Lý do không ngờ khiến người trẻ đột quỵ ở tuổi 20

Bạch Dương Chủ nhật, ngày 20/12/2020 15:35 PM (GMT+7)
Gần đây, đột quỵ xảy ra ngày càng nhiều và ngày càng trẻ hóa. TS.BS Trần Chí Cường cho biết, ăn trễ, ít vận động, đường huyết tăng, béo phì... là nguyên nhân khiến đột quỵ ở người trẻ.
Bình luận 0
Giật mình khi 20 tuổi đã đột quỵ - Ảnh 1.

Một bệnh nhân trẻ tuổi đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ não, khoảng 5 triệu người trong số đó tàn phế vĩnh viễn và 5 triệu người tử vong.

Đột quỵ ở người trẻ tăng 44%

Tổ chức Đột quỵ Mỹ năm 2019 cho biết, số lượng bệnh nhân đột quỵ ở những người trẻ đã tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây và khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ mỗi năm có độ tuổi từ 18 đến 50. Tại Việt Nam, tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới…

Cách đây chưa lâu, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhân N.T.T (24 tuổi) được người nhà phát hiện trong tình trạng nằm mê man sùi bọt mép, thỉnh thoảng kích động trên giường, đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tuyến dưới và được chẩn đoán tai biến mạch máu não. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng mê sảng, tiểu mất tự chủ và kích động tay chân, thở dốc, oxy máu chỉ còn 77%, sau đó tử vong do tình trạng quá nặng.

PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Số bệnh nhân trẻ bị đột quỵ chiếm gần 10% số bệnh nhân đột quỵ nói chung tại Trung tâm. Đây là con số không nhỏ và có xu hướng ngày càng gia tăng. Điều đáng nói, phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn và hệ lụy là mất đi cơ hội hồi phục trong giờ vàng".

Theo số liệu của Hội Tim mạch Việt Nam, cứ 4 người từ 25 - 49 tuổi thì có một người tăng huyết áp và đây là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ ở người trẻ. Ngoài ra, bệnh nhân đột quỵ trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng.

Tại hội thảo "Đột quỵ ở người trẻ" mới diễn ra tại TP.HCM, TS.BS Trần Chí Cường (Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP.HCM, Thành viên Hội Can thiệp thần kinh Thế giới, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ) cho biết, một trong những lý do dẫn đến đột quỵ ở người trẻ tuổi là dị dạng mạch máu não, thường xảy ra ở độ tuổi dưới 18 tuổi, đây phần lớn là dị dạng bẩm sinh. Những trường hợp sau nên đến bệnh viện kiểm tra như những cơn mất ít thức thoáng qua, cơn động kinh ở những trẻ nhỏ, nhức đầu kéo dài ở người trẻ (nhức đầu này không liên quan đến áp lực học hành), dấu hiệu tê yếu tay chân… 

Ăn trễ, ít vận động dễ gây đột quỵ

Theo TS.BS Trần Chí Cường, yếu tố thời gian vàng là vấn đề nan giải để cứu chữa kịp thời người bệnh đột quỵ. "Bệnh nhân đến trước 3-6 giờ thì điều trị thành công nhưng càng đến trễ thì khả năng cứu chữa thấp đi" - BS Cường nói và cho biết thêm, hiện nay người trẻ chưa quan tâm nhiều lắm đến căn bệnh này vì cho rằng còn trẻ, căn bệnh chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Theo bác sĩ Cường đây là suy nghĩ sai lầm. Bởi đột quỵ hiện nay chúng ta đang đối mặt với đột quỵ ở những người trẻ, đặc biệt là ở độ tuổi dưới 40 tuổi. Phần lớn liên quan đến rất nhiều yếu tố như cách sống, thói quen sinh hoạt…

TS. BS Trần Chí Cường cho biết, ăn trễ, ít vận động là nguyên nhân khiến đột quỵ ở người trẻ. Ngoài ra, đường huyết tăng, béo phì cũng là nguyên nhân gây đột qụy. Các biểu hiện của đột quỵ là nói chuyện khó khăn, bị méo mặt, bị yếu tay chân cùng một bên, đau đầu nôn ói nhiều. Điều trị đột quỵ là cả một quá trình lâu dài, ban đầu là điều trị can thiệp, sau đó phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa. Đồng thời điều trị cả các di chứng do đột quỵ như động kinh, liệt nửa người, trầm cảm, rối loạn lo âu…

BS Trần Chí Cường lưu ý thêm, bệnh nhận đột quỵ lần đầu thì nguy cơ tái phát sẽ cao hơn lần trước. Do đó việc tìm ra nguyên nhân thủ phạm rất quan trọng, có những bệnh nhân bị đột quỵ 3-4 lần mới tìm được nguyên nhân.

"Chúng ta phải làm sao để tìm ra nguyên nhân chứ không cần thiết 100% bệnh nhân phải làm MRI. Đôi lúc nguyên nhân do tâm lý xã hội, huyết áp cao… Cách đơn giản nhất là tự bắt mạch cổ tay xem trong vòng 1 phút để biết mạch có đều không để xác định bệnh nhân có rối loạn nhịp tim. Tôi cũng lưu ý rối loạn nhịp tim cũng là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ",BS Cường nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem