Mã số, mã vạch có thể ngăn chặn biến tướng trong thương mại điện tử

An Vũ Thứ tư, ngày 05/08/2020 14:46 PM (GMT+7)
Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được rao bán, đánh lừa người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử đang gia tăng nhanh chóng. Vì thế, theo nhiều chuyên gia, mã số, mã vạch là không thể thiếu trong sự phát triển của loại hình mua bán này.
Bình luận 0

Căn cước để hàng hóa hội nhập thế giới

Ngày 4/8, tại Hà Nội, Hội Mã số Mã vạch Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Áp dụng mã số, mã vạch trong truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả".

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ đề tài cùng tên của Hội thực hiện trong năm 2020 nhằm mục tiêu ứng dụng công nghệ mã số, mã vạch để minh bạch hóa thông tin về sản phẩm, hàng hóa.

Tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Mã số Mã vạch Việt Nam Phó Đức Sơn thông tin, mã số, mã vạch (MSMV) xuất hiện đầu tiên tại Hoa Kỳ năm 1974. Sau đó, nhiều tổ chức quốc tế về MSMV đã được thành lập, trong đó tổ chức toàn cầu GS1 thu hút được 160 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, cùng một cộng đồng hơn 1,6 triệu doanh nghiệp tham gia ứng dụng MSMV cho sản phẩm, hàng hóa của mình.

Mã số, mã vạch có thể ngăn chặn biến tướng trong thương mại điện tử - Ảnh 1.

Ông Phó Đức Sơn - Chủ tịch Hội Mã số Mã vạch Việt Nam thuyết trình tại hội thảo. Ảnh Năng lượng sạch Việt Na

Ông Phó Đức Sơn khẳng định, việc sử dụng MSMV trong truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu của thị trường, doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là bằng chứng để các cơ quan nhà nước xử lý các vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, chống gian lận thương mại.

Cùng ý kiến này, ông Bùi Hữu Đạo, Phó Chủ tịch Hội Mã số mã vạch Việt Nam cũng cho rằng, MSMV là vũ khí hữu hiệu để nâng cao sự cạnh tranh, đặc biệt là nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. Từ đó, giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý sản phẩm, dễ dàng phân phối hàng hóa trên hệ thống siêu thị, đảm bảo uy tín cho người tiêu dùng. Đồng thời, đây là căn cước để hàng hóa hội nhập thế giới.

Việc áp dụng MSMV trong chuỗi cung ứng giúp giảm 50% đầu tư nguyên liệu thô, tăng 3,5% về độ chính xác của báo giá, giảm 21% thời gian lưu kho, giảm 42% chi phí phân phối, giảm 35% kiểm kê hàng trong trung tâm phân phối, 32% giảm việc hết hàng, mang lại sự hài lòng cho khách hàng.

Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, thương mại điện tử đang ngày càng phát triển, vì thế không thể thiếu MSMV. Vì thế, mọi sản phẩm, hàng hóa đều phải có MSMV riêng và tốt nhất thì đó phải là các mã được phân theo quốc tế chứ không thể là riêng rẽ của từng hệ thống vì khi đó dễ bị trùng lặp.

Hiện nay thị trường thương mại điện tử ở nước ta có khoảng 35,4 triệu người sử dụng và tạo ra doanh thu hơn 2,7 tỷ USD trong năm 2019. Việt Nam hiện có gần 60 triệu người sử dụng internet, chiếm hơn một nửa dân số cả nước, con số này được dự báo sẽ tăng lên 68 triệu vào năm 2021.

Ngoài ra, số lượng người dùng điện thoại thông minh trong sinh hoạt và mua sắm hàng ngày được dự báo sẽ tăng từ 35 triệu lên 40 triệu vào năm 2021.

Truy xuất nguồn gốc vẫn mang tính khép kín

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đã chỉ ra một số tồn tại, bất cập trong hoạt động truy xuất nguồn gốc và áp dụng tem truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam.

Cụ thể, hiện việc truy xuất nguồn gốc chưa được sử dụng rộng mà mới áp dụng ở một số sản phẩm và một số địa phương, thị trường lớn.

Nhiều hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện nay vẫn mang tính khép kín, không có khả năng mở để các bên tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc này có thể tham gia với hệ thống truy xuất nguồn gốc khác.

Việc tự đặt các mã phân định (sản phẩm, địa điểm, các bên tham gia) không đơn nhất, có thể xảy ra trường hợp trùng mã giữa các hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Trên góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Viết Hồng - Chủ tịch Công ty Vina CHG cũng cho biết thêm, hiện doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa nhìn thấy hiệu quả thực sự của việc truy xuất nguồn gốc; chưa có sự giám sát và quản lý của Nhà nước đối với thông tin được truy xuất; tình trạng làm giả/sao chép tem truy xuất/mã QR trên bao bì còn nan giải...

Theo đó, để thúc đẩy ứng dụng công nghệ mã số mã vạch trong truy xuất nguồn gốc, nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu triển khai áp dụng các công nghệ và mã tiêu chuẩn mới mà thế giới đã áp dụng như công nghệ nhận dạng bằng tần số radio trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phổ biến áp dụng mã điện tử sản phẩm phục vụ cho công nghệ REID; phổ biến áp dụng các mã số mã vạch mới được tiêu chuẩn hóa và chấp nhận quốc tế.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam; cập nhật và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp sử dụng mã vạch bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

Hàng loạt các biện pháp khả thi cũng cần sớm được triển khai như tham gia mạng đăng ký thông tin toàn cầu GS1, mạng GEPIR Global; nghiên cứu triển khai thiết lập catalog điện tử sản phẩm sử dụng mã vạch; hỗ trợ các doanh nghiệp của Việt Nam chuẩn bị điều kiện đăng ký tham gia các mạng toàn cầu.

Đặc biệt, các lĩnh vực quản lý nhân sự, truy xuất nguồn gốc, trong ngành y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng rất cần được khuyến khích, tăng cường ứng dụng mã số, mã vạch.

Mục tiêu đến 2025 có tối thiểu 30% DN sử dụng MSMV

Việt Nam chính thức là thành viên của GS1 từ năm 1995 và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ cử làm đại diện. Về hành lang pháp lý cho MSMV tại Việt Nam, đã có nhiều văn bản được Chính phủ ban hành và mới nhất là Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 19/1/2019 để phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG).

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 có tối thiểu 30% doanh nghiệp sử dụng MSMV có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Cùng với việc đó, các cơ quan quản lý phải hoàn thiện, nâng cấp Cổng Thông tin Truy xuất Nguồn gốc Sản phẩm Hàng hóa Quốc gia, bảo đảm kết nối 100% hệ thống của các các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem