Ly Xá Xuy và câu chuyện người Hà Nhì làm du lịch ở Y Tý - Ảnh 1.


Cụm từ "người Hà Nhì chúng em" mà chàng kỹ sư xây dựng 29 tuổi này nhắc tới cũng chính là câu chuyện Xuy kể với tôi về cách người Hà Nhì làm du lịch, trong đó điểm nhấn là những giá trị văn hóa dân tộc.


Ly Xá Xuy và câu chuyện người Hà Nhì làm du lịch ở Y Tý - Ảnh 2.

Xuống Hà Nội học Đại học Xây dựng, chuyên ngành xây dựng dân dụng nhưng ngay từ đầu Ly Xá Xuy (thôn Mò Phú Chải, xã Y Tý, Bát Xát – Lào Cai) đã không hề có ý định theo ngành này, cậu bảo: "Em đi học xác định là để có cái bằng đại học, còn theo ngành xây dựng thì chưa khi nào em nghĩ đến. Em thích một công việc tự do, làm chủ được thời gian và công sức của mình, quan trọng hơn phải làm ở ngay Y Tý".


img
img
img

Ly Xá Xuy kinh doanh dịch vụ homestay trong chính ngôi nhà trình tường đặc trưng của dân tộc mình. Xuy trang trí nhà bằng những vật dụng, hình ảnh đặc trưng về văn hóa truyền thống của người Hà Nhì. Ảnh: Tố Loan


Thế thì sao không phải là tổ chức một đội xây dựng chuyên nghiệp ở Y Tý, hoặc một công việc gì đó ở UBND xã, mà lại là kinh doanh homestay?

- Thực ra ngay từ đầu em cũng chỉ nghĩ sẽ không làm xây dựng, còn cụ thể là làm gì em chưa định hình được. Nhưng trong suy nghĩ và mong muốn của mình, em luôn tìm cách làm thế nào để càng nhiều người biết đến Y Tý càng tốt.

Ý tưởng thì em có từ lâu, nhưng chẳng biết làm cách nào. Em bắt đầu từ việc sử dụng mạng xã hội để giới thiệu nhiều hơn về Y Tý. So với người dân ở đây, em làm homestay muộn hơn nhưng em lại có lợi thế là tiếp cận với mạng xã hội sớm. Mỗi ngày em lại đăng lên trang cá nhân của mình những hình ảnh về Y Tý, hoặc cập nhật tình hình thời tiết, các câu chuyện về phong tục, tập quán của dân tộc em…

Ly Xá Xuy và câu chuyện người Hà Nhì làm du lịch ở Y Tý - Ảnh 4.

Dần dà nhiều người tương tác và biết đến em hơn, những ai có kế hoạch lên Y Tý thì họ liên hệ trực tiếp với em để hỏi han thông tin về điểm ăn chơi, ngủ nghỉ… Từ đó kế hoạch về việc xây dựng một homestay trở nên rõ ràng hơn và em quyết định sẽ đi theo con đường này.

"Sinh sau đẻ muộn" nhưng hiện tại lại đang là cái tên hot nhất trong cộng đồng homestay ở Y Tý, lợi thế của Xuy trong cuộc đua này là gì?

Em không coi đây là đua tranh hay gì cả, càng nhiều người làm thì càng tốt, càng tạo điều kiện cho Y Tý phát triển; nhưng đúng là em cũng có chút khác biệt với những người đi trước.

Các homestay ở dưới chợ (khu vực Trung tâm xã Y Tý) được xây dựng trước khu của em khá lâu, nhưng các cô chú chỉ biết dựng nhà lên, khách đến thì cho ngủ, không đến thì kệ chứ không có quảng bá hay giới thiệu gì để khách đến với mình. Ngay cả việc ăn uống cũng rất xem nhẹ, đúng kiểu "có gì ăn nấy" chứ những món ẩm thực của đồng bào Hà Nhì thì gần như không có. Thành ra khách đến với Y Tý chỉ có ngắm lúa, săn mây chứ chẳng biết gì thêm cả.

Em làm khác: ngay từ đầu em đã kể những câu chuyện của bản thân, kể về Y Tý trên trang cá nhân. Khách đến với em vì họ cần em, muốn được trải nghiệm câu chuyện của em, muốn được hiểu thêm về Y Tý, về người Hà Nhì chứ không đơn thuần là đi chơi, check-in xong rồi về.

Em còn nhớ hôm em khai trương homestay là ngày 2/9/2017, đoàn khách đầu tiên em đón gồm có 6 người đến từ Sài Gòn. Đó là dịp Lễ hội mùa Thu, em cùng 2 người anh nữa đang bán thắng cố dưới chợ phiên Y Tý thì khách gọi sẽ đến nhà em ở. Hôm đấy trời mưa rất to, em bán hàng dưới chợ mà không phút nào yên vì lo lắng, cứ chạy đi chạy về giữa 2 nơi, cuối ngày em mang một nồi thắng cố về mời khách.

Cả khách cả chủ ngồi uống rượu, ăn thắng cố cùng nhau, cảm giác lúc đó thật khó tả: vừa hồi hộp, vui mừng, vừa thở phào vì thấy mình có thể làm được một điều gì đó để mang đến sự hài lòng cho người khác…

Cũng từ đấy em nhận ra những việc cần phải làm nếu muốn thành công. Có thể nói em khác biệt vì em là người Hà Nhì, làm du lịch về văn hóa của dân tộc Hà Nhì.


img
img
img
img

Nếu muốn khách du lịch hoàn toàn có thể tự mình trải nghiệm những món ăn, lễ hội, phong tục của người Hà Nhì ở Y Tý. Ảnh: NVCC


Ly Xá Xuy và câu chuyện người Hà Nhì làm du lịch ở Y Tý - Ảnh 6.


Xuy có biết rằng văn hóa là câu chuyện thú vị nhưng cũng rất nhiều "rủi ro" không? Bởi so với những tiềm năng về thiên nhiên, khí hậu ở Y Tý, thì dường như văn hóa người Hà Nhì vẫn là điều gì đó hơi mơ hồ?

- Em nghĩ văn hóa mới là cái đáng giá và là món quà độc đáo, ý nghĩa nhất dành cho du khách khi đến với Y Tý. Đúng là cuộc sống hiện đại cũng đang khiến văn hóa dân tộc em mai một đi nhiều, bà con cũng chưa ý thức được việc cần phải gìn giữ và quảng bá; nhưng em thấy văn hóa không phải là cái gì cao siêu cả. Nó chính là cuộc sống hàng ngày đang diễn ra ở đây, là tiếng nói của người bản địa, là chợ phiên, là nếp nhà, là các lễ hội diễn ra hàng năm… Em cũng như nhiều người Hà Nhì khác đang hàng ngày hàng giờ sống giữa văn hóa của dân tộc mình đấy thôi.


Ly Xá Xuy và câu chuyện người Hà Nhì làm du lịch ở Y Tý - Ảnh 7.

Ví dụ như một trong những điểm nổi bật trong văn hóa của người Hà Nhì chính là những nếp nhà trình tường. Rất nhiều du khách đến với Y Tý đã ấn tượng và yêu thích những ngôi nhà độc đáo này, nhưng hiện nay nhà trình tường cũng không còn nhiều. 

Một số bà con không còn thích ở nhà đất nữa, họ muốn xây những ngôi nhà hiện đại, tiện nghi hơn. Còn em lại quan điểm khác: ông bà, cha mẹ mình đã ở trong những ngôi nhà đất ấy cả đời rồi. Mình cũng sinh ra và thuộc về những nếp nhà đó, tại sao lại phải phá đi?

Ở nhà đất thì có sao, miễn mình vui là được (cười).

Nhưng nói, nghĩ và làm là 3 việc hoàn toàn khác nhau đấy, nhất là trong kinh doanh thì lợi nhuận cũng là yếu tố sống còn. Sự khác biệt của Xuy có tỷ lệ thuận với lợi nhuận của homestay không?
Ly Xá Xuy và câu chuyện người Hà Nhì làm du lịch ở Y Tý - Ảnh 8.

- Chị nói đúng đấy, ai làm chẳng vì tiền. Để xây dựng được khu nhà này em cũng phải vay mượn rồi thuyết phục bố mẹ nhiều lắm. Giờ em vẫn đang ngập trong nợ nần đây này, nhưng mà em thấy tiền không phải là tất cả, em làm cho mình, cho cộng đồng. Khi mình vui và thấy ý nghĩa thì tiền không phải là mục tiêu hàng đầu nữa chị ạ (cười).

Em tự thấy mình có lợi thế là được đi học, được trải nghiệm một cuộc sống nhiều sắc thái ở Thủ đô, em muốn giúp đồng bào dân tộc mình. Em muốn bà con hiểu rằng mình hoàn toàn có thể kiếm ra tiền từ cách quảng bá văn hóa dân tộc mình đến khách du lịch.

Tiếc là nhiều người chưa hiểu, chưa nắm được những giá trị đó, họ chủ yếu làm nương rẫy ở nhà hoặc bỏ đi làm ăn dưới Sapa, Lào Cai. Công việc đều rất vất vả, cực nhọc, đồng lương không đáng là bao; thậm chí nếu có kiếm được nhiều tiền thì vẫn chỉ là làm thuê, phụ thuộc vào người khác.

Có thể bây giờ em chưa giúp được gì, nhưng thông qua những việc em đang làm, hy vọng rằng bà con sẽ hiểu là chẳng phải đi đâu xa, chẳng cần làm điều gì to tát cả: chỉ cần giữ gìn bản sắc dân tộc mình là đã thành công tới 60% rồi.

Ở đâu có cảnh đẹp, khí hậu tuyệt vời thì sẽ có các doanh nghiệp đầu tư bài bản, chuyên nghiệp tìm tới, Xuy có sợ sự xuất hiện của họ không?

- Em không chị ạ. Em còn mong mỏi điều đó đến sớm ý chứ. Cái hạn chế lớn nhất của du lịch Y Tý hiện nay là thiếu sự chuyên nghiệp. Nếu có doanh nghiệp nào đến với Y Tý thì chắc chắn cuộc sống của bà con nơi đây sẽ khởi sắc hơn, nhiều cơ hội việc làm hơn. Khi người ta không phải lo nhiều đến miếng cơm manh áo thì các giá trị tinh thần, trong đó có văn hóa sẽ được chú trọng nhiều hơn.

Như em đã nói, em có cái "duyên" của mình nên em không sợ cạnh tranh. Trong số 13 homestay ở đây mỗi một homestay đều có cách làm riêng. Khách muốn trải nghiệm văn hóa, muốn lắng nghe những câu chuyện văn hóa sẽ tìm đến em, nên em chưa bao giờ lo việc vắng khách cả. Em chỉ quan tâm làm cách nào để phục vụ khách tốt hơn nữa, không thấy buồn, tiếc khi suốt ngày phải từ chối khách vì hết phòng (cười).


Ly Xá Xuy và câu chuyện người Hà Nhì làm du lịch ở Y Tý - Ảnh 9.


Trong tương lai Xuy có định mở rộng quy mô homestay hoặc có thêm các chương trình du lịch Văn hóa như em nói không?

- Có chứ ạ, nhưng em không làm một mình được. Hiện tại em cùng nhiều anh chị khác đang có kế hoạch thành lập một CLB các homestay ở Y Tý để dần chuyên nghiệp hơn trong phục vụ khách. CLB sẽ là nơi chúng em trao đổi và giúp đỡ nhau, ví dụ nhà này hết phòng có thể giới thiệu khách sang nhà khác. Hoặc cùng kết hợp để tổ chức các tour văn hóa truyền thống để phục vụ khách mà không cần đợi mùa lễ hội.

Em thấy làm du lịch văn hóa mà cứ mạnh ai nấy làm, ganh đua cạnh tranh nhau thì không đúng. Văn hóa thuộc về cộng đồng chứ không phải của cá nhân nào cả. Thế thì làm du lịch cũng phải đoàn kết với nhau chứ không nên cạnh tranh, chỉ cần cả cộng đồng cùng chung sức là chúng em đã thành công lớn rồi.

Cảm ơn Xuy vì cuộc trò chuyện này, chúc em sớm đạt được những mong ước của mình và tiếp tục kể các câu chuyện đầy thú vị về Y Tý, về văn hóa của người Hà Nhì!

Tố Loan


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem