Mai vàng Huế sẽ thành thương hiệu nổi tiếng như hoa anh đào Nhật Bản

Trần Hòe Thứ bảy, ngày 26/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Ngày 25/2, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đến kiểm tra và tham gia trồng mai vàng Huế tại làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền).
Bình luận 0

Theo Ban quản lý di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích, hưởng ứng phong trào "Mai vàng trước ngõ" của tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2021 đến nay tại làng cổ người dân đã trồng hơn 2.000 cây mai vàng. 

Trồng cây mai vàng Huế đã tạo cảnh quan sinh thái, hình thành những vùng mai vàng, tạo điểm nhấn cho du khách mỗi khi đến với làng cổ Phước Tích, góp phần quan trọng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam.

Phát triển mai vàng Huế thành thương hiệu nổi tiếng như hoa anh đào Nhật Bản  - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ tham gia trồng 100 cây mai vàng tại làng cổ Phước Tích. Ảnh: T.M.

Qua kiểm tra tại làng cổ Phước Tích, ông Phan Ngọc Thọ đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban quản lý di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản làng cổ gắn phát triển du lịch, tạo cảnh quan môi trường sinh thái ngày càng xanh sạch đẹp.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, cần nâng tầm giá trị làng cổ Phước Tích, xứng đáng là một trong 2 làng cổ có bề dày lịch sử đã được công nhận Di tích quốc gia. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Phong Điền và xã Phong Hòa cần không ngừng đổi mới tư duy trong điều hành, tổ chức thực hiện, phát huy các giá trị của hệ thống nhà rường, di tích văn hoá... để làng cổ ngày càng phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Phát triển mai vàng Huế thành thương hiệu nổi tiếng như hoa anh đào Nhật Bản  - Ảnh 2.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế trồng mai vàng thực hiện phong trào "Mai vàng trước ngõ". Ảnh: Q.Đ.

Dịp này, ông Phan Ngọc Thọ đã tham gia trồng 100 cây mai vàng tại làng cổ Phước Tích. Ông bày tỏ vui mừng khi những vùng đất trồng mai hưởng ứng phong trào "Mai vàng trước ngõ" tại đây được chăm sóc và phát triển tốt.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế khẳng định, tỉnh có đủ điều kiện để phát triển cây mai vàng Huế trở thành thương hiệu nổi tiếng như hoa anh đào Nhật Bản. 

Để thực hiện điều này, cần đề ra chiến lược lâu dài và các mục tiêu cụ thể, trong đó phải xây dựng được thương hiệu giống mai vàng Huế thông qua việc quảng bá, tổ chức các lễ hội hoàng mai Huế mang tầm quốc gia.

Đối với Phong Điền, huyện này cần xây dựng trở thành một trong những địa phương trọng điểm của tỉnh trong việc khôi phục, phát triển mai vàng xứ Huế, qua đó phục vụ phát triển kinh tế thông qua du lịch, góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân, người chơi mai.

Phát triển mai vàng Huế thành thương hiệu nổi tiếng như hoa anh đào Nhật Bản  - Ảnh 3.

Mai vàng Huế triển lãm tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại Nội Huế. Ảnh: T.A.

Nhằm bảo tồn, phát triển nguồn gen giống mai vàng Huế và thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam trên nền tảng khoa học, tỉnh này đang triển khai 2 đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh gồm "Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống mai vàng Huế" và "Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm hoàng mai của tỉnh Thừa Thiên Huế".

Kết quả nghiên cứu của các đề tài là cơ sở để phát triển ngành sản xuất mai vàng Huế, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, góp phần ổn định kinh tế xã hội ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem