Mận hậu Ruby Sơn La vào Nam bán đắt ngang thịt bò, nhiều người vẫn tìm mua bằng được

Trần Khánh Thứ ba, ngày 22/06/2021 15:40 PM (GMT+7)
Mận hậu Ruby Sơn La được vận chuyển bằng đường hàng không vào TP.HCM và được bán với giá 230.000 đồng/kg. Giá này ngang ngửa 1kg thịt bò nhưng nhiều người vẫn mua bằng được.
Bình luận 0

Sự khác biệt của mận hậu Ruby Sơn La

Trái mận hậu đến từ tỉnh Sơn La không phải là mặt hàng mới lạ với người tiêu dùng ở thị trường phía Nam. Tuy nhiên, mận hậu Ruby Sơn La lại là thương hiệu mới, vừa được tỉnh này ra mắt hồi đầu tháng 6.

Đây là thương hiệu dành riêng cho những trái mận hậu ở thung lũng Nà Ka, huyện Mộc Châu. Trái mận hậu được tuyển chọn từ những vườn mận đạt chuẩn để xây dựng vị thế mới cho loại nông sản đặc trưng của Sơn La.

Như vậy, trên thị trường lưu thông song hành cả 2 mặt hàng là: mận hậu Sơn La bình thường và mận hậu Ruby tại thung lũng Nà Ka.

Các vùng trồng mận hậu khắp tỉnh Sơn La đang bước vào đầu mùa thu hoạch. Ảnh Dân Việt

Các vùng trồng mận hậu khắp tỉnh Sơn La đang thu hoạch mận. (Ảnh Dân Việt)

Thời điểm này, các vùng trồng mận hậu khắp tỉnh Sơn La đang bước vào đầu mùa thu hoạch. Theo các nông dân, mận vàng năm nay được mùa nhưng giá đang giảm mạnh. Trong khi đó, một số loại mận hậu canh tác theo hướng hữu cơ, chất lượng tốt có giá bán khá hơn.

Ông Lò Văn Minh, ở xã Nậm Lầu (huyện Thuận Châu) kể: Năm ngoái, giá mận hậu khoảng 15.000-16.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay giá mận rớt xuống còn từ 2.000-3.000 đồng/kg.

Theo ông Minh, mận hậu được mùa nhưng giá thấp do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp. Các đầu xe ở nhiều tỉnh thành không quay đầu lên Sơn La được. Thị trường tiêu thụ từ Trung Quốc cũng đang hạn chế thu mua.

Nhà ông Minh trồng 1 ha mận hậu. Với mức giá này, vụ mận năm nay, ông Minh chỉ lãi khoảng 3 triệu đồng.  

Trái mận hậu Ruby Sơn La được giới thiệu trên trang thương mại điển tử. Ảnh Foodmap

Trái mận hậu Ruby Sơn La được giới thiệu trên trang thương mại điển tử. (Ảnh Foodmap)

Tại thị trường TP.HCM và các tỉnh phía Nam, từ đầu tháng 5, các loại mận Sơn La đã bắt đầu xuất hiện lác đác. Tại các chợ truyền thống, quả mận xô, loại kích thước nhỏ có giá bán chỉ từ 20.000 đồng/kg.

Ngược lại, trên một số trang thương mại điện tử, mận hậu Ruby Sơn La có giá cao gấp chục lần nhưng vẫn có nhiều khách hàng tìm mua.

Điển hình như trang thương mại điện tử Foodmap.asia đang phân phối 2 dòng sản phẩm chính gồm mận hậu Ruby Sơn La và mận hậu Sơn La, với 4 mức giá khác nhau. 

Theo đó, mận hậu Ruby Sơn La loại đặc biệt có giá đến 230.000 đồng/kg; mận hậu Ruby Sơn La giá 130.000 đồng/kg; mận hậu Sơn La đặc biệt giá 115.000 đồng/kg và mận hậu Sơn La giá 65.000 đồng/kg.

Theo ông Phạm Ngọc Anh Tùng - Giám đốc công ty CP Công nghệ và Thương mại UFO, đơn vị sở hữu trang thương mại điện tử Foodmap.asia, dịch Covid-19 khiến nhiều địa phương lo lắng nông sản sẽ khó tiêu thụ khi vào mùa.

Thế nhưng, những mặt hàng đặc sản, có chất lượng tốt vẫn bán rất chạy tại thị trường Việt Nam.

Mận hậu Ruby Sơn La được doanh nghiệp thu mua, phân phối cho thị trường TP.HCM. (Ảnh Foodmap)

Mận hậu Ruby Sơn La được doanh nghiệp thu mua, phân phối cho thị trường TP.HCM. (Ảnh Foodmap)

Mận hậu Ruby Sơn La đang phân phối tại Foodmap được thu hoạch từ những vườn mận hậu cổ ở thung lũng Nà Ka (huyện Mộc Châu).

Sau đó, mận hậu Ruby Sơn La được vận chuyển về TP.HCM bằng đường hàng không để giao ngay đến khách hàng trong thời gian sớm nhất.

Trái chín vừa độ nên không có vị chát, không mềm, không nhũn... Sản phẩm được đóng gói hộp giấy sang trọng, có tem nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc.

Ông Tùng cho biết, đây là lần đầu tiên thị trường có sản phẩm mận hậu cao cấp, phù hợp với việc sử dụng lẫn biếu tặng.

Dù thương hiệu chỉ mới ra mắt hơn nửa tháng, Foodmap đã tiêu thụ được hơn 5 tấn mận hậu Ruby Sơn La chỉ tính riêng ở thị trường TP.HCM. Dự kiến sẽ có thêm 30 tấn hàng nữa được tiêu thụ qua kênh thương mại này trong tháng tới.

Mận hậu Ruby Sơn La có kích thước lớn hơn mận hậu thông thường. (Ảnh Foodmap)

Mận hậu Ruby Sơn La có kích thước lớn hơn mận hậu thông thường. (Ảnh Foodmap)

Ông Tùng đánh giá, mận hậu Ruby Sơn La có đủ các điều kiện về hình thức, chất lượng… để có thể có được chỗ đứng trên thị trường trái cây cao cấp.

"Không chỉ mận hậu Ruby mà rất nhiều loại nông sản, đặc sản vùng miền khác của Việt Nam có thể xếp vào hàng ngũ trái cây cao cấp, chứ không chỉ trái cây nhập khẩu. Những mặt hàng này sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân" - ông Tùng nhận định.

Đặc sản giá cao đâu chỉ hàng nhập khẩu

Anh Tạ Chí Công, nông dân ở huyện Mộc Châu (Sơn La) kể, thung lũng Nà Ka có thổ nhưỡng phù hợp, lại nằm trong vùng khí hậu Mộc Châu ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, rất thích hợp cho các loài cây ăn quả ôn đới.

Kết hợp với sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao, trái mận hậu có khả năng tích đường tốt, mận ngọt hơn.

Tỉnh Sơn La xây dựng thành thương hiệu để trái mận hậu làm đại diện cho nông sản của tỉnh. (Ảnh Foodmap)

Tỉnh Sơn La xây dựng thương hiệu để trái mận hậu làm đại diện cho nông sản của tỉnh. (Ảnh Foodmap)

Các cây mận trong thung lũng Nà Ka được trồng ở khoảng cách xa hơn vùng trồng khác, để cây có không gian sinh trưởng. 

Vì đề cao chất lượng từng trái mận, nông dân Nà Ka sẵn sàng tỉa cành, tỉa trái, hy sinh đến 30% sản lượng để giữ lại những trái ngon nhất. 

\Mận hậu Ruby cho quả lớn, tròn, kích thước đồng đều, chỉ dao động từ 18-25 quả/kg.

Gia đình anh Công đang trồng 5ha mận hậu, với khoảng 1.400 cây. Trong vườn có nhiều cây từ 3 năm đến 25 năm tuổi.

Vườn của anh Công là một trong những vườn mận cổ nhất Sơn La, được UBND tỉnh chọn xây dựng thương hiệu mận hậu Ruby Sơn La.

Anh Công kể, vườn mận bắt đầu cho trái để kinh doanh từ năm 1998. Năm 2021 này là lần đầu tiên vườn mận của anh tham gia kết nối với các doanh nghiệp để đưa mận hậu Sơn La tiêu thụ khắp nước.

"Được chính quyền hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp là cơ hội tốt cho nông dân trồng mận. Người trồng sẽ nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng trái mận hậu Ruby để đáp lại lòng tin từ thị trường" - anh Công chia sẻ.

Người dân tỉnh Sơn La thu hoạch trái mận hậu. (Ảnh Foodmap)

Người dân tỉnh Sơn La thu hoạch trái mận hậu. (Ảnh Foodmap)

 

Ngoài Foodmap, Mia Fruit và ECovi là 2 đơn vị khác cùng đồng hành cùng UBND tỉnh Sơn La trong chương trình Nâng tầm thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ mận hậu Ruby lần này.  

Trong đó, EcoVi tham gia dự án với vai trò quản lý chất lượng đầu vào và điều phối sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Lê Na - Giám đốc Điều hành Ecovi cho biết, đơn vị phải tìm hiểu rất nhiều để hiểu rõ được đặc tính kỹ thuật, thói quen canh tác cũng như các yếu tố tác động tới quy trình sản xuất.

"Quá trình làm việc với các cộng sự đã đạt được sự thấu hiểu cùng nhau để đồng hành. May mắn là  được thị trường đón nhận bước đầu rất tích cực", bà Lê Na chia sẻ.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Sơn La, toàn tỉnh có khoảng 11.000ha trồng mận. Trong đó, mận vàng chiếm khoảng 3.000ha.

Mận vàng tiêu thụ chậm nên giá thấp hơn. Hiện nay, nhiều vườn vẫn trồng mận theo lối xen canh. Mận vàng vì thế chất lượng thấp, trái nhỏ, không đồng đều, vị chua… nên giá bán khá thấp.

Ngược lại, những vườn mận hậu tại thung lũng Nà Ka (huyện Mộc Châu) được trồng theo hướng VietGAP. Trái mận ở đây lớn hơn, vị ngọt đậm đà hơn, giá bán cũng cao hơn.

Mận hậu xuất xứ từ thung lũng Nà Ka đang được UBND tỉnh Sơn La xây dựng thành thương hiệu, đại diện cho nông sản của tỉnh miền núi Tây Bắc này. 

"Định hướng của tỉnh là phát triển nông nghiệp hàng hóa giá trị cao, đi kèm với chất lượng đạt chuẩn. Trong đó, mận hậu Ruby là một trong những sản phẩm tiên phong", ông Hà Như Huệ - Giám đốc Sở NNPTNT Sơn La cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem