Mận rớt giá, chính quyền 'xắn tay' cùng dân bán nông sản

04/05/2020 10:17 GMT+7
Ngay vào đầu vụ thu hoạch, giá mận hậu tại Sơn La đã sụt giảm chỉ bằng một nửa so với đầu vụ năm ngoái, cộng với sức tiêu thụ ì ạch, khiến nhiều chủ vườn lo thất thu, thua lỗ.
Mận rớt giá, chính quyền 'xắn tay' cùng dân bán nông sản - Ảnh 1.

Nhiều nhà vườn trồng mận ở huyện Mộc Châu đứng trước mối lo thất thu do ảnh hưởng dịch Covid-19 .ẢNH NGUYỄN HÙNG

“Chưa mùa mận nào bết bát như năm nay!”

Có vườn trồng gần 1.000 gốc mận chia làm 2 loại mận tam hoa và mận hậu ở phường Chiềng Cọ (TP.Sơn La, tỉnh Sơn La), ông Hoàng Văn Tượng đã nếm trái đắng ngay từ đầu vụ thu hoạch mận tam hoa. Ông Tượng cho biết, giống mận này cho thu hoạch từ đầu tháng 3, thời điểm rộ nhất rơi đúng vào thời gian cách ly xã hội phòng chống dịch Covid-19, khiến giá mận chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, nhưng cũng không có người đến mua.

Mận chín, nhà vườn cũng không buồn hái, để rụng lả tả đầy gốc cây. Sau ngày 23.4, quy định giãn cách xã hội được nới lỏng, giá mận tam hoa bật tăng lên 5.000 - 6.000 đồng/kg thì vườn đã vào cuối vụ, mận còn không đáng kể.

Hiện tại, vườn mận nhà ông Tượng bắt đầu cho thu hoạch mận hậu. Theo ông Tượng, thông thường mọi năm, mận hậu đầu mùa được thương lái săn lùng đặt mua để đưa về Hà Nội bán với giá rất cao: từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, nhưng năm nay, giá rớt thê thảm.

Mận đầu mùa chọn loại đẹp cũng chưa đến 30.000 đồng/kg, còn bán sô không chọn ở vườn thì giá chỉ hơn 20.000 đồng/kg. “Chưa khi nào mùa mận lại bết bát và khó khăn như năm nay. Cả vụ thu hoạch mận tam hoa được chưa đến 10 triệu đồng, và mận hậu hiện giờ cũng mất giá”, ông Tượng nói.

Chia sẻ về sức tiêu thụ mận hậu trong những ngày vừa qua, ông Trần Đình Hưng, chủ vườn mận ở Tiểu khu 12, thị trấn Nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), thở dài: “Hai trận mưa đá liên tiếp trong tháng 4 vừa qua khiến nhiều nhà vườn trồng mận thêm lao đao, khốn khó. Ngoài lượng quả bị rụng, mận trên cây bị xước, sẹo, rất khó bán trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như hiện nay”.

Theo ông Hưng, mỗi mùa mận trước, gia đình đều có nguồn thu trên 100 triệu đồng, nhưng năm nay, giá vừa thấp, vừa mất sản lượng do mưa đá, tiền thu về mong đủ chi phí sản xuất, thuê mướn nhân công.

Anh Hạng A Vạng, chủ vườn mận ở bản Ba Khen 1, thị trân Nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu, Sơn La), cho biết mùa thu hoạch mận trùng với dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5. Nhưng năm nay, khách du lịch đến Mộc Châu thưa vắng, các nhà vườn mất đi một kênh bán hàng trực tiếp cho khách du lịch trực tiếp thăm vườn hái mận.

Những ngày qua, vườn mận đến lượt hái quả, anh Vạng phải chở mận ra ngoài quốc lộ 6 bán lẻ cho khách qua đường. “Giá bán cho khách bây giờ cũng chỉ 25.000 - 30.000 đồng/kg và sản lượng bán không đáng kể, trong khi vườn mận năm nay dự kiến cho thu hơn 3 tấn quả”, anh Vạng nói.

Chính quyền vào cuộc

Chia sẻ về mùa mận hậu năm nay, ông Trần Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), cho biết dịch Covid-19 khiến sản lượng mận tiêu thụ qua chợ đầu mối bị giảm mạnh, thương lái mua hàng ít và cầm chừng nghe ngóng diễn biến dịch bệnh.

Nếu những năm trước, thương lái thường mua “ôm” cả vườn, thì năm nay họ chọn mua theo từng thời điểm, thậm chí từng ngày. Đối với mận hậu loại 1, chọn từng quả, 10 quả to đều như nhau thì vẫn có giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, loại bé hơn thì 20.000 - 30.000 đồng/kg và loại bé nhất khoảng 10.000 đồng, tính ra giá trung bình khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg, thấp hơn so với đầu mùa năm ngoái khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg. “Từ nay đến chính vụ, sản lượng thu hoạch còn tăng, khi học sinh, sinh viên đi học trở lại, thương lái tăng mua, thị trường sẽ sôi động, giá sẽ nhích lên”, ông Thành nói.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, cho biết dự báo sản lượng mận hậu toàn tỉnh năm nay ở mức 68.000 tấn, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ kết nối tiêu thụ mận hậu và nhiều nông sản khác không được tổ chức đã ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường mận hậu năm nay. Thống kê sau ngày 23.4 đến nay, số lượng đầu xe tải từ 1,2 - 1,5 tấn của thương lái ngoại tỉnh về các vùng trồng mận thu mua tự do đã tăng lên từng ngày.

Cũng theo ông Công, để thúc đẩy tiêu thụ mận hậu và tới đây là mùa xoài, nhãn cùng nhiều loại nông sản khác, thích ứng với các quy định phòng chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Sơn La đã yêu cầu 4 sở cùng vào cuộc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, bắt đầu từ mùa mận hậu.

Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh đẩy mạnh các kênh quảng bá, tuyên truyền; 3 sở còn lại gồm: Công thương, Kế hoạch - Đầu tư, NN-PTNT thì hỗ trợ kết nối tiêu thụ qua các doanh nghiệp có kênh phân phối bán lẻ, chế biến.

“Chúng tôi đang đẩy mạnh sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá, bán nông sản online qua mạng xã hội, giúp nông dân, các nhà vườn tìm đầu ra cho nông sản. Hiện tại, Sở Công thương đã thành lập đội, nhóm chuyên đưa thông tin lên mạng xã hội hoặc hướng dẫn, tư vấn nhà vườn bán mận thiết lập kênh bán hàng online, chủ động tiếp cận khách hàng”, ông Công nói.

Theo Hoàng Phan/Thanh Niên
Cùng chuyên mục