Mạo danh mã số vùng trồng: Phải xử lý nghiêm!
Hành vi mạo danh mã số vùng trồng của xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp) để xuất khẩu sang Trung Quốc, cần phải có chế tài xử lí nghiêm.
Những ngày qua, thông tin về việc xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp) được phát hiện bị “xài chùa” mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu sang Trung Quốc đang gióng lên cảnh báo về cung cách làm ăn chụp giật, vô trách nhiệm của một số doanh nghiệp xuất khẩu.
Đồng thời, cũng lộ ra những kẽ hở mà tới đây, cần phải có những quy trình giám sát chặt chẽ hơn nữa nhằm có chế tài xử lí nghiêm đối với những doanh nghiệp thực hiện không nghiêm túc các quy định về xuất khẩu.
Sự việc được phơi bày khi mới đây, một số doanh nghiệp đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu xoài sang Trung Quốc tại HTX xoài Mỹ Xương (Cao Lãnh, Đồng Tháp), đã phát hiện các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói này bị sử dụng vô tội vạ trên hàng loạt lô hàng xoài khác để xuất khẩu sang Trung Quốc (trong khi nguồn xoài tại HTX Mỹ Xương thời gian qua đã không còn do hết vụ).
Tai hại hơn khi vừa qua, phía hải quan Trung Quốc công bố số liệu về việc một số lô xoài tươi nhập khẩu từ Việt Nam từ năm 2019 đến giữa năm 2020, trong đó có một số lô bị nhiễm đối tượng dịch hại, và có nhiều lô trong số đó gắn các mã số vùng trồng của HTX xoài Mỹ Xương.
Điều này đã khiến các doanh nghiệp có đăng ký mã số vùng trồng tại HTX xoài Mỹ Xương bị “vạ lây”, khi mã số vùng trồng của HTX xoài Mỹ Xương bị phía Trung Quốc gạch tên khỏi danh sách mã số đăng ký xuất khẩu vào nước này do vi phạm về quy định kiểm dịch thực vật.
Từ năm 2018, phía Trung Quốc đã chính thức có thông báo đề nghị việc bắt buộc phải triển khai đóng gói, cung cấp các thông tin truy xuất nguồn gốc các loại hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, quả tươi Việt Nam xuất khẩu sang nước này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc, được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cung cấp thông tin về mã số vùng trồng; mã số cơ sở đóng gói quả tươi cho cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc xem xét chấp thuận, đưa vào danh sách.
Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) từ năm 2018, cũng đã phối hợp với các địa phương, tổ chức triển khai phổ biến rộng rãi, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, HTX, doanh nghiệp, cơ sở đóng gói... có nhu cầu xuất khẩu các mặt hàng trái cây sang Trung Quốc về trình tự, thủ tục đăng ký cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Triển khai hướng dẫn này, đến năm 2019, hầu hết các địa phương có trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc đã nghiêm túc triển khai quy định này. Nhất là các doanh nghiệp có vùng liên kết sản xuất chặt chẽ với các HTX, tổ chức chuỗi liên kết bền vững giữa sản xuất và xuất khẩu đã thực hiện nghiêm túc, đúng với quy định về ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc xuất xứ...
Mặc dù vậy, vẫn có tình trạng những doanh nghiệp xuất khẩu cố tình “lách” kẽ hở về quy định này, khi lợi dụng “lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia” để xuất khẩu. Cụ thể, các doanh nghiệp này đã gian lận khi lấy nguồn hàng một nơi (có thể nguồn hàng ngoài vùng trồng đã được cấp mã số), rồi dán tem nhãn có mã số của vùng trồng đã được cấp mã số để xuất khẩu.
Kẽ hở này được lợi dụng bởi hiện nay, phía Trung Quốc chưa có những yêu cầu chặt chẽ các dữ liệu về vùng trồng, cơ sở đóng gói của các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chỉ cần được phía Việt Nam đăng ký, thực hiện cung cấp thông tin đầy đủ về truy xuất nguồn gốc, thì sẽ được phía Trung Quốc chấp thuận mã số để đưa vào dữ liệu hải quan, mà chưa thực hiện việc trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra từng vùng trồng, cơ sở đóng gói, chế biến (tương tự như mặt hàng lúa gạo).
Thiết nghĩ, nếu không có việc một số lô xoài xuất khẩu bị phía Trung Quốc phát hiện vi phạm do dính vi phạm về kiểm dịch thực vật và bị "gạch tên" mã số vùng trồng, thì tình trạng mạo danh xuất xứ này chưa biết khi nào mới được phát hiện.
Từ sự cố xoài Cao Lãnh bị mạo danh vừa qua, cũng cho thấy cần phải có những quy định, chế tài chặt chẽ hơn nữa trong việc giám sát khâu in ấn, sử dụng nhãn mác truy xuất mã số vùng trồng và sơ sở đóng gói, tránh tình trạng cho “mượn” xuất xứ để xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần phải có những chế tài xử lí nghiêm đối với những doanh nghiệp cố tình mạo danh xuất xứ hàng hóa. Bởi điều này không chỉ gây ra những hệ lụy, rủi ro về vi phạm kiểm dịch thực vật, nhất là nguồn hàng được lấy từ các vùng trồng chưa được cấp mã số, chưa thực hiện nghiêm về quy trình sản xuất an toàn, kiểm soát nguy cơ dịch hại và tồn dư thuốc BVTV, có nguy cơ bị nước nhập khẩu cảnh báo, thậm chí dừng nhập khẩu, mà thiệt hại cuối cùng vẫn là các doanh nghiệp chân chính và nông dân phải gánh chịu...
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây chủ lực của nước ta. Thương mại quốc tế nói chung, trong đó có việc xuất khẩu các mặt hàng trái cây sang thị trường Trung Quốc, sẽ không thể tránh khỏi xu thế, yêu cầu phải thực hiện nghiêm các quy định về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, gian lận thương mại...
Hành vi lợi dụng kẽ hở, mạo danh nguồn gốc hàng hóa, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc khác như vừa qua, cần phải bị xử lí nghiêm!