Masan tiết lộ chìa khóa để trở thành 50 nhà tiêu dùng- bán lẻ hàng đầu thế giới

Ngọc Lê Thứ sáu, ngày 03/07/2020 10:51 AM (GMT+7)
Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Công ty CP Tập đoàn Masan (Hose: MSN) và 2 công ty thành viên: Masan Consumer Holdings (MCH), Masan MeatLife (MML) tổ chức ngày 30/6 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo Tập đoàn này cho biết, sau thương vụ sáp nhập VinComerce (VCM), Masan đặt mục tiêu trở thành 50 nhà tiêu dùng- bán lẻ hàng đầu thế giới.
Bình luận 0

Sau thương vụ sáp nhập Công ty VinComerce của Tập đoàn Vingroup- đơn vị vận hành chuỗi siêu thị , cửa hàng bán lẻ Vinmart, Vinmart+ và VinEco hồi tháng 12/2019, Masan đã nhanh chóng thực hiện các bước đi để hoàn tất giao dịch sáp nhập này với tập đoàn này cũng thông tin, tới đây sẽ mua nốt 15% cổ phần còn lại của VCM để chính thức sở hữu 100% cổ phần tại VCM.

Masan tiết lộ chìa khóa để trở thành 50 tiêu dùng- bán lẻ hàng đầu thế giới: Vinmart! - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đăng Quang- Chủ tịch HĐQT Masan Group trình bày trước đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn này ngày 30/6 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, ông Quang cho biết: Gần 20 năm qua, Masan đã đi trên một con đường và Masan sẽ tiếp tục đi trên con đường đó với lòng nhiệt thành, tâm huyết mỗi ngày, triết lý của Masan là "doing well by doing good".

5 năm tới sẽ có 10.000 siêu thị, cửa hàng Vinmart, Vinmart+ với một bộ mặt hoàn toàn mới

Ngày 12/6, HĐQT Masan Group (MSN) đã ra nghị quyết thành lập Công ty TNHH The Sherpa và Công ty cổ phần CrownX nhằm hoàn tất "giao dịch hợp nhất" giữa CTCP phát triển và thương mại Dịch vụ VCM (VCM) và Công ty TNHH Masan Cosumer Holdings (MCH).

Trong đó, CrownX sẽ là công ty con nắm giữ phần vốn góp tại MCH và VCM. Masan sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn tại VCM và MCH trong một hoặc nhiều giao dịch và ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang hoặc Tổng Giám đốc Danny Le quyết định tỷ lệ sở hữu cụ thể của Masan tại The Sherpa và CrownX.

Nếu Masan hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ phần vốn đang nắm giữ sang cho CrownX thì CrownX sẽ trực tiếp sở hữu 83,74% cổ phần của VCM -  công ty sở hữu hệ thống Vinmart, Vinmart+ và VinEco cùng 85,71% phần vốn góp tại Masan Consumer Holdings – công ty quản lý toàn bộ mảng sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng của Masan.

Tại ĐHĐCĐ của Masab Group ngày 30/6 vừa qua, Tập đoàn Masan đã thông qua nghị quyết của HĐQT để mua thêm 15% cổ phần của Công ty CP The CrownX. Giao dịch này đang được cân nhắc thực hiện bằng tiền mặt với giá trị lên đến 1 tỷ USD. Giao dịch dự kiến sẽ được hoàn tất trong Quý 2/2020 và Quý 3/2020. Như vậy, nếu giao dịch này thành công, Masan sẽ chính thức sở hữu 100% cổ phần của VCM.

Masan tiết lộ chìa khóa để trở thành 50 tiêu dùng- bán lẻ hàng đầu thế giới: Vinmart! - Ảnh 2.

Tân Tổng Giám đốc trẻ tuổi của Masan

Cũng tại ĐHĐCĐ của MSN, ông Danny Le đã dành khá nhiều thời gian để chia sẻ về mục tiêu của Masan sau khi sáp nhập VCM.

Theo ông Danny Le, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng tiêu dùng nhanh nhất ở Đông Nam Á và ở mức tăng cao so với thế giới. Theo dự báo, trong ít năm tới, 60% người tiêu dùng Việt Nam sẽ là tầng lớp trung lưu và khá giả. Tuy nhiên, hiện người tiêu dùng hiện đang phải trả giá cho sản phẩm cao hơn 10-20% do các bất cập về hạ tầng, các khâu còn phân mảnh. Việt Nam cũng còn rất nhiều điểm bán lẻ, tới 1-2 triệu điểm trên khắp cả nước, điều này dẫn đến chi phí hậu cần, logistics rất lớn, chiếm từ 8-12%.

"Trong giai đoạn 1, chúng ta đã thành công với ngành hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng ta không thể bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, cũng như không thể sở hữu các kênh bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, mà chỉ có thể bán qua các kênh truyền thống, qua chợ, tiệm tạp hóa… Vì vậy, ở giai đoạn 2, đây chính là lý do chúng tôi mua lại nền tảng bán lẻ VinCommerce (VCM)"- ông Danny Le chia sẻ.

Ông Danny Le cũng cho biết: "Khi sáp nhập VCM đã giúp chúng tôi tái định nghĩa là tiêu chuẩn cho người tiêu dùng và thiết lập những danh mục hàng hóa hiện đại. Tiếp theo, chúng tôi sẽ thiết lập những thương hiệu bán lẻ, bởi hiện chúng ta chưa có những thương hiệu nào trong chuỗi bán lẻ hiện đại mạnh của Việt Nam, mà thường của nước ngoài. Bước tiếp theo là, chúng ta củng cố hạ tầng ở cả 2 kênh online và offline để phục vụ khách hàng một cách đa kênh và hiệu quả nhất . Khi chúng ta sở hữu được nền tảng bán lẻ này, tức là đã tiếp cận được với thị trường bán lẻ trị giá 100 tỷ USD và có thể nhắm đến doanh thu 1 năm từ 5-10 tỷ USD từ thị trường này".

Masan tiết lộ chìa khóa để trở thành 50 nhà tiêu dùng- bán lẻ hàng đầu thế giới - Ảnh 3.

Theo kế hoạch, tới năm 2025, Masan sẽ nâng chuỗi siêu thị, cửa hàng Vinmart, Vinmart+ từ 3.000 điểm như hiện nay lên 10.000 điểm chính thức và 20.000 điểm nhượng quyền với tham vọng đạt doanh thu từ 5-10 tỷ USD trong thị trường bán lẻ trị giá 100 tỷ USD , tức gấp 5-10 lần doanh thu hiện nay của Masan trên thị trường tiêu dùng, bán lẻ.

Đến cuối năm nay Vinmart sẽ hòa vốn

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc, liệu tới đây Masan có bán một hoặc một phần cổ phần tại VCM hay sẽ hợp tác với đối tác nào khác để vận hành VCM hay không, ông Danny Le cho biết:

- Chúng tôi sẽ luôn có cổ phần đa số kiểm soát trong VCM, các đối tác khác nếu tham gia, chúng tôi cũng sẽ chào đón họ. Song hiện tại, chưa có đối tác nào làm việc với Masan về vấn đề này cả.

Cũng tại ĐHĐCĐ, một cổ đông hỏi: Vì sao trong quý 1 đúng vào thời điểm Tết Nguyên đán, cộng với dịch Covid-19, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng, mà Masan vẫn báo lỗ đối với VCM?. Trả lời câu hỏi này, ông Danny Le nói:

- Nếu nhìn vào EDITA biên lợi nhuận năm 2019, chúng ta có thể thấy, tình hình kinh doanh của VCM lỗ rơi vào -11%, còn quý 1 năm nay EDITA giảm xuống còn -4 đến -5%. Trong quý IV năm 2019, VCM mở rất nhiều cửa hàng mới và chúng ta cần có thời gian để thu hút khách hàng tới mua sắm.

Tại thị trường Hà Nội, VCM đã hòa vốn rồi, trong các quý tới có thể hòa vốn. Còn ở thị trường miền Nam, so sánh với năm 2019, thực tế cũng đã có tăng trưởng. Chúng tôi vẫn kiên định mục tiêu, tới cuối năm nay sẽ hòa vốn cho Vinmart và sẽ có tăng trưởng sau đó.

"Tôi cũng nhận được rất nhiều câu hỏi từ giới đầu tư, báo chí và ngay cả từ nhân viên, có phải đến lúc này mới cần nền tảng bán lẻ nên mới sáp nhập VCM không? Trên thực tế, chúng tôi luôn nghĩ về mục tiêu cuối cùng là có được một nền tảng bán lẻ. Việc sáp nhập VCM là bước đi chiến lược và bước đầu  đã thành công. Hiện chúng ta đang bán các nhu yếu phẩm ở Vinmart, Vinmart+, nhưng tới đây chúng ta sẽ xây dựng một ý niệm mới đó là "Points of Life", tức người tiêu dùng thể đến đây mua sắm, ăn uống và phục vụ cả nhu cầu tài chính nữa. Sau nữa, chúng ta sẽ xây dựng nền tảng số để phục vụ nhu cầu kết nối giải trí- tiêu dùng qua các nền tảng điện tử, điện tử số"- ông Danny Le chia sẻ tiếp.

Theo ông Danny Le, Vinmart và Vinmart+ trong 5 năm tới sẽ rất khác, chúng tôi sẽ hợp nhất cả nền tảng online (kênh bán hàng qua mạng) và offline (kênh bán hàng trực tiếp) để phục vụ người tiêu dùng, chúng ta chỉ có thể chuyển đổi được nếu tiếp tục củng cố và hợp nhất. Hiện chúng ta đang có 3.000 cửa hàng Vinmart, Vinmart +, phục vụ khoảng 9 triệu người tiêu dùng. 

Mục tiêu chúng tôi đặt ra là, đến năm 2025 sẽ có 10.000 siêu thị, cửa hàng Vinmart, Vinmart+ và 20.000 cửa hàng nhượng quyền khác, đặc biệt sẽ mở rộng về các khu vực nông thôn. Thông qua đó, chúng ta sẽ giảm được chi phí trong chuỗi cung ứng, sẽ có được danh mục sản phẩm hiện đại cạnh tranh phục vụ người tiêu dùng.
Ông Danny Le cũng lý giải vì sao, chúng ta chọn những mặt hàng nhu yếu phẩm?. Theo ông, ở Việt Nam, nhu yếu phẩm là mặt hàng tiêu dùng được mua nhiều nhất, tăng trưởng kênh hiện đại sẽ rất nhanh chóng từ 30-50% và hiện có tới 50% người tiêu dùng khi đi mua sắm là mua nhu yếu phẩm và có ít nhất 50% người tiêu dùng đi mua nhu yếu phẩm ít nhất 1 lần/ngày. Đó chính là lý do, mà chúng tôi đẩy mạnh chuỗi siêu thị, cửa hàng.

Masan tiết lộ chìa khóa để trở thành 50 nhà tiêu dùng- bán lẻ hàng đầu thế giới - Ảnh 5.

Tại ĐHĐCĐ vừa qua, trả lời câu hỏi về việc, VinEco có phải của Masan không, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết: "VinEco thuộc về Masan. Hiện VinEco là một công ty con chuyên sản xuất nông sản sạch, thuộc VinCommerce do Công ty CP The CrownX của Masan Group qiuanr lý".

"Sau đại dịch Covid-19, có những mặt hàng không những không chịu tác động, mà còn phát triển, trong đó có ngành nhu yếu phẩm. Nếu nhìn vào tổng thị trường, nhu cầu này sẽ tăng 10%/năm và riêng kênh hiện đại tăng 30%. Tôi tin rằng, sau Covid-19, người tiêu dùng sẽ còn lựa chọn kênh hiện đại nhiều hơn và tăng ít nhất 50%"- ông Danny Le khẳng định.

Dẫn thành công từ những nhà bán lẻ nổi tiếng trên thế giới như Wallmart hay Amazon, Costco, Tesco..., ông Danny Le tự tin với chiến lược của Masan là sẽ đưa Công ty The CrowX trong 5-10 năm tới lọt vào tốp 50 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới. Trong đó, trước mắt sẽ tập trung phục vụ cho 100 triệu người dân tại Việt Nam, sau đó mới tính tới câu chuyện mở rộng ra các thị trường khác.

Masan tiết lộ chìa khóa để trở thành 50 nhà tiêu dùng- bán lẻ hàng đầu thế giới - Ảnh 6.

Số lượng chuỗi siêu thị, cửa hàng Vinmart, Vinmart+ sẽ tiếp tục được Masan củng cố, mở rộng trong chiến lược 5 năm tới đây.

Doanh thu của Masan có thể lên 10 tỷ USD củng cố, hợp nhất 3 nền tảng: Tiêu dùng- Bán lẻ- Công nghệ

Cũng theo công bố của Masan về tình hình sản xuất, kinh doanh, tính cho đến nay, đã có ít nhất 98% hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của Masan trong tiêu dùng, sinh hoạt với doanh thu hàng năm thu được của Masan là 1 tỷ USD/năm.

Chia sẻ với các cổ đông, khách mời tại ĐHĐCĐ vừa qua, ông Nguyễn Đăng Quang- Chủ tịch HĐQT Masan Group cho biết: "Tại Masan, chúng tôi luôn xuất phát với một vạch đích được xác định rõ ràng. Mục tiêu của chúng tôi là dẫn đầu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bán lẻ hiện đại trên toàn quốc chứ không chỉ giới hạn ở một vài địa phương. Thay vì chỉ ở mức 8% hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025 và Masan có thể gia tăng quy mô này lên đến 50%. Yếu tố thay đổi cuộc chơi là khi Masan không chỉ có kênh mua sắm hiện đại cho các cư dân thành thị mà còn mang trải nghiệm tuyệt vời này đến phục vụ cả người tiêu dùng ở nông thôn"- ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ tiếp.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc, Masan có tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A nữa hay không?, ông Danny Le cho biết: Chắc chắn là có, nhưng nó diễn ra vào thời điểm nào và M&A lĩnh vực gì, thì chúng tôi chưa biết và chưa thể nói được.

Cũng theo ông Quang, Masan đang ở vị thế sẵn sàng cho sứ mệnh này nhờ mối quan hệ mật thiết và lâu dài sẵn có với hơn 300.000 điểm bán lẻ truyền thống (GT). Từ chỗ đơn thuần bán sản phẩm của Masan như hiện nay, họ sẽ trở thành một phần trong nền tảng bán lẻ của chúng tôi thông qua mô hình nhượng quyền và mối quan hệ đối tác mật thiết, giúp mang đến lợi ích cho cả hai bên và cho chính người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đăng Quang cũng khẳng định: "Năm 2020, Masan Group sẽ không mở rộng kinh doanh quá nhanh chóng, mà sẽ nỗ lực để đảm bảo mô hình hiện có tiếp tục bền vững khi tăng quy mô. Tôi tin rằng nếu cùng thực thi quyết liệt và kiên định với chiến lược, chúng tôi không những sẽ trở thành nền tảng bán lẻ hàng đầu Việt Nam mà còn có thể đạt được biên lợi nhuận 2 chữ số".

Tại ĐHĐCĐ vừa qua, ông Danny Le- Tổng Giám đốc Masan Group cũng công bố, doanh thu hợp nhất của Masan trong 5 năm tới sẽ tăng trưởng ở 2 con số với kịch bản cao nhất có thể đạt tới 150.000-250.000 tỷ đồng/năm (doanh thu của Masan năm 2020 dự kiến đạt 75.000-80.000 tỷ đồng).

Chiến lược để The CrownX trở thành 50 nhà tiêu dùng- bán lẻ hàng đầu thế giới

Để xây dựng nền tảng bán lẻ tích hợp đáp ứng nhu cầu ngày càng nâng cao của người tiêu dùng Việt, Masan đã thành lập Công ty The CrownX, công ty sở hữu cổ phần của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) và Công ty VinCommer ce, tận dụng thế mạnh là nhà sản xuất có thương hiệu và nhà bán lẻ hàng đầu của cả 2 công ty. Các ưu tiên chiến lược chính của The CrownX là:

- Phát triển mạng lưới cửa hàng và chuỗi cung ứng vượt trội - đảm bảo độ bao phủ cả nước

- Phát triển VCM thành mô hình kinh doanh hàng tiêu dùng với các thương hiệu mạnh– trở

thành top 50 thương hiệu toàn cầu

- Phát triển danh mục sản phẩm độc quyền (lên đến 40%) cùng đối tác và nhà cung cấp chiến

lược

- Sở hữu dữ liệu chi tiêu nhu yếu phẩm của hộ gia đình

- Xây dựng công ty thành Top "10 công ty có môi trường đáng làm việc" tại Việt Nam


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem