Lý do khiến lao động thất nghiệp nhưng vẫn lười học nghề

Thùy Anh Thứ ba, ngày 14/09/2021 16:00 PM (GMT+7)
Theo lý, lao động thất nghiệp sẽ có nhu cầu học nghề để tái hòa nhập thị trường lao động, tìm kiếm việc làm, gia tăng thu nhập, nhưng thực tế điều này lại không xảy ra. Vì sao vậy?
Bình luận 0

Lao động thất nghiệp lười học nghề. Kim Xuyến - Nguyệt Tạ 

Lao động thất nghiệp không học nghề vì quá khó khăn

Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội năm 2020, chỉ có 3% người sau thất nghiệp nhận hỗ trợ đào tạo nghề. Con số này ở các trung tâm khác trong cả nước cũng không cao hơn bao nhiêu, chỉ dao động từ 3-5% tổng số người thất nghiệp được hưởng  trợ cấp thất nghiệp (TCTN).

Phạm Văn Sinh (Nam Thăng Long, Hà Nội) cho biết, anh đã thất nghiệp được 3 tháng và đã nhận TCTN được 2 tháng nay, nhưng tới nay anh vẫn không có nhu cầu đi học nghề.

Ngoài lý do là bởi dịch bệnh đang căng thẳng, các lớp học nghề không thể khai giảng, anh Sinh còn cho biết thêm là bởi mức hỗ trợ học nghề thấp, các nghề được tư vấn giới thiệu không đa dạng.

Nhiều nghề như nấu ăn, làm đẹp hấp dẫn với lao động thất nghiệp nhưng học phí quá cao, lao động không đủ tiền tham gia. Ảnh: Lao động học nấu ăn tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội. N.T

Nhiều nghề như nấu ăn, làm đẹp... hấp dẫn với lao động thất nghiệp nhưng học phí quá cao, lao động không đủ tiền tham gia. Ảnh: Lao động học nấu ăn tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội. N.T

"Lo nhất là học xong lại không thể xin được việc làm, lại thất nghiệp, tốn công sức, thời gian, tiền của để học mà vẫn tay trắng. Hơn nữa, giờ hoàn cảnh khó khăn, chạy ăn từng bữa, cố kiếm việc làm cho có thu nhập để còn lo cho gia đình", anh Sinh nói.

Cùng chung suy nghĩ, anh Phan Hồng Quang - Đông Anh (Hà Nội) cho biết, dù được hỗ trợ học nghề nhưng vẫn không đủ quyết tâm học nghề. Lý do chính là bởi lo ngại học ra, anh vẫn không thể tìm kiếm được việc làm tốt hơn.

Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho biết: "Con số 3% là tương đối thấp. Bên cạnh việc ảnh hưởng dịch Covid-19, một nguyên nhân nữa chúng tôi nhận định là chính sách học nghề cho lao động thất nghiệp chưa thu hút, mới chỉ dừng ở hình thức đào tạo sơ cấp nghề, hỗ trợ 1 triệu/tháng tối đa 6 tháng thì cũng không có những ngành nghề chất lượng cao, mang tính thu hút lớn".

Thống kê tại nhiều tỉnh thành và của Cục Việc làm cho thấy, tỷ lệ lao động thất nghiệp có nhu cầu đi học nghề chỉ dao động trong khoảng 3-5%. Lý do chính là: Hoàn cảnh quá khó khăn, lao động cần làm ngay có tiền sinh hoạt; không có tiền đóng bù số tiền thiếu học phí; khóa học ngắn; ngành nghề chưa đa dạng; sợ học xong không tìm được việc làm...

Câu chuyện lao động thất nghiệp quay lưng lại với chính sách hỗ trợ học nghề cũng xảy ra nhiều nơi. Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng cho thấy từ đầu năm đến nay, có 11.892 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN. Tổng tiền chi trả TCTN 242,1 tỷ đồng; mức hưởng bình quân 3.474.880 đồng/người/tháng; số tháng hưởng bình quân của người lao động 5,18 triệu tháng/người. Thế nhưng con số lao động thất nghiệp đề nghị học nghề lại rất ít.

 Ông Nguyễn Đức Trí - Giám đốc Trung Dịch vụ Việc làm Đà Nẵng cho biết, trung bình mỗi năm (3 năm gần đây) trung tâm giới thiệu việc làm cho trên 10 nghìn lao động; giải quyết BHTN cho 20.000 lao động, nhưng chỉ dạy nghề gần 1.000 lao động (chiếm tỷ lệ 5%) trong số này.

Các nghề học đơn điệu, chưa đa dạng không hấp dẫn với lao động thất nghiệp

Có tới 30 ngành nghề khác nhau tại Trường Trung cấp nghề giao thông công chính Hà Nội, nhưng khi được tư vấn học nghề, chị Lê Bích Thủy - một lao động thất nghiệp ở Hà Nội quyết định học lái xe vì tính thiết thực. Mặt khác, số tiền học phí đóng thêm cũng ở mức thấp nhất vì chị được hỗ trợ 50% học phí, số tiền còn lại chị phải đóng chỉ 3 triệu đồng. 

Mặc dù có khá nhiều ngành nghề được cho là "hot" thu hút người học như: Làm đẹp; thẩm mỹ; điện tử; điện lạnh... nhưng kinh phí học tập lớn, thời gian học tập ngắn nên lao động không hào hứng.

Tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng cao nhưng, số lao động có nhu cầu học nghề vẫn rất thấp. Ảnh: Giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho lao động tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. N.T

Tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng cao nhưng, số lao động có nhu cầu học nghề vẫn rất thấp. Ảnh: Giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho lao động tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. N.T

Nguyễn Văn Nam (22 tuổi) Thanh Hóa, từng làm cho Công ty Samsung Bắc Ninh. Khi dịch Covid-19 bùng phát, Nam thất nghiệp trở về Thanh Hóa tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Nam từng có dự định học nghề, nhưng các lớp học nghề được hỗ trợ chủ yếu sơ cấp, nên em không muốn.

"Em muốn học cao đẳng, vì học nghề chất lượng cao cơ hội tìm kiếm việc làm, thu nhập sẽ tốt hơn", Nam chia sẻ.

Rào cản của Nam cũng là rào cản khiến cho nhiều lao động không lựa chọn học nghề làm hướng đi sau khi thất nghiệp.

Ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết, đầu tháng 4/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 17 sửa đổi một số điều trong chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề. Theo đó,  người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng thì mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng. Như vậy, mức hỗ trợ này đã tăng so với mức hỗ trợ trước đó là 500 nghìn đồng/người/tháng. Mặc dù đã có điều chỉnh, nhưng thời gian hỗ trợ vẫn còn ngắn, lao động chỉ có thể học các nghề sơ cấp.

Ông Tú cũng cho rằng, bên cạnh việc nâng mức hỗ trợ học nghề, cần đồng thời triển khai các giải pháp: xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tạo việc làm bền vững cho nhóm lao động sau thất nghiệp. Có như vậy mới thu hút được lao động tham gia học nghề.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem