Mạnh “gà” - đại gia chân đất từ bỏ lò gạch vì phải lòng “cỗ máy nhả vàng” - Ảnh 1.

Trước khi đến với nghiệp chăn nuôi, anh Mạnh là một chủ lò gạch có tiếng trong vùng. Vậy nhưng một ngày anh quyết định phá bỏ lò gạch ngày đêm nhả khói, về làng dựng trại nuôi lợn, gà. Nói về bước ngoặt này, anh bảo: Quanh năm suốt tháng phải mang tiền đi đền lúa, rau màu cho bà con, đã đến lúc phải dừng lại.

Mạnh “gà” - đại gia chân đất từ bỏ lò gạch vì phải lòng “cỗ máy nhả vàng” - Ảnh 2.

Tại sao anh lại đột ngột từ bỏ một nghề hái ra tiền chuyển sang lĩnh vực chăn nuôi vốn chịu rất nhiều rủi ro?

- Tôi gắn bó với nghề làm gạch từ những năm 1990, nói thật cái nghề xắn đất đổi lấy tiền này cho thu nhập rất khá. Từ 1 lò gạch ban đầu, sau 8 năm, đến năm 1998, vợ chồng tôi đã xây dựng được 5 lò gạch, mỗi lò cho 15 – 20 vạn viên/lần đốt, có những năm tôi thu tới 150 triệu đồng từ làm gạch, đó là một số tiền khủng lúc bấy giờ. Tôi nhớ, vợ chồng tôi cứ tích cóp đốt xong một lò lại đi mua vàng, đến lúc cần tiền dựng trang trại mà nói không ngoa có cả một ống bơ nhẫn vàng.

Mạnh “gà” - đại gia chân đất từ bỏ lò gạch vì phải lòng “cỗ máy nhả vàng” - Ảnh 3.

Nhưng nghề này cũng bạc, gây thù chuốc oán với người dân xung quanh bởi dù có xây dựng lò gạch ở ngoài bãi ven sông, xa khu dân cư nhưng cứ mỗi khi đổi gió, khói lò gạch lại ảnh hưởng đến cuộc sống sản xuất, sinh hoạt của người dân. Năm nào tôi cũng phải vác một đống tiền đền bù những diện tích lúa, hoa màu của bà con bị úa, táp lá do khói lò gạch. Dù đã đền bù 100% thiệt hại nhưng nói thật mỗi lần như vậy tôi lại thấy vô cùng áy náy.

Năm 2003, khi Chính phủ có chủ trương dẹp bỏ các lò gạch thủ công để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, cộng với địa phương có chủ trương dồn điền đổi thửa, tôi đã nhen nhóm ý định chuyển đổi đất làm trang trại nên mua 4.000m2 đất ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả. Năm 2005, tôi từ bỏ những lò gạch thủ công gắn bó với mình suốt nhiều năm, bắt đầu lập trang trại nuôi lợn.

Từ bỏ một cỗ máy chỉ cần đốt đất lấy tiền, anh có cảm thấy tiếc nuối?

- Ngược lại, tôi thấy mình như được giải thoát. Khi không còn làm nghề đốt gạch, tôi có thể vui vẻ gặp bà con làng xóm thay vì chỉ mang tiền đi giải quyết mâu thuẫn trong quá trình đốt gạch. Hơn 10 năm làm phiền bà con, như vậy là quá đủ, đến lúc phải trả lại cho làng quê bầu không khí trong lành, tốt cho mọi người và cho cả chính tôi.

Sau này, khi tôi chuyển sang xây dựng trang trại chăn nuôi lợn, dù vất vả sớm hôm lo dịch bệnh, lo tiêu thụ, thu nhập cũng chỉ bằng 1/3 so với làm gạch nhưng tôi thấy tâm mình thanh thản vô cùng. Sau này, con gà còn cứu giúp gia đình tôi khỏi nhiều phen lận đận.

Mạnh “gà” - đại gia chân đất từ bỏ lò gạch vì phải lòng “cỗ máy nhả vàng” - Ảnh 4.

Sau khi bỏ nghề làm gạch thủ công, anh Mạnh có 2 năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn, nhưng sau đó, anh chuyển sang nuôi gà đẻ và gắn bó với những con gà chăm chỉ nhả trứng trong nhiều năm nay. Còn về lý do chuyển đổi, anh bảo: Nuôi lợn giữa làng, ô nhiễm quá, chả ai chịu được.

Mạnh “gà” - đại gia chân đất từ bỏ lò gạch vì phải lòng “cỗ máy nhả vàng” - Ảnh 5.

Con đường lập nghiệp của anh có vẻ luôn có những ngã rẽ rất bất ngờ. Tại sao mới nuôi lợn được 2 năm anh lại chuyển sang nuôi gà đẻ trứng?

- Sau khi mua được 4.000m2 đất ruộng, năm 2005, tôi bắt đầu xây dựng trang trại nuôi lợn. Nói thật, nhiều người gặp khó khăn về vốn khi đầu tư chăn nuôi, nhưng với tôi, vốn không phải là vấn đề mà cực nhất là đi tìm đầu ra cho sản phẩm.

Mạnh “gà” - đại gia chân đất từ bỏ lò gạch vì phải lòng “cỗ máy nhả vàng” - Ảnh 6.

Có thời điểm trang trại nhà tôi có tới 250 con lợn thịt, 10 con nái, nhưng thời đó, nhu cầu tiêu thụ chưa cao như bây giờ bởi chưa có nhiều khu công nghiệp, việc tiêu thụ chỉ phụ thuộc vào các thương lái thu mua nhỏ lẻ. Đây là bài toán hết sức nan giải.

Vấn đề thứ hai tôi gặp phải là dịch tai xanh trên đàn lợn khiến tôi bị thiệt hại đáng kể. Nhưng động lực chính khiến tôi chuyển đổi mô hình chăn nuôi là do trang trại của tôi nằm ở giữa làng, gây ô nhiễm, tôi không muốn có thêm mâu thuẫn với bà con làng xóm nên quyết định chuyển sang nuôi gà đẻ trứng cho đỡ áp lực lên môi trường.

Năm 2007, tôi chính thức chuyển sang nuôi gà đẻ trứng. Để chắc ăn, tôi không dám đầu tư ồ ạt ngay từ đầu nên chỉ thử nghiệm nuôi một chuồng 3.000 con, 1 năm sau tôi xây tiếp một chuồng nữa, nuôi 1,7 vạn con gà siêu trứng. Tôi cũng chịu khó đi nhiều nơi tham khảo, học hỏi kinh nghiệm để gà đạt năng suất cao, trứng đạt chất lượng.

Thời điểm đó cũng bùng nổ các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, nhu cầu của các bếp ăn công nghiệp lớn nên trứng gà tiêu thụ thuận lợi lắm, có ngày tôi thu tới 1,1 vạn quả trứng, nhặt trứng mỏi cả tay. Những năm đó, tôi thu đều tay hơn 200 triệu đồng/năm nhờ nuôi gà đẻ trứng.

Để tiêu thụ trứng gà, thời gian đầu, tôi chở xe máy giao tận nơi cho thương lái, có ngày đi 3 – 4 chuyến ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Sau đó, vì quá vất vả, tôi hợp đồng cho xe về chở tận nơi.

Tôi nhớ có lần chở trứng ra phố, tôi ghé vào cửa hàng mua ba cái mũ bảo hiểm vì Chính phủ có quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, tôi muốn mua loại đắt nhất ở cửa hàng. Chắc thấy tôi nông dân ăn mặc xuề xòa, bà chủ nhìn tôi từ đầu đến chân bảo: "Chú có mua được thật không?" - tôi cười bảo: "Chị không bán em đi hàng khác". Bà ấy đâu biết, tôi chỉ cần dạo một vòng quanh trại là có tiền triệu đút túi rồi.

Năm 2016, tôi quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi, mua thêm đất ở khu dân cư Duẩn Khê cũng thuộc xã Long Xuyên với diện tích hơn 2ha để lập trang trại nuôi mới.

Ở trang trại mới này, tôi quy hoạch thành 3 khu chuồng nuôi, quy mô 1,6 vạn con gà đẻ. Giữa các khu chuồng, tôi trồng cây ăn quả (hồng xiêm, mít Thái, na), đào ao nuôi cá, ba ba. Trang trại nằm giữa cánh đồng, biệt lập với khu dân cư, rất thuận lợi cho chăn nuôi. Có những thời điểm thị trường tiêu thụ thuận lợi, tôi thu cả chục triệu đồng nhờ bán trứng mỗi ngày.

img
img
img
img

Anh Trần Văn Mạnh kiểm tra sức khỏe đàn gà và trứng trong trang trại.

Một điều rất ấn tượng với tôi là vào trang trại của anh không thấy có mùi hôi từ chất thải của gà. Đâu là bí quyết làm nên điều này?

- Để đảm bảo đàn gà phát triển khỏe mạnh, tránh xa mọi loại dịch bệnh, tôi nuôi gà theo công nghệ chuồng kín được chia thành các khu riêng biệt, có thiết bị làm mát, thiết bị cho ăn và uống nước tự động, sử dụng đệm lót sinh học để giảm ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Tôi cũng tuân thủ nghiêm túc quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng các chế phẩm để nâng cao sức đề kháng của gà, xử lý chất thải.

Mạnh “gà” - đại gia chân đất từ bỏ lò gạch vì phải lòng “cỗ máy nhả vàng” - Ảnh 8.

Nói thật với bạn, ở trang trại của tôi chẳng có cái gì thừa thãi cả, kể cả phân gà, sau một chu trình xử lý, tôi thu gom lại, bán cho những người trồng cây ăn quả, đơn giản vậy thôi nhưng cũng có thêm 20 triệu đồng/tháng đó.

Trong quá trình khởi nghiệp với nghề nuôi gà, có khi nào anh gặp thất bại không?

- Có chứ, cũng phải đôi lần bầm dập đấy. Tôi nhớ năm 2011, gà đang nhả trứng đều mỗi ngày thì dịch bệnh Newcastle (bệnh gà rù) tràn vào trang trại, đàn gà cứ thế đi ngoài phân xanh, khó thở, dáng đứng xiêu vẹo rồi chết. Đận đó, tôi lỗ 900 triệu đồng.

Năm 2012, tôi lại khôi phục đàn gà và thu lãi khá do dịch bệnh, đàn gà nhiều nơi giảm nên nguồn cung trứng ít hơn cầu. Đang sung sướng thì năm 2013, trang trại lại bị dịch cúm gia cầm đe dọa, hơn 700 triệu đồng đi toi. Sau đó, tôi nhận ra, không thể chăn nuôi quy mô lớn theo kiểu được chăng hay chớ mà phải đầu tư bài bản, khoa học.

Con giống phải nhập ở những địa chỉ uy tín, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm vaccine dành cho gà. Nhờ đó, từ năm 2014 đến nay, không một loại dịch bệnh nào bén mảng đến trại gà của tôi.

Tuy nhiên, cú sốc do bão giá thì tôi không thể nào chống cự được, tôi nhớ cuối năm 2017, giá trứng chỉ còn 700 đồng/quả, mỗi ngày mở mắt ra tôi lỗ 4 triệu đồng, chỉ trong 6 tháng tôi lỗ 1,3 tỷ đồng.

Nhưng dù vậy, tôi vẫn kiên trì với hướng đi của mình. Nhiều người bảo tôi: "Sao ông vẫn lạc quan thế?", nhưng tôi nghĩ làm nông có lúc này lúc khác, nếu vì nản mà bỏ cuộc sớm thì công sức đầu tư ban đầu sẽ trôi ra sông ra biển. Vả lại tôi chọn cách đầu tư chậm mà chắc, không phụ thuộc quá nhiều vào vốn ngân hàng nên khi gặp rủi ro cũng không quá áp lực trả nợ.

Từ năm 2018 đến nay, thị trường khởi sắc, năm nào tôi cũng thu 9 – 10 tỷ đồng tiền trứng, trừ chi phí thu lãi 1,7 – 2 tỷ đồng. Trang trại của tôi cũng tạo việc làm cho 6 lao động với thu nhập 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Thực ra, từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 tác động nhưng tôi cũng không gặp khó khăn nhiều như thời điểm bão giá, bởi nhu cầu tiêu thụ của người dân vẫn cao, chỉ là việc vận chuyển khó khăn hơn. Thời điểm này, nhu cầu làm bánh, trứng muối đang lên cao, giá trứng lên nên tôi tiêu thụ rất tốt, dịch Covid-19 hầu như không có tác động gì.

Mạnh “gà” - đại gia chân đất từ bỏ lò gạch vì phải lòng “cỗ máy nhả vàng” - Ảnh 9.

Với anh Mạnh, đàn gà Gold-line siêu trứng không chỉ là cỗ máy nhả vàng khổng lồ mà còn là cứu cánh giúp anh có những quyết định đúng đắn, giúp gia đình vượt qua sóng gió.

Mạnh “gà” - đại gia chân đất từ bỏ lò gạch vì phải lòng “cỗ máy nhả vàng” - Ảnh 10.

Hơn 13 năm gắn bó với con gà, hẳn anh đã trở thành một chuyên gia, có khi gà ho một tiếng cũng biết chúng đang muốn gì, đúng không?

- Nói không ngoa thì chỉ cần gà ho một tiếng là tôi biết nhu cầu của chúng là gì, nhìn chất thải của gà là tôi có thể đoán bệnh, hoặc chúng đang thiếu chất gì cần bổ sung. Đàn gà này không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình tôi suốt bao năm qua, nó còn giúp tôi vượt qua bao phen gian khó, không có nó khéo giờ này tôi thành... cát tặc.

Mạnh “gà” - đại gia chân đất từ bỏ lò gạch vì phải lòng “cỗ máy nhả vàng” - Ảnh 11.

Đó là thời điểm năm 2016, trước khi tôi quyết định mua trang trại thứ hai ở khu dân cư Duẩn Khê. Lúc đó, tôi đã ngắm được chiếc thuyền hút cát, xã tôi ngay bên bãi sông, bên kia là huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), cũng có nhiều người giàu lên nhờ nghề khai thác cát.

Lúc đó, trong tay tôi cũng có vài tỷ tiền lãi từ nuôi gà sau nhiều năm, tôi dự định mở rộng sang lĩnh vực khác nên đi tìm hiểu mua tàu, khi tàu đã về bãi, gần đến ngày đặt cọc, một sáng tôi đi kiểm tra một vòng chuồng trại, nhìn những con gà miệt mài cho ra những quả trứng mỗi ngày, tôi chợt nghĩ: "Vàng ở đây, chứ cần gì phải đi mò mẫm dưới lòng sông".

Tôi quyết định từ chối mua tàu, lên xã đặt vấn đề mua đất làm thêm trang trại thứ hai.

Đứa con trai của tôi cũng nhờ tiếng gà mà tìm lại được cuộc sống đúng nghĩa của mình sau một thời gian lầm lạc, nói thật khi con cái mình sa vào con đường tội lỗi, chẳng còn cách nào khác, mình phải ở bên vực chúng dậy, dẫn đi trên con đường mới.

Mất khoảng 4 năm vật vã từ bỏ chất kích thích, năm 2016, con trai tôi đã chính thức tiếp quản trang trại nuôi gà đầu tiên tôi gây dựng, còn tôi ra khu Duẩn Khê này xây dựng trại mới. Tôi đang hướng dẫn con trai mình kỹ thuật chăn nuôi gà, kinh nghiệm quản trị để một vài năm tới, tôi sẽ chuyển dần cho vợ chồng nó quản lý. Giờ nó còn say mê với gà hơn cả tôi.

Mạnh “gà” - đại gia chân đất từ bỏ lò gạch vì phải lòng “cỗ máy nhả vàng” - Ảnh 12.

Ngẫm lại, đàn gà mang lại cho gia đình anh không chỉ tiền bạc mà còn cả hạnh phúc và bình yên?

- Đúng vậy. Vì thế, tôi coi chúng như những thành viên trong gia đình, mỗi ngày nghe tiếng gà cục tác, xôn xao trong trại tôi thấy rất vui, đi xa vài ngày là nhớ. Vợ chồng tôi giờ không phải quá áp lực về kinh tế, con cái động viên chúng tôi đi du lịch Hàn Quốc, Thái Lan, mà chỉ đi được vài ba hôm là nhớ trại gà, nhớ cánh đồng, nhớ dòng sông này.

Anh có dự định mở rộng trang trại trong thời gian tới?

- Trước mắt, tôi sẽ không mở rộng thêm diện tích mà tập trung phát triển hai trại gà thật ổn định. Hướng đến, tôi sẽ chăn nuôi theo quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng trứng.

Xin cảm ơn anh và chúc anh luôn thành công với những kế hoạch của mình trong tương lai.

Mạnh “gà” - đại gia chân đất từ bỏ lò gạch vì phải lòng “cỗ máy nhả vàng” - Ảnh 13.

Câu chuyện của tôi và người nông dân chất phác này cứ miên man trôi đi trong cơn gió mát rượi từ dòng sông thổi lại, giữa bốn bề đồng lúa mát xanh, giữa tiếng gà cục tác giữa trưa. Đất Long Xuyên giờ không thiếu những chủ trang trại năng động, sáng tạo như anh Mạnh. Họ đang từng ngày tô điểm cho những con đường, những cánh đồng của quê hương thêm xanh màu no ấm.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem