Mạo danh mã số vùng trồng, dùng không đúng mã số để xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Bình Minh Thứ sáu, ngày 10/02/2023 11:49 AM (GMT+7)
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), khó khăn, tồn tại trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc hiện nay là tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu.
Bình luận 0

Vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Tại Diễn đàn Kết nối nông sản 970 "Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)", ngày 10/2, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay, Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư kiểm dịch thực vật đối với các sản phẩm nông sản gồm: chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo và gạo.

Đồng thời, Cục cũng đang đàm phán để ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch một số quả tươi truyền thống như dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải và chôm chôm; hướng dẫn xuất khẩu tạm thời ớt, chanh leo.

Hiện, hai bên cũng đang đàm phán kỹ thuật để xuất khẩu khoai lang (đã ký Nghị định thư, hiện hai bên đang chuẩn bị kiểm tra thực địa các cơ sở đóng gói), dược liệu, bưởi và một số loại quả thuộc nhóm cây có múi và dừa. Đồng thời, Bộ NNPTNT cũng đã nộp hồ sơ đối với quả na và thảo quả để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, tiến hành các bước tiếp theo.

Vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng để xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Ngày 10/2, Bộ NNPTNT tổ chức Diễn đàn Kết nối nông sản 970 "Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)". Ảnh: Tùng Đinh

Một số khó khăn, tồn tại trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc được Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt chỉ rõ, đó là vẫn còn tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.

“Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian vừa qua Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố mã số vùng trồng. Đồng thời phối hợp với các chi cục kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu để kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, để công tác quản lý đạt hiệu quả hơn nữa, cần có sự đồng hành của các địa phương, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp cũng như hiệp hội ngành hàng trong vấn đề quản lý mã số đã được cấp”, ông Đạt nói.

Bên cạnh đó, các mặt hàng mới chưa có hồ sơ hoàn thiện và biện pháp kỹ thuật để làm cơ sở đàm phán.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, hiện nay đã cấp trên 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. "Bộ NNPTNT đã triển khai rất mạnh xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu", ông Nam nói.

Ông Nam cho hay, cách đây 2 ngày Trung Quốc đã khai thông tuyến đường sắt giữa Lào và Thái Lan. Như vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản từ Thái Lan sang Trung Quốc sẽ giảm bớt 1 ngày, cùng với đó chi phí vận chuyển sẽ giảm trên 20%. Đây là một vấn đề đặt ra cho chúng ta.

"Nếu doanh nghiệp của chúng ta không cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giảm chi phí thì đây là thách thức trong vấn đề xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc", Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng để xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc - Ảnh 2.

Các xe vận chuyển cùng hàng hóa được khử khuẩn khi ra khỏi khu vực phong tỏa, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh trước khi xuất khẩu vào Trung Quốc tháng 2/2021. Ảnh: VGP

Còn theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu, là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,5 tỷ USD. Tỷ trọng xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm đến 24%.

Để nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thuận lợi, theo ông Sơn, công tác tổ chức sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu; xây dựng vùng sản xuất, nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn; định hướng sản xuất, nuôi trồng theo tín hiệu thị trường.

Trong quản lý chất lượng, cần tăng cường quản lý giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ nuôi trồng, đến gia công; tăng cường tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, HACCP.

“Để có thể tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, cần tận dụng hiệu quả cơ chế hợp tác giữa hai nước. Đồng thời, cần xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường”, ông Sơn chia sẻ.

Còn đối với các doanh nghiệp, ông Sơn cho rằng, cần nghiên cứu và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc; tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc; khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản; xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ; nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường; chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu khi nhiều vụ việc mất thương hiệu đáng tiếc đã từng xảy ra.

Về cấp mã số vùng trồng, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cho hay, do diện tích sản xuất của địa phương còn nhỏ lẻ, phân tán nên việc tập trung xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng mã số vùng trồng của Vĩnh Long còn ở mức khiêm tốn.

“Thời gian tới, định hướng của tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tập trung vào cây ăn quả, rau màu, khoai lang. Đồng thời, thực hiện tốt quy định trong việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phục vụ cho xuất khẩu”, ông Liêm cho hay.

Để có thể thực hiện được những mục tiêu đó, đại diện tỉnh Vĩnh Long đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ thẩm định, rút ngắn thời gian cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

“Vĩnh Long đã gửi rất nhiều hồ sơ, điển hình như đối với mặt hàng khoai lang là 38 hồ sơ, nhưng mới chỉ được cấp 4 mã số vùng trồng, 6 mã số cơ sở đóng gói. Đặc biệt, việc hoàn thành hồ sơ hiện nay còn rườm rà, phức tạp, phải mất nhiều thời gian, công sức nên đề nghị phía Trung Quốc đơn giản hóa hồ sơ để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp Việt Nam”, ông Liêm kiến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem