Masan bất ngờ "tung" 28 triệu USD thâu tóm Bột giặt Net sau khi là cổ đông lớn Vinmart

Huyền Anh Thứ ba, ngày 24/12/2019 15:39 PM (GMT+7)
Với mức giá chào mua 48.000 đồng/cổ phiếu, thành viên của Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang định giá CTCP Bột giặt Net (Netco - Mã CK: NET) ở mức 46 triệu USD. Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 23/12, cổ phiếu của Netco ở vùng giá 39.000 đồng, tương ứng giá trị vốn hóa khoảng 38 triệu USD.
Bình luận 0

Sau thương vụ đình đám hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco, để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng và bán lẻ hàng đầu Việt Nam, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tiếp tục gây bất ngờ với công bố đề nghị chào mua cổ phần của một doanh nghiệp 50 năm tuổi.

Theo đó, Masan HPC - một công ty thành viên vừa được thành lập thuộc ngành hàng Chăm sóc cá nhân và gia đình của Masan Consumer (MCH) đã đưa ra đề nghị chào mua công khai 60% cổ phần của CTCP Bột giặt Net (Netco - Mã CK: NET) với giá 48.000 đồng/cổ phiếu, tương đương định giá công ty ở mức 46 triệu USD, hệ số giá trên thu nhập (P/E) xấp xỉ 19.

So với mức giá trên thị trường chứng khoán hiện nay, mức giá đề nghị của Masan cao hơn thị giá 9.000 đồng/CP, tương ứng 23%.

Masan lý giải, giao dịch này là nhất quán với chiến lược phát triển 5 năm của công ty mẹ là Tập đoàn Masan, nhằm mở rộng danh mục sản phẩm đáp ứng nhu cầu của 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam.

img

Trong đó, Netco là điểm khởi đầu chiến lược để Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang xây dựng nền tảng đa dạng hóa các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình.

Theo Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình tại Việt Nam là một trong những lĩnh vực lớn nhất và hấp dẫn nhất tại Việt Nam với giá trị thị trường khoảng 3,1 tỷ USD và nhiều cơ hội phát triển nhanh chóng để xây dựng các thương hiệu nội địa vững mạnh.

Hiện tại, thị trường này vẫn còn rất sơ khai khi so sánh với nhiều thị trường phát triển khác. Sự kết hợp giữa Masan và Netco, nhờ vào tính tương đồng cao từ 300.000 điểm bán hàng của Masan, sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng mang đến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức hai chữ số.

Về phía Netco, tính tới hiện tại doanh nghiệp này đã có tới 50 năm tuổi và là một trong các doanh nghiệp nội địa hàng đầu về sản phẩm chăm sóc gia đình tại Việt Nam với 2 thương hiệu được ưa chuộng là Net và Netsoft.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh mới chỉ mang về cho Netco 1.117 tỷ đồng doanh thu thuần và 57 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế vào năm 2018. Thị phần hiện tại của công ty trong ngành hàng bột giặt là 1,5%. Đây là con số tương đối khiêm tốn nếu so sánh với các đại gia ngoại như Unilever với 54,9% thị phần, Procter & Gamble (P&G) với 16% thị phần, Đại Việt Hương 11,6%, LIX 2,7% và Vico 2,4%.

Như vậy, với kế hoạch chào mua này, Masan sẽ phải “tung” ra 28 triệu USD (tương ứng khoảng 645 tỷ đồng) để sở hữu 60% cổ phần của Netco. 645 tỷ đồng không phải áp lực cho Masan khi tập đoàn này đã có kế hoạch huy động 10.000 tỷ đồng thông qua trái phiếu nhằm mục đích tăng quy mô vốn cho Masan và các công ty con của Masan nhằm thực hiện dự án đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh bằng việc góp thêm vốn vào điều lệ của công ty con, cho vay các công ty con và thanh toán các khoản nợ (bao gồm vay nội bộ) của Masan.

Cụ thể, trong 10.000 tỷ đồng dự kiến phát hành này, 5.000 tỷ đồng sẽ được Masan dùng để góp thêm vào vốn điều lệ của Công ty TNHH Tầm Nhìn Masan. 4.000 tỷ đồng sẽ được dùng để cho vay hai công ty con là Công ty TNHH MasanConsumerHoldings (3.000 tỷ đồng) và Công ty TNHH MNS Meat Hà Nam (1.000 tỷ đồng).

1.000 tỷ đồng còn lại dự kiến được Masan dùng để thanh toán nợ vay nội bộ của Masan cho công ty con là Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo.

Thông tin Masan muốn mua NET đã khiến cổ phiếu này tăng nóng. Trong phiên sáng 24/12, bất chấp VN-Index giảm mạnh, cổ phiếu NET vẫn tăng trần, tăng 3.900 đồng/CP lên 42.900 đồng/CP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem