Lý do lao động kiến nghị nên rút thời gian chờ hưởng BHXH 1 lần xuống còn 3 tháng

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 21/04/2023 19:00 PM (GMT+7)
Thay vì chờ tới 12 tháng sau khi thất nghiệp lao động mới được rút BHXH 1 lần, người lao động cùng một số đơn vị đang đề nghị rút ngắn thời gian này xuống còn 3 tháng.
Bình luận 0

Lao động đề xuất giảm thời gian chờ rút BHXH 1 lần xuống còn 3 tháng

Bộ LĐTBXH đang trình Dự thảo Luật BHXH sửa đổi để lấy ý kiến. Trong số nhiều nội dung sửa đổi, bộ này có đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến lao động khi đăng ký nhận BHXH 1 lần.

Cụ thể, dự thảo luật đã bổ sung thêm nhiều quy định nhằm khuyến khích người lao động (NLĐ) lựa chọn tham gia hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng. Ví dụ, NLĐ khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng bằng mức trợ cấp xã hội; người hưởng trợ cấp hàng tháng được hưởng bảo hiểm y tế, kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo. Dự thảo xin ý kiến với 2 phương án.

Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành của Luật BHXH và Nghị quyết 93/2015/QH13. Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.

Phương án 2: Quy định thay đổi theo hướng vẫn cho phép NLĐ hưởng BHXH một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình nhưng vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu. Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ BHXH để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

rút BHXh 1 lần

Giải pháp giảm thời gian chờ rút BHXH 1 lần từ 12 tháng xuống còn 3 tháng tuy có lợi trước mắt nhưng lại hại về lâu dài. Ảnh: NT

Ông Nguyễn Duy Cường - Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho rằng: "Dù phương án nào thì mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích NLĐ ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi họ hưởng BHXH một lần".

Tuy nhiên, có nhiều người lao động không đồng tình với cả 2 phương án này. Chị Nguyễn Thị Hoa - Công nhân Công ty May tại Hưng Yên cho rằng: "Công nhân lao động có mức tiền lương thấp, làm không có tích lũy. Khi chúng tôi mất việc, cuộc sống lại càng khó khăn, bất đắc dĩ lắm mới phải rút BHXH 1 lần để lấy tiền lo cho cuộc sống. Nếu phải đợi 12 tháng thì quá lâu".

Cũng bởi lý do khó khăn, không có tiền mưu sinh, nhiều công nhân, lao động đã phải mang sổ BHXH đi cầm cắm, thế chấp, hoặc vay nóng... và gánh tiền lãi quá cao.

Anh Đỗ Văn N, 48 tuổi (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội) đã từng phải cắm sổ BHXH 1 lần. Anh N kể, đợt dịch vừa rồi anh mất việc, vợ anh đi làm lương chưa được 7 triệu đồng/tháng. Khoản tiền ấy chưa đủ để nuôi sống cả nhà 4 người nên anh đành phải chạy vạy, vay mượn tiền lo sinh hoạt cho cả nhà.

"Vay mãi rồi cũng không vay được ai nữa, định rút BHXH 1 lần nhưng không được vì cán bộ BHXH nói phải chờ tới 1 năm. Khó khăn quá, tôi mang sổ BHXH 1 lần đi cắm với số tiền bằng 2/3 số tiền rút BHXH. Tiếc lắm nhưng không còn cách nào khác", anh N kể thêm.

Hiện tại anh N đang đi làm cho công ty mới và đã được công ty mới đóng BHXH nhưng thời gian tham gia ngắn, sau này khó đảm bảo đủ năm đóng để hưởng lương hưu.

Trước thực trạng đó, mới đây Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam đề xuất giảm điều kiện chờ rút BHXH một lần sau khi lao động nghỉ việc từ 12 xuống còn 3 tháng.

Đại diện công đoàn lý giải, khi gặp khó khăn, không còn nguồn tiền nào khác người lao động mới phải nghĩ đến rút BHXH một lần. Nếu phải chờ tới 12 tháng sau khi nghỉ việc mới được rút BHXH thì quá lâu. Trong khoảng thời gian chờ, người lao động dễ tìm đến tín dụng đen, thậm chí "bán non sổ BHXH".

Về đề xuất của bên công đoàn, các chuyên gia băn khoăn, việc rút điều kiện ràng buộc về thời gian sẽ khiến số người rút BHXH một lần tăng lên.

Không nên giảm thời gian chờ rút BHXH xuống còn 3 tháng

Trước đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và người lao động, nhiều chuyên gia cho rằng điều này có thể khiến cho tình trạng rút BHXH 1 lần tăng lên, gây mất cân đối với quỹ BHXH

Ông Nguyễn Duy Cường cũng cho rằng điều này có thể kéo theo làn sóng để công nhân rút BHXH 1 lần, khiến việc rút BHXH 1 lần tăng cao. Phó Vụ trưởng Vụ BHXH nhận định, một năm là quãng thời gian chờ cần thiết để người lao động nỗ lực tìm việc mới và cân nhắc có rút BHXH một lần hay không. Quy định này cũng đồng bộ với điều khoản thiết kế về bảo hiểm thất nghiệp, khi lao động có thể hưởng trợ cấp tối đa 12 tháng.

rút BHXh 1 lần

Ông Nguyễn Duy Cường cho rằng nếu giảm thời gian chờ rút BHXH 1 lần thì e rằng lao động đề nghị rút BHXh 1 lần sẽ tăng cao. Ảnh: NT

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết ông không ủng hộ phương án rút thời gian chờ rút BHXH xuống 3 tháng. Nguyên nhân là bởi các báo cáo đã chỉ ra số lượng người rút BHXH 1 lần tăng nhanh.

Ông Huân cũng cảnh báo nguy cơ, nếu nới thời gian chờ rút BHXH từ 12 tháng xuống còn 3 tháng thì nguy cơ số lượng lao động rút BHXH 1 lần sẽ còn tăng lên cao hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề an sinh xã hội, tạo gánh nặng cho hệ thống an sinh của cả nước sau này.

Ông Huân ủng hộ phương án 2, tức là cho lao động rút 50% BHXH 1 lần. Về lâu dài, ông cho Huân cho rằng để giữ người lao động ở lại, tham gia BHXH thì cần thiết kế chính sách phù hợp theo hướng tăng quyền lợi cũng như tạo việc làm bền vững cho người lao động, cùng với đó là tăng cường tư vấn về quyền lợi, lợi ích của người lao động khi tham gia BHXH.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem