Lý do tỷ lệ nợ xấu chưa quá xấu

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 29/10/2021 08:50 AM (GMT+7)
Thống kê tại gần 20 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2021 cho thấy, 36,8% ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng giảm, còn lại 63,2% ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng. Tuy nhiên, chưa có ngân hàng nào ghi nhận tỷ lệ nợ xấu vượt 3%.
Bình luận 0

Nợ xấu chưa quá xấu

Cụ thể, trong tổng số 19 ngân hàng được PV Dân Việt thống kê, 4 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% bao gồm: Techcombank (TCB) với tỷ lệ nợ xấu thấp nhất chỉ 0,57%; BacABank (BAB) 0,82%; ACB (0,84%) và MB (0,95%).

Trong khi đó, tại thời điểm đầu năm, có tới 6 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt dưới 1%.

9 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dao động từ 1% đến dưới 2% tính tới 30/9, trong đó TPBank là ngân có hàng tỷ lệ nợ xấu thấp nhất nhóm này với 1,04%, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) và VietABank (VAB) là hai ngân hàng có nợ xấu gần chạm ngưỡng 2%, lần lượt đạt 1,94% và 1,99%.

Ngân hàng 'làm xiếc', nợ xấu chưa quá xấu? - Ảnh 1.

63,2% ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng trong 9 tháng. (Ảnh: LT)

Cùng với đó, số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 2% tăng so với đầu năm, trong đó có nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao gần chạm mức 3% - mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Xét về tốc độ tăng/giảm tỷ lệ nợ xấu trong 9 tháng đầu năm nay, Nam Á Bank (NAB) là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng "sốc" 128%, từ 0,83% lên 1,89%.

Một "ông lớn" ngân hàng quốc doanh cũng có tỷ lệ nợ xấu tăng đột biến tới 80% là VietinBank. Hiện tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này là 1,67%.

Ngân hàng 'làm xiếc', nợ xấu chưa quá xấu? - Ảnh 2.

Tỷ lệ nợ xấu tăng giảm trái chiều trong 9 tháng. (Ảnh: LT)

Ngược lại, tỷ lệ nợ xấu tại Kienlongbank (KLB) giảm mạnh nhất tới 63%. Nguyên nhân là do ngân hàng này đã xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản bảo đảm là 174 triệu cổ phiếu STB của Sacombank.

Bên cạnh đó, không ít khoản nợ có khả năng mất vốn được chuyển sang nợ nghi ngờ. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 5,42% xuống 2%.

Các ngân hàng khác có tỷ lệ nợ xấu giảm trong 9 tháng gồm: VietABank (giảm 13%), MB (giảm 13%), TPB (giảm 12%); OCB (giảm 11%), SeaBank (giảm 10%) và LienVietPostBank (giảm 1%).

Tỷ lệ nợ xấu không tăng "sốc", vì sao?

Đề cập về nợ xấu, tại buổi họp báo quý III/2021 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, nợ xấu là một trong những áp lực lớn của ngành ngân hàng trong thời gian tới.

Phó Thống đốc lý giải, nếu không có tác động của đại dịch, ngành ngân hàng chắc chắn đã hoàn thành mục tiêu tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% tổng dư nợ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khó khăn thì đương nhiên nợ xấu sẽ tăng.

Theo đánh giá của Phó Thống đốc, xu hướng nợ xấu sẽ tiếp tục tăng và tác động sang cả năm 2022 do độ trễ của các tác động từ đại dịch. Dự kiến, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu tiềm ẩn và nợ đã cơ cấu, tỷ lệ nợ xấu của cuối năm nay sẽ xấp xỉ 8%.

Ngân hàng 'làm xiếc', nợ xấu chưa quá xấu? - Ảnh 3.

Nợ xấu nhiều ngân hàng "phình" to nhưng chưa vượt 3%.

Chia sẻ với PV Dân Việt, lãnh đạo của một ngân hàng thừa nhận, tỷ lệ nợ xấu tăng trong năm nay là khó tránh khỏi.

Trên thực tế, con số nợ xấu cao hơn nhiều so với con số đang được các ngân hàng thống kê trên sổ sách. Bởi các ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu khoản nợ đến 30/6/2022 cho doanh nghiệp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước .

Tuy nhiên, vị này tiết lộ thêm tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng nhưng không "quá xấu", thậm chí sụt giảm, còn đến từ sự chủ động của ngân hàng.

Theo đó, một số cách thức ngân hàng có thể sử dụng để giảm nợ xấu như: Chuyển những món nợ không được cơ cấu ra ngoại bảng và giữ nguyên nhóm nợ thêm một thời gian; tìm cách tăng mạnh tỷ lệ tín dụng để từ đó giảm tỷ lệ nợ xấu.

Thậm chí, trong một số trường hợp khi doanh nghiệp có khả năng thu hồi được nợ, ngân hàng sẽ cho vay thêm để kéo dài thời hạn, đồng thời giảm phần lãi và gốc mà khách hàng phải trả định kỳ. Từ đó, sẽ không làm ảnh hưởng tới tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm hiện tại.

Việc ngân hàng giảm tỷ lệ nợ xấu hoặc tìm cách kìm cương nợ xấu không "quá xấu" trong các báo cáo tài chính vừa đảm bảo duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, hơn nữa điều này còn khiến cho các nhà đầu tư, cổ đông yên lòng và giữ được giá trị cổ phiếu trên thị trường.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem