống, dân sinh cũng đã “neo” cao những ngày gần đây. Nhiều siêu thị cũng đã “rục rịch” tăng giá các mặt hàng.
Bình luận 0

Từ kỳ điều chỉnh ngày 21/2, giá xăng đã vượt ngưỡng 26.000 đồng/lít. Ngay sau đó, giá các mặt hàng nhu yếu phẩm tại chợ dân sinh đã có mặt bằng mới. Tại một số chợ trên địa bàn TP. Hà Nội như Cầu Giấy, Đồng Xa, Nghĩa Tân, Thái Hà, Ngọc Khánh… giá rau xanh đang ở mức trên 100.000 đồng/kg.

Trong đó, các loại rau gia vị như hành, mùi, thì là, húng láng,… có mức giá xấp xỉ 200.000 đồng/kg. Húng quế, bạc hà có giá 100.000 đồng/kg, ớt: 150.000 đồng/kg…. Theo phản ánh của người tiêu dùng và ghi nhận của phóng viên Dân Việt, giá các loại rau gia vị đã tăng khoảng 4-5 lần.

Với các loại rau ăn lá, củ, quả, giá tăng mạnh từ 2-2,5 lần. Cụ thể, rau ngót: 15.000 đồng/mớ, cà chua: 25.000 đồng/kg; cà rốt, khoai tây: 22.000 đồng/kg; cải thảo, cải ngọt, cải cúc: 30.000 đồng/kg; bắp cải, susu, xu hào: 20.000 đồng/kg; đậu quả: 40.000 đồng/kg.

Giá nhiều loại thực phẩm tăng mạnh - Ảnh 1.

Giá các mặt hàng nhu yếu phẩm tăng mạnh những ngày qua. (Ảnh: Thanh Phong)

Các loại cá tươi cũng tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg, trong đó, các loại cá nước ngọt dao động trong khoảng 80.000-90.000 đồng/kg. Cá tầm, lăng, chép giòn: 150.000 đồng/kg; trắm đen: 190.000-200.000 đồng/kg (cắt khúc).

Lý giải vì sao giá thực phẩm, đặc biệt là các loại rau xanh tăng quá cao, ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp thôn Đông Cao (xã Tráng Việt) cho biết, nguyên nhân là do mưa và rét hại kéo dài đã khiến các loại rau sinh trưởng chậm, ảnh hưởng đến sản lượng. Tuy nhiên, rau bán tại vườn không đắt như vậy.

Cũng theo ông Đua nhận định, không thể nhìn thấy giá rau cao nhất thời mà có thể sớm vui mừng. Nguyên nhân vì việc tiêu thụ nông sản của người nông dân hiện vẫn chủ yếu theo phương thức tự cung – tự cấp, giá cả bấp bênh theo thị trường.

"Theo tôi, các loại nông sản nói chung cần hướng tới sự bình ổn. Đời sống người dân tránh khỏi sự bấp bênh khi được mùa lại mất giá. Ví dụ, cà chua có thời điểm "sốt" giá nhưng cũng có lúc nguồn cung lớn lại "rẻ như cho"", ông Đua nhấn mạnh.

Đối với mặt hàng thịt lợn, giá tại chợ vẫn neo ở mức cao từ 90.000-140.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi tại miền Bắc tiếp tục giảm mạnh từ 1.000-3.000 đồng/kg tại các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa. Tại miền Trung, giá lợn hơi cũng giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình.

Về phía các siêu thị, đại diện MM Mega Market cho biết, mới đây, đơn vị này đã nhận được đề nghị tăng giá bán nhiều ngành hàng từ một số nhà cung cấp.

"Do giá xăng dầu tăng gấp ba lần nên ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển và chi phí bao bì. Ngoài ra chi phí vận chuyển quốc tế cũng bị ảnh hưởng do giá xăng dầu thế giới tăng và hoạt động kinh doanh khôi phục trở lại sau đại dịch Covid-19", đại diện MM Mega Market chia sẻ.

Tương tự, đại diện chuỗi siêu thị Lotte Mart cho biết đến nay đơn vị đã nhận được đề nghị điều chỉnh giá từ hầu hết nhà cung cấp, đặc biệt là đối với ngành hàng đồ khô. Ngoài ra, theo thông tin từ các siêu thị, giá nguyên vật liệu như bột mì và bơ tăng cũng sẽ tác động đến giá thành sản phẩm. Điều này kéo theo tất cả các ngành hàng đều bị ảnh hưởng về giá.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem