Mào nào cho taxi, mào nào cho dự thảo?

Phạm Trung Tuyến Thứ ba, ngày 23/04/2019 08:00 AM (GMT+7)
Quy định bắt buộc gắn mào cho tất cả các loại xe chở khách sử dụng hợp đồng điện tử tạo nên một cảm giác khiên cưỡng.
Bình luận 0

Sau khi Bộ GTVT hoàn thiện dự thảo lần thứ 8 Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, rất nhiều tranh cãi đã nổ ra xung quanh dự định yêu cầu tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ ngồi sử dụng hợp đồng điện tử đều phải gắn mào, bất kể đó là xe hợp đồng hay xe du lịch.

Vậy, cái mào trên xe thực sự có mục đích gì, có cần thiết phải tốn kém để trang bị cho những chiếc xe hợp đồng điện tử hay không?

img

Dự thảo quy định xe ứng dụng công nghệ phải gắn mào như taxi đang gây nhiều tranh cãi.

Ban đầu, cái mào trên xe taxi có tác dụng giúp người dùng nhận diện để vẫy xe. Nó có ích đối với tài xế, và khách hàng, chứ không vì mục đích quản lý giao thông. Tại đa số quốc gia trên thế giới, taxi được coi là phương tiện vận tải công cộng, và đồng nghĩa với việc ưu tiên lưu thông so với phương tiện cá nhân. Vì thế, cái mào là một đặc quyền của taxi nên người ta sẵn sàng tốn thêm chi phí để gắn mào.

Quy định bắt buộc gắn mào cho tất cả các loại xe vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử tại dự thảo Nghị định lần này nhằm mục đích gì? Những người đại diện cho taxi truyền thống cho rằng đó là để đảm bảo công bằng giữa “taxi truyền thống” và “taxi công nghệ”. Đảm bảo sự công bằng giữa các loại hình kinh doanh tương đồng là một mục đích tốt. Song, một chính sách tốt thì không nên tạo thêm các điều kiện gây tốn kém, lãng phí cho xã hội.

Khi mà công nghệ cho phép người dùng có thể nhận diện, gọi xe bằng các thông tin chi tiết thông qua ứng dụng, cái mào không còn cần thiết nữa, thậm chí ngay cả đối với taxi truyền thống. Còn để các lực lượng quản lý nhận biết taxi, dù công nghệ, hay truyền thống, thì nên áp dụng giải pháp dùng biển số riêng hay phù hiệu dán một lần cho xe cá nhân, và xe hợp đồng vận tải. Cái biển số riêng hay phù hiệu dán một lần sẽ không tạo thêm nhiều chi phí, không làm thay đổi thiết kế của chiếc xe.

Quy định bắt buộc gắn mào cho tất cả các loại xe chở khách sử dụng hợp đồng điện tử tạo nên một cảm giác khiên cưỡng, dường như những người làm dự thảo đang cố gắng ép văn bản để chiều theo mong muốn đầy sự cay cú của các doanh nghiệp taxi đối với những người tận dụng xe riêng để chở khách. Nếu quả thực như vậy, đây là một sự chiều chuộng vô lối.

Dự thảo thay thế Nghị định 86 được soạn để phục vụ các doanh nghiệp taxi truyền thống hay để điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trên thị trường vận tải?

img

Nếu để tạo công bằng giữa taxi truyền thống và xe ứng dụng công nghệ thì vấn đề không nằm ở cái mào. Bản chất vấn đề nằm ở chỗ các hợp tác xã vận tải sử dụng ứng dụng gọi xe của các công ty công nghệ khiến lái xe không phải chạy vòng vèo ngoài đường để bắt khách như taxi, có thể đi vào những tuyến đường mà xe taxi bị hạn chế.

Vì thế, để đảm bảo công bằng cho taxi truyền thống, những người làm chính sách thay vì trói thêm các điều kiện cho xe hợp đồng điện tử, thì nên cởi trói cho taxi bằng việc ưu tiên hạ tầng cho taxi theo tinh thần ưu tiên phương tiện công cộng, và taxi truyền thống cũng nên được phép từ bỏ cái mào trên đầu mình, nếu muốn giảm chi phí.

Nếu các nhà làm chính sách lo ngại việc bỏ mào sẽ khiến nhiều người tận dụng xe cá nhân để kinh doanh trốn thuế, họ có thể yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ kết nối phải báo cáo doanh thu của chủ xe thông qua dịch vụ kết nối của mình. Cái mào, vì thế cũng không cần thiết đối với mục đích này.

Để nhận biết sự cần thiết của một chính sách, người ta có thể nhìn vào mục đích của nó. Nhưng khi một chính sách mơ hồ về mục đích, có lẽ cũng cần phải gắn cho nó một cái mào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem