Mặn lấn vào nội đồng đúng Tết, nông dân vác bánh tét ra đồng canh con nước mặn

Trần Đáng Thứ tư, ngày 10/02/2021 06:07 AM (GMT+7)
Dự báo, tại một số tỉnh ĐBSCL, đợt nước mặn lên cao nhất đúng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, tức 8 - 6/2. Nhiều bà con nông dân đã nghĩ đến việc ngày Tết phải mang bánh tét ra đồng canh con nước mặn.
Bình luận 0

Ông Đinh Hoàng Sơn (xã Mỹ Thạnh, Thủ Thừa, Long An) vừa cho biết, nước mặn đã xâm nhập đến địa bàn huyện. Nhiều bà con trồng lúa đã cho trữ nước ngọt vào ruộng và kênh mương để chủ động phòng chống hạn mặn.

Mặn vào nội đồng xuyên Tết, nông dân vừa đón xuân vừa canh con nước - Ảnh 1.

Thứ Trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đến tham quan mô hình kênh trữ nước ngọt chống hạn mặn tại một vườn bưởi của nông dân ở Tiền Giang.

Vác bánh tét ra đồng canh con nước

"Nước mặn tại đây đang ở mức 0,5 phần ngàn. Dự báo, 3 ngày tết, mặn sẽ tăng 1-2 phần ngàn. Kiểu này vừa ăn Tết vừa đi canh mặn rồi", ông Sơn than thở.

Theo ông Sơn, vụ đông xuân 2020-2021, ông trồng 2,5ha lúa. Hiện, lúa đã hơn 2 tháng. Trước tình hình nước mặn xâm nhập, ông Sơn đã cho trữ nước ngọt vào ruộng và kênh mương trên đồng.

Phòng NNPTNT huyện Thủ Thừa cho biết, hiện nước mặn theo triều đang xâm nhập sâu vào địa bàn huyện. Vụ đông xuân này, bà con trên địa bàn trồng 16.900ha lúa. Trong đó, khả năng diện tích bị ảnh hưởng mặn là 1.700ha.

Theo Phòng NNPTNT huyện Thủ Thừa, hiện toàn bộ diện tích phía trong hệ thống Nhật Tảo – Tân Trụ đã có cống. Tỉnh hỗ trợ cho huyện 2 trạm bơm công suất 10.000m3/g. 

Thời điểm này, các cống đã cho đóng để trữ nước ngọt. Phía ngoài hệ thống này, có 1.000ha lúa và 700ha cây ăn trái. Ngành chức năng cũng đã khuyến cáo bà con nông dân lấy nước ngọt để phòng chống hạn mặn thời gian tới.

Tại ấp Mỹ Phú (xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang), trước tình hình xâm nhập mặn được dự đoán khá nghiêm trọng thời gian tới, rút kinh nghiệm mùa hạn mặn vừa qua, năm nay ông Lê Văn Tài đã thuê nhân công nạo vét sớm tất cả các mương trong vườn cây ăn trái để trữ nước ngọt.

"Đợt hạn mặn năm ngoái, do thiếu chủ động phòng chống nên vườn cây ăn trái của tôi bị thiệt hại đáng kể, cho đến giờ vẫn chưa khắc phục xong. Đợt hạn mặn này, tôi cho nạo vét kênh mương trong vườn để trữ nước ngọt tưới cây. Tôi còn định trồng cỏ ở trong vườn để giữ ẩm đất, hạn chế bốc hơi nước cho cây", ông Tài chia sẻ.

Mặn vào nội đồng xuyên Tết, nông dân vừa đón xuân vừa canh con nước - Ảnh 2.

Nạo vét kênh mương phòng chống hạn mặn tại thị xã Cai Lậy, Tiền Giang.

Ngăn mặn và trữ ngọt        

Trước khả năng hạn, mặn xâm nhập sớm lấn sâu vào nội đồng và kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt đời sống của người dân, mới đây UBND tỉnh Long An đã công bố tình trạng thiên tai do xâm nhập mặn cấp độ 1.

Theo đó, các hoạt động, biện pháp công trình và phi công trình để thực hiện ứng phó, khắc phục trong thời gian diễn ra thiên tai xâm nhập mặn được thực hiện theo tình huống khẩn cấp.

Hiện, tỉnh Long An đang gấp rút lắp đặt 18 cửa cống ngăn mặn trên Quốc lộ 62 và Đường tỉnh 836 trước dự báo hạn mặn tăng cao trong vài ngày tới.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện cho biết, đã yêu cầu các địa phương trên địa bàn khắc phục hoặc xây mới ngay các cống ngăn mặn bị rò rỉ nước.

Trong khi đó, theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, vừa qua, độ mặn trên 2 g/l trên sông Tiền đã vượt qua Vườn hoa Lạc Hồng (TP. Mỹ Tho) và độ mặn xấp xỉ 0,3 g/l đã xâm nhập sâu vào nội đồng 55 km.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Tiền Giang quyết định triển khai đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành và 7 đập thép khác trên các tuyến kinh, rạch gồm: Ông Hổ, cầu Sao, rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà, Ông Mười để đảm bảo tính đồng bộ và bảo vệ nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu dân 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.

Đồng thời, việc đắp đập này sẽ bảo vệ cho khoảng 128.000ha sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Tiền Giang khoảng 108.000ha, Long An khoảng 20.000ha.

Mặn vào nội đồng xuyên Tết, nông dân vừa đón xuân vừa canh con nước - Ảnh 3.

Bộ NNPTNT kiễm tra hệ thống thủy lợi ở Long An đợt hạn mặn năm 2020.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), dự báo dòng chảy tháng 2/2021 từ thượng lưu sông Mê-kông về ĐBSCL cỏ thể ở mức rất thấp, kèm theo xâm nhập mặn tháng 2, có khả năng hạn mặn ở ĐBSCL rất nghiêm trọng.

Ông Tùng cũng khuyến cáo, từ nay đến 8/2 và 16-22/2, độ mặn khu vực sông Cửu Long giảm, nước ngọt có khả năng xuất hiện tại khu vực cách biển 35-45km.

Ông Tùng đề nghị các địa phương khẩn trương gia tăng lấy nước ngọt trong các thời gian trên để chủ động phòng chống hạn mặn thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem